CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Giáo Hội sau hành trình truyền giáo của thánh Phaolô và Banaba

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 14:21b-27;  Kh 21:1-5a; Ga 13:31-33a, 34-35)

        Giáo Hội phát triển tại Giê-ru-sa-lem rồi lan tới khắp miền Giu-đê.  Sau khi hai thánh Phao-lô và Ba-na-ba rời An-ti-ô-ki-a để lên đường rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, Giáo Hội đã có mặt tại nhiều thành phố lớn bên bờ Địa trung hải.  Bài đọc 1 trích sách Công vụ Tông đồ lược thuật cuộc hành trình truyền giáo và thành quả thâu lượm được của hai vị Tông đồ dân ngoại.  Kết thúc chuyến đi, hai vị trở về An-ti-ô-ki-a để chia sẻ thành quả với anh chị em Ki-tô hữu.  Sự lớn mạnh và trưởng thành của Giáo Hội được thánh Gio-an mô tả như “trời mới đất mới”  và như “Giê-ru-sa-lem mới” mặc dù Giáo Hội trần thế chưa đạt được mức độ sung mãn của Chúa Ki-tô ở trên trời (bài đọc 2).  Vậy đâu là chìa khóa để Giáo Hội lớn mạnh như vậy?  Chính là mọi Ki-tô hữu đã thực hiện lời trăn trối của vị thiết lập là Chúa Giê-su Ki-tô:  “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (bài Tin Mừng).

 

        1.  Hình ảnh Giáo Hội lớn mạnh qua tường thuật của thánh sử Lu-ca.  Một trong những thắc mắc của nhiều người là:  Phụng vụ Lời Chúa mùa Phục Sinh nhắm mục đích gì khi chỉ chọn những đoạn trích sách Công vụ Tông Đồ làm bài đọc 1, thay vì chọn một bài trích từ Cựu Ước như mọi Chúa Nhật khác?  Là để chúng ta có cơ hội nghe hoặc đọc được gần như toàn bộ Sách Thánh.  Nhưng thiết nghĩ mục đích quan trọng hơn, đó là để chúng ta xác tín rằng sự phát triển của Giáo Hội chứng tỏ Chúa Ki-tô Phục Sinh vẫn tiếp tục hoạt động dưới một hình thức khác nhờ hồng ân và sức mạnh Chúa Thánh Thần.  Nói khác đi, đó là Thánh Thần tiếp tục công cuộc cứu độ của Chúa Giê-su qua Giáo Hội cho đến ngày tận thế, hoặc như thế, sách Công vụ có thể được gọi là sách “Tin Mừng của Chúa Thánh Thần”.

        Để nói về sự phát triển của Giáo Hội giữa thế giới dân ngoại, người ta không thể không nghĩ đến giáo đoàn An-ti-ô-ki-a.  Đây là thủ phủ tỉnh Xy-ri thuộc đế quốc Rô-ma, cách Giê-ru-sa-lem 500km về phía bắc (xin đừng lẫn lộn với An-ti-ô-ki-a là trung tâm của tỉnh Pi-xi-đi-a, Thổ-nhĩ-kỳ).  Chính tại An-ti-ô-ki-a, lần đầu tiên những ngưởi theo Chúa Giê-su được gọi là các Ki-tô hữu (Cv 11:19-26).  Thánh Lu-ca không cho biết ai đã đem Tin Mừng đến cho những người ngoại giáo ở đây.  Tuy nhiên điều đáng khâm phục là tại An-ti-ô-ki-a, cũng lần đầu tiên chúng ta có một Giáo Hội quy tụ cả người Do-thái lẫn người không phải Do-thái, một hình ảnh tương lai của Giáo Hội toàn cầu.  Cũng chính từ trung tâm An-ti-ô-ki-a, hai thánh Ba-na-ba và Phao-lô đã được Thánh Thần sai đi truyền giáo cho dân ngoại vùng Địa trung hải.  Đến với dân ngoại sống tại những thành phố ven bờ Địa trung hải, hai vị đã rao giảng, rửa tội cho nhiều người và thành lập các giáo đoàn.  Sau hành trình truyền giáo, hai vị lại trở về An-ti-ô-ki-a.  “Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14:27).

        “Mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” là điểm đặc trưng nói lên sự lớn mạnh của Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Thánh Thần đã “dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô” để họ lo công việc truyền giáo cho dân ngoại.  Người đã hướng dẫn hai vị trên từng bước đường truyền giáo.  Qua những tường thuật của thánh Lu-ca, chúng ta thấy rõ vai trò chủ động của Chúa Thánh Thần:  sáng kiến truyền giáo cho dân ngoại phát xuất từ Thánh Thần.  Thậm chí sau cuộc họp của các Tông đồ tại Giê-ru-sa-lem để quyết định về vấn đề “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại (trở lại đạo) và truyền cho họ giữ luật Mô-sê”, trong thư gửi Ki-tô hữu gốc dân ngoại tại An-ti-ô-ki-a, các Tông đồ đã viết rằng:  Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này:  là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng” (Cv 15:28).  Sự kiện này chứng tỏ các Tông đồ và các vị truyền giáo là những người cộng tác chặt chẽ với Chúa Thánh Thần để mở mang Giáo Hội Chúa Ki-tô.

 

        2.  Hình ảnh Giáo Hội tương lai trong thị kiến của thánh Gio-an Tông đồ.  Nếu thánh sử Lu-ca cho chúng ta cái nhìn về một Giáo Hội Chúa Ki-tô được phát triển mạnh mẽ dưới tác động của Thánh Thần và sứ vụ của các nhà truyền giáo, thì thánh Gio-an lại giúp chúng ta chiêm ngưỡng một Giáo Hội đã được kiện toàn và vinh thắng.  Hình ảnh đầu tiên về Giáo Hội này là “Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất”.  Và hình ảnh kế tiếp là “Tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống”.  Dĩ nhiên, những hình ảnh này ám chỉ Giáo Hội khải hoàn sau khi đã anh dũng chiến đấu với ba thù trên trần gian.  Giáo Hội đã chiến đấu trong nước mắt, trong tang tóc, kêu than và đau khổ, lại còn phải đối mặt với cái chết nữa để anh dũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô.  Cuối cùng, họ đã kiên trì đến cùng và vinh thắng.  Thiên Chúa “lau sạch nước mắt họ” vì Người là Đấng “đổi mới mọi sự”.

        Tuy nhiên, để tiến tới Giáo Hội khải hoàn, Giáo Hội chiến đấu tại trần gian hiện tại cần phải lớn mạnh và mọi Ki-tô hữu đều phải đạt tới “tầm vóc cùa Đức Ki-tô”.  Ki-tô hữu càng trở nên giống Chúa Ki-tô thì bộ mặt của Giáo Hội càng dễ được người đời nhận biết.  Đó chính là lý do Chúa Giê-su đã khẳng định:  “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:  là anh em có lòng yêu thương nhau”.

 

        3.  “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau”.  Trước hết, đối với Chúa Giê-su, việc Giáo Hội được mở mang và phát triển chính là một hình thức tôn vinh Thiên Chúa Cha, vì theo kế hoạch yêu thương của Người thì Giáo Hội là công cụ để ơn cứu độ được tiếp tục đến với mọi người khắp nơi trên trái đất.  Giáo Hội càng phát triển, ơn cứu độ càng được quảng bá và đón nhận.  Chiều tối hôm nay tại phòng Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã nhìn thấy trước hình ảnh Giáo Hội phát triển, nên Người đã nói với các Tông đồ:  “Giờ đây, Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người”.  Chúa Giê-su không muốn người ta “tôn vinh” Người làm vua trần gian, nhưng Người muốn được “tôn vinh” khi bị treo trên thập giá.  Mà khi Người được “giương cao” trên thập giá, Người sẽ kéo mọi người lên cùng Chúa Cha.  Qua Giáo Hội, mầu nhiệm cứu độ được tiếp tục và Chúa Ki-tô tiếp tục “tôn vinh” Thiên Chúa.  Như vậy, nếu Giáo Hội phát triển thì việc tôn vinh Thiên Chúa càng tăng thêm nữa.  Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Gio-an cứ “lẩn quẩn” với việc tôn vinh, tôn vinh Thiên Chúa, tôn vinh Con Người.  Rồi muốn ám chỉ cuộc Thương Khó và thập giá đã gần kề, Chúa Giê-su nói “Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người (Chúa Giê-su) nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người”.  Thoạt nghe cách trình bày, chúng ta nghĩ thánh Gio-an “lẩm cẩm”, nhưng không phải đâu, chúng ta nên đọc thật chậm và suy nghĩ sẽ thấy rõ ngài muốn nói lên sự hiệp nhất tuyệt đối giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Giê-su.

        Cuộc Thương Khó sẽ chia cách Thầy trò và Thầy chỉ còn ở với trò một ít lâu nữa thôi.  Vì thế đây là lúc Thầy cần trối lại điều gì quan trọng nhất.  Nhìn về tương lai của Giáo Hội và về sự kiện Thánh Thần sẽ tiếp tục công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su nhận thấy điều quan trọng nhất, đó là làm sao giúp các môn đệ Người làm cho Giáo Hội được phát triển.  Cách tốt nhất là biểu hiện được căn tính Ki-tô hữu và để biểu hiện như vậy thì yêu thương nhau là cách hữu hiệu nhất.  Yêu thương nhau là “điểm” rõ rệt nhất nói lên chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô hoặc Ki-tô hữu.

        “Điểm” này còn được Chúa Giê-su gọi là “điều răn mới”, cho nên chúng ta biết nó quan trọng đến mức nào!  “Yêu thương nhau” là điều răn mới để thay thế cho yêu thương đã từng được đề cập đến trong Mười Điều răn.  Mới, vì nó có một gương mẫu bằng xương bằng thịt như chúng ta, đó là Chúa Giê-su:  như Thầy đã yêu thương anh em.  Mới, vì nó dạy ta phải yêu thương cả kẻ thù nữa!  Nếu chúng ta thực hành được “điều răn mới” này thì thế giới sẽ dễ dàng nhận ra chúng ta là ai và sẽ mau mắn đến với Đấng dạy chúng ta sống yêu thương như vậy.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Mặc cho những trở ngại hiện nay có vẻ như cản trở sự phát triển của Giáo Hội, chúng ta vẫn vững tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ đến để đổi mới bộ mặt địa cầu và tâm hồn chúng ta.  Nhìn vào lịch sử Giáo Hội, chúng ta ý thức những lúc thăng trầm của Giáo Hội, nhưng bao giờ cũng thế, chúng ta đều thấy Chúa Thánh Thần có đường lối hoạt động của Người và chắc chắn Người sẽ mở ra một tương lai mới sáng lạn hơn cho Giáo Hội.  Nhưng với điều kiện là chúng ta phải cộng tác với Người bằng cách thực thi lệnh truyền của Chúa Giê-su:  “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”!

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi

                          


Suy Niệm Lời Chúa Năm C