Chúa Nhật IV Phục Sinh – Ngày 8 Tháng 5, 2022

Lm. Adrian McCaffery O.P.

Các Bài Đọc: Acts 13:14, 43–52 • Ps 100:1–2, 3, 5 • Rev 7:9, 14b–17 • Jn 10:27–30  

bible.usccb.org/bible/readings/050822.cfm

Trong tin mừng về tình bạn theo phúc âm thánh Gioan, chỉ là một người bạn hữu khi nào người ấy ý thức hoặc biểu lộ được căn tính của Chúa Kytô. Là người bạn hữu như thế, họ hiu được những tâm tư của Chúa: lòng quảng đại và lòng thương xót của Người. Như trong bài phúc âm tuần trước kể lại mẻ lưới bắt được rất nhiều cá, người bạn hữu đã nói rất quả quyết, hay chắc như đinh đóng cột rằng: " Chúa đó!" Thật vậy: người ấy không nghi ngờ một chút nào cả; anh ta quả quyết như vậy với Phêrô, vì anh đã ghi nhớ và đang hồi tưởng lại lòng quảng đại và hào phóng của Chúa Kytô. Đặc tính của Chúa Kytô là rất hào phóng, rất quảng đại. Đặc điểm này đã trở thành dấu ấn hay nhãn hiệu của Người. Tuy nhiên, phải là một người bạn hữu thì mới nhìn thấy điều đó – mới nhận ra Đức Kytô, mới đọc được lối suy nghĩ trong tâm trí Người, và nhận ra nhân cách của Người qua lời nói hành động của Người. Chính trong tinh thần này mà Chúa Giêsu nói: “Chiên tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúngchúng theo tôi."

Chúng ta kinh nghiệm điều này đối với những người chúng ta yêu thương nhất. Chúng ta biết làm sao đọc được một cử chỉ, một giọng nói, một cử động nhẹ. Việc này còn hơn cả khả năng đọc được ngôn ngữ cơ thể; đó là  biết giải thích chính xác và đúng những gì chúng ta nhìn thấy hoặc nghe thấy trong một tình huống bất ngờ. Đó là đọc được người khác trong bối cảnh của toàn bộ cuộc sống người ấy. Điều gì đã giúp chúng ta có được sự chính xác như vậy, một khả năng giải thích như vậy, nếu không phải là cảm nghiệm sâu sắc, một cảm nghiệm về người khác là kẻ đã trở thành “cái tôi khác” của chúng ta, tức một người bạn hữu? Chìa khóa này là thiết yếu để giải thích tất cả mọi hành vi của các bạn hữu chúng ta. Trong khi những người khác có khuynh hướng giải thích sai, vì họ không có chìa khóa giải thích, thì chúng ta không có khuynh hướng hiểu sai như vậy; Phải, vì chúng ta đọc đúng mọi điều. Chúng ta thường nói những câu đại để như: “Đúng, nhưng tôi biết anh ấy”, “Tôi biết cô ấy”, “Anh ấy là bạn của tôi”.

Khi chúng ta đọc Kinh Thánh, thế nào cũng xảy đến điều gì đó. Chúng ta muốn làm quen với Chúa Kytô, từ nhân cách của Người, đến tâm trí của Người, đúng như cách chúng ta làm quen với những người khác khi bắt đầu tình bạn. Thật vậy, phải nói là chính họ dạy chúng ta cách giải thích họ là ai, họ nói gì, họ làm gì. Không có chìa khóa, không thể có tình bạn! Thay vào đó, từ giải thích sai này dẫn đến giải thích sai khác, rồi sự hiểu lầm được che giấu tựa như sự xa cách cứ tăng thêm. Người ta có thể cả đời miệt mài với những giải thích sai lầm như vậy; người ta có thể sống bên cạnh người khác suốt một thời gian dài mà vẫn không hiểu người ấy, vẫn không biết người ấy, vẫn đọc sai về người ấy. Thật là một thảm kịch khi điều đó xảy ra giữa anh em, trong gia đình, giữa vợ chồng với nhau; nhưng mỗi lần như thế, nó đều sinh ra từ cùng một căn bệnh: sự đề kháng trong chúng ta chống lại việc nhìn con người toàn diện. Chúng ta bị cám dỗ chỉ muốn nhìn phần khiếm diện thôi.

Đối với chúng ta là Kytô hữu, người môn đ được Chúa yêu mến là mẫu người mà chúng ta phải sống. Chúng ta phải nhập vào vai trò của người môn đệ được yêu mến này qua những câu chuyện ấy; chúng ta phải có sự mật thiết với Chúa Kytô, người bạn thân quý nhất của chúng ta; chúng ta phải tìm kiếm xung quanh chúng ta những tấm lòng quảng đại để cho chính bản thân và cho nhau thấy được công việc của Chúa Kytô trong cuộc sống chúng ta, để giải thích sự hào phóng của Người, để báo trước sự cho đi của Người ở giữa cuộc đời. Tình bạn này giúp chúng ta giải thích không những Kinh Thánh, mà còn giải thích cả thế giới nữa. Nó trở thành phương pháp nền tảng và duy nhất để giải thích Kinh Thánh: là lăng kính để qua đó người ta nhìn mọi sự. Tình bạn với Chúa Kytô là chìa khoá cơ bản; tình bạn ấylăng kính qua đó mọi sự phải được đo lường, cân nhắc và diễn giải. Mỗi người chúng ta phải trở thành các môn đệ yêu dấu – tức là những người bạn của Chúa Kytô, để ngay giữa cuộc đời chúng ta, chúng ta cũng  có thể nói một cách tin tưởng và chắc chắn rằng dù sống tại bất cứ đâu, trong bất cứ tình huống nào, chúng ta cũng có thể nói: “Chúa đó!” Và Chúa Kytô cũng sẽ nói: “Chúng biết tôi; Tôi biết chúng."

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C