CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

Hãy nâng tâm hồn lên.  Chúng tôi đang hướng về Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gv 1:2;  2:21-23;  Cl 3:1-5, 9-11;  Lc 12:13-21)

        Không biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe lời mời gọi mở đầu cho kinh Tiền Tụng trong Thánh lễ mà hôm nay chúng ta lấy làm đề tài cho bài suy niệm Lời Chúa!  Cũng có thể chúng ta đã đọc quá quen rồi, nên không mấy khi để ý đến ý nghĩa sâu xa của lời chủ tế mời gọi “Hãy nâng tâm hồn lên” và cộng đoàn thưa “Chúng tôi đang hướng về Chúa”!  Ý nghĩa lời mời gọi này ẩn tàng trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Đau khổ thường được coi như một mầu nhiệm.  Nhưng quan trọng hơn, đó là câu hỏi sách Giảng viên đưa ra:  “Chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?”  Nếu Giảng viên muốn chúng ta hãy nghĩ đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta và sự sống đời sau, thì thánh Phao-lô đi thẳng vào câu trả lời:  “Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.  Còn Chúa Giê-su, Người dùng câu chuyện dụ ngôn nhà phú hộ chỉ mải mê làm giàu và lo cho cuộc sống vật chất, rồi chết cũng xuôi tay, để dạy chúng ta một lối sống thích đáng:  Đang khi sống trên trần gian này, hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

 

        1.  Một câu hỏi chúng ta phải trả lời:  Chuyện gì xảy ra cho chúng ta sau bao nỗi gian lao vất vả phải chịu dưới ánh mặt trời,?  (bài đọc 1:  Giảng viên 1:2;  2:21-23).

        Trước hết sách Giảng viên cho chúng ta một định nghĩa về cuộc đời:  Cuộc đời con người là “bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời”.  Điều này cũng hợp với những gì Thiên Chúa nói với ông bà nguyên tổ loài người ở trong vườn địa đàng.  Người đàn ông “sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở về với đất”.  Người đàn bà thì “phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén và sinh con” (Sáng Thế 3:16, 19).  Thế rồi lịch sử nhân loại diễn tiến dưới hậu quả của cuộc sa ngã nguyên thủy, nào là chiến tranh với câu chuyện Ca-in và A-ben  , nào là thiên tai như lụt hồng thủy thời ông Nô-ê, mất mùa và nạn đói thời tổ phụ Gia-cóp… Sách Thánh kể lại một phần lịch sử nhân loại và sự can thiệp của Thiên Chúa, đặc biệt là việc Người hứa sẽ ban Đấng Cứu Độ.   

        Sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã thì dưới ánh mặt trời, “trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền” (2:23).  Trong sách Giảng viên, cụm từ “dưới ánh mặt trời” được lập đi lập lại như một điệp khúc.  Trong khi chúng ta qua đi như một cái bóng thì mặt trời vẫn còn đó.  Vì thế, ở dưới ánh mặt trời có nghĩa là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Đúng vậy, mọi sự trong vũ trụ đều diễn ra trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Nói như thế, chúng ta hiểu rằng tất cả cuộc sống chúng ta, dù với bao gian lao đau khổ, đều diễn ra dưới con mắt của Thiên Chúa, Cha trên trời của chúng ta. Chính trong xác tín này mà Giảng viên đưa ra cho chúng ta một câu hỏi đầy ý nghĩa:  “Chuyện gì sẽ xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?”  Nếu chúng ta tin mình là con cái Thiên Chúa và sống trong sự hiện diện của Người, chúng ta có thể trả lời dễ dàng.  Bởi vì có người Cha nào lại không cảm thông với đau khổ và khó khăn của con cái mình?  Đặc biệt người Cha này lại “giàu lòng thương xót” và “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” (2 Cr 1:3;  Ga 3:16).   Như thế, chắc chắn Cha trên trời không bỏ mặc chúng ta trong đau khổ và ưu phiền đâu!  Đó là câu trả lời cho chúng ta lúc đang còn sống trên đời này:  đằng sau những gian lao khó nhọc cuộc đời, Thiên Chúa luôn hiện diện để chăm sóc và yêu thương chúng ta.  Nhưng câu hỏi của Giảng viên cũng có thể bắt chúng ta nghĩ tới một tương lai khi chúng ta không còn phải “bận tâm, gian lao vất vả”, nghĩa là từ giã cõi đời này:  Chuyện gì xảy ra?  Chúng ta đã học giáo lý về “bốn sự sau hết” là tận thế, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.  Sau khi chết, chúng ta sẽ bị Chúa phán xét để được thưởng là ở thiên đàng hay bị phạt là ở trong hỏa ngục.

        Vậy muốn có một tương lai hạnh phúc đời đời bên Chúa, chúng ta hãy sống theo lời khuyên của Giảng viên:  “Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là:  hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu” (Giảng viên 12:13).

 

        2.  “Đồ ngốc!  Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 12:13-21).

        Trong khi Giảng viên mô tả mọi sự đều là phù vân, nay còn mai mất, cho nên phải sống cái hiện tại sao cho ý nghĩa và đẹp lòng Thiên Chúa, thì Chúa Giê-su cũng đi theo dòng tư tưởng ấy để dạy chúng ta bài học thực tế, là hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.  Cơ hội khiến Chúa Giê-su kể câu chuyện nhà phú hộ, đó là Người được mời làm trọng tài phân xử cuộc tranh giành tài sản giữa hai anh em nhà kia.  Chúa từ chối làm công việc ấy và nhân dịp này dạy dân chúng hãy tránh thói tham lam.  Dù có tham lam để thu tích của cải mấy đi nữa cũng không thể bảo đảm cho mạng sống mình.  Để cụ thể hóa bài học, Chúa kể câu chuyện nhà phú hộ chuẩn bị cho tương lai.  Nhưng tương lai của ông ta chỉ lẩn quẩn trong vòng vật chất.  Ông ta đã giàu lại càng giàu thêm, đến nỗi không còn chỗ chứa hoa lợi.  Đây là kế hoạch ông lo cho tương lai của mình:  xây những kho lẫm lớn hơn để tích trữ thóc lúa và của cải.  Rồi ông ta tự nhủ:  hồn ta hỡi, bây giờ mình ê hề của cải, không cần làm ăn nữa, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!  Tuy nhiên có một điều ông ta quên không tự nhủ mình:  hồn ta hỡi, nếu đêm nay ta chết thì của cải về tay ai và hồn ta sẽ ra sao?  Ông ta đã không trả lời câu hỏi của Giảng viên:  Chuyện gì xảy ra cho ngươi sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả ngươi phải chịu dưới ánh mặt trời?  Chuyện xảy ra là ông ta ra đi tay trắng, để lại của cải đã tích trừ nhiều năm và không biết nó sẽ về tay ai.  Còn linh hồn ông sẽ về với Chúa hay sẽ về với Xa-tan?  Giờ đây mạng ông đang về với bụi đất;  tuy của cải rất nhiều, nhưng chúng không thể giữ mạng ông lại được.  Khi còn sống, ông không hề lo làm giàu cho linh hồn ông, nên bây giờ hồn ông không có gì để làm bảo chứng trước mặt Chúa.  Ông xứng đáng bị Thiên Chúa gọi ông là “đồ ngốc”.  Ngốc vì ông không lo tìm Nước Trời trước hết.  Ngốc vì ông đặt giá trị sai chỗ, điều vĩnh cửu thì ông lại coi thường, trong khi đánh giá trị cao của cải tiền bạc là những thứ phù vân, dễ bị mối mọt ten sét.  Ông đặt giá trị thân xác ông lên trên mọi giá trị khác.  Đối với ông:  Thiên Chúa là vô giá trị, tha nhân là con số không, việc lành bác ái là chuyện ruồi bu…;  không có gì giá trị hơn tiền bạc, tiền là sức mạnh, của cải là thước đo đánh giá con người ông.  Nhưng cái chết đã cướp sạch mọi sự ông có, kể luôn chính linh hồn ông nữa!  Như thế quả thực ông là một tên ngốc, không phải ngốc bẩm sinh mà là ngốc cố ý đấy!

        Câu chuyện Chúa kể thật là giản dị dễ hiểu, nhưng ý nghĩa của nó lại vô cùng sâu sắc và xoáy vào tâm trí chúng ta.  Câu hỏi kết thúc câu chuyện cũng giống như câu hỏi của Giảng viên.  Chúa Giê-su hỏi một cách hóm hỉnh:  “Đồ ngốc!  Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”  Nhưng ông ta không còn cơ hội để trả lời nữa!  Làm giàu trước mặt Thiên Chúa đang khi ta còn sống ở đời này mới thực sự là kẻ ngôn ngoan và mới trả lời được cho Ông Chủ đã trao cho chúng ta những nén bạc để sinh lợi: “Lạy Chúa, Chúa đã giao cho con năm nén, giờ đây con xin đem lại cho Chúa thêm năm nén khác nữa”.  Chúa trả lời:  “Hỡi đầy tớ trung thành, hãy vào hưởng hạnh phúc muôn đời Chủ ngươi dành cho ngươi!”

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Bài đọc Giảng viên và câu chuyện dụ ngôn Chúa Giê-su kể đã cho chúng ta thấy rõ giá trị tạm bợ và chóng qua của tất cả những gì chúng ta có thể có được ở đời này.  Chúng không thể bảo đảm cho tương lai vĩnh cửu của chúng ta.  Cho nên chúng ta phải thay đổi não trạng cố làm giàu ở trần gian này bằng não trạng làm giàu trước mặt Chúa.  Chẳng lạ gì khi trình bày Tám Mối Phúc, Chúa Giê-su để mối phúc “tinh thần nghèo khó” lên hàng đầu, không hẳn vì nó quan trọng, nhưng vì sức mạnh của tiền bạc của cải dễ lôi kéo chúng ta nhiều nhất.  Chúng giữ ta cúi mặt đi tìm của cải vàng bac và ngăn cản ta nhìn lên hướng về Chúa.  Vì thế, thánh Phao-lô cũng nhắc nhở chúng ta một điều vô cùng quan trọng, là:  “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”.  Được trỗi dây cùng với Đức Ki-tô có nghĩa là chúng ta đã có một sự sống mới, sự sống của người con cái Thiên Chúa, đã được dự phần vào sự sống lại của Chúa Giê-su để trở nên giàu có trước mặt Thiên Chúa.  Sự sống mới này và bảo đảm cho hạnh phúc vĩnh cửu đòi hỏi chúng ta phải thay đổi lối sống hiện thời, từ đời sống “hạ giới” sang đời sống “thượng giới”.  Thánh Phao-lô không ngại dùng lối nói mạnh mẽ để khích lệ chúng ta.  Ngài viết:  “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em”.  Tiếp theo ngài đan cử một số những gì trong con người chúng ta cần được “giết chết”, thí dụ:  gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam.  Rồi ngài đặc biệt chỉ mặt “tham lam” khi ngài đồng hóa nó với việc thờ ngẫu tượng!  Đúng vậy, khi chúng ta tham lam cái gì thì cái đó trở thành một ông thần hay bà tiên luôn ám ảnh xúi giục chúng ta, ảnh hưởng luôn trên những suy nghĩ và hành động của chúng ta rồi.  Có lẽ đây là bài học thực tế nhất giúp chúng ta xét mình về thói tham lam và tìm cách giết chết nó trong tâm hồn chúng ta!  Hãy nâng tâm hồn lên.  Chúng tôi đang hướng về Chúa!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

       

                 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C