CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN

Kiên vững trong đức tin

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 38:4-6, 8-10;  Dt 12:1-4;  Lc 12:49-53)

        Mấy tuần vừa qua, chúng ta đã có dịp chiêm ngưỡng đức tin của tổ phụ Áp-ra-ham và của Dân Chúa.  Nhờ đức tin, tất cả đã được toại nguyện với những lời hứa của Thiên Chúa:  tổ phụ Áp-ra-ham có con nối dòng và dân Ít-ra-en đã tiến vào Đất Hứa.  Đức tin không đặt nền tảng trên sự hiểu biết và khả năng của chúng ta, nhưng trên thế giá và tầm quan trọng của Đấng chúng ta tin tưởng.  Do đó, thái độ cần thiết của chúng ta trong khi tin tưởng phải là kiên vững trong sự phó thác.  Đức tính kiên vững này chúng ta đã gặp thấy nơi ông Áp-ra-ham và dân Chúa.  Ngoài những gương mẫu ấy, trong lịch sử Ít-ra-en còn có một nhóm người luôn vững tin vào Thiên Chúa khi họ thi hành sứ vụ Chúa trao, đó là các vị ngôn sứ, những người thường chịu bách hại hơn là được yêu mến, điển hình là ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Tuy nhiên, đỉnh cao của gương mẫu kiên vững trong đức tin thì chỉ có Chúa Giê-su Ki-tô, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”.  Khi Chúa Giê-su đến trần gian, một trong những trách nhiệm của Người là “ném lửa vào mặt đất” và mong ước duy nhất của Người là thấy “lửa ấy đã bùng lên”.  Lửa mang ý nghĩa tình yêu và ở đây là tình yêu Thiên Chúa, nên ước mong của Chúa Giê-su là thế gian hãy nhận biết rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một”.

        1.  Ngôn sứ Giê-rê-mi-a, dù bị bách hại tư bề, vẫn một lòng kiên vững trong đức tin vào Thiên Chúa  (bài đọc 1:  Giê-rê-mi-a 38:4-6, 8-10)

        Để hiểu được sứ điệp Lời Chúa hôm nay, có lẽ chúng ta nên trả lời một câu hỏi xem ra ngoài đề:  bài đọc 1 và bài Tin Mừng của Phụng vụ Lời Chúa có liên hệ với nhau như thế nào?  Nói khác đi, Giê-rê-mi-a có phải là một tiền ảnh của Đức Ki-tô, con người chịu đau khổ không?  Điều gây ngạc nhiên nhất trong sách Giê-rê-mi-a là sách đã dành chín chương (từ 36 đến 44) để nói về “các đau khổ của ôg Giê-rê-mi-a”.  Thời ông Giê-rê-mi-a là thời khắc cuối cùng của vương quốc Giu-đa ở miền nam.  Ông đã hiểu được ý nghĩa của các biến cố lịch sử và ông đã sống giữa một dân tộc phải đau khổ mà không hiểu vì đâu.  Nhờ đó, ông nhận ra được kế hoạch của Thiên Chúa, đó là vì dân này không tin và không vâng phục Thiên Chúa của họ, nên phải mất đi mọi ảo tưởng vật chất, để rồi sau này con cháu họ sẽ đạt được một đức tin sâu xa hơn.  Tuy nhiên, ông Giê-rê-mi-a lại gặp toàn những thảm họa từ chính dân tộc mình.  Vì ông đem tới họ những sứ điệp của Chúa không như họ chờ đợi, nên ai ai cũng coi ông là kẻ muốn gieo họa cho dân chúng, thậm chí họ lên án ông là kẻ phản quốc vì chủ trương đầu hàng quân Can-đê khiến cho binh sĩ tại Giê-ru-sa-lem nản lòng.

        Vậy ngôn sứ Giê-rê-mi-a bị bách hại như thế nào?  Trước hết, người ta không cho phép ông vào Nhà Đức Chúa.  Họ nghĩ rằng làm như vậy, ông sẽ không có cơ hội để nhận lãnh những sứ ngôn Thiên Chúa truyền cho ông nói cho dân biết.  Họ lầm rồi, một khi ông có lòng yêu mến Chúa thì nơi nào ông chẳng gặp gỡ Chúa được!  Cuộn sách sứ ngôn ông đọc cho thư ký Ba-rúc viết lại để đọc cho nhà vua nghe bị vua cho đốt đi và vua còn ra lệnh lùng bắt cả ngôn sứ lẫn thư ký.  Không sao, đốt cuốn này ta viết cuốn khác, vì ông trung thành với Chúa mà!  Ông vẫn tiếp tục nói ra những sấm ngôn của Chúa:  Cho dù quân Can-đê có rút về vì sợ quân của Pha-ra-ô từ Ai-cập lên trợ giúp, thì chúng cũng sẽ quay lại chiếm và đốt thành Giê-ru-sa-lem.  Khi quân Can-đê rút đi, Giê-rê-mi-a có việc phải đến thành Ben-gia-min, thì trưởng đồn canh ở đây đã bắt ông, điệu đến các thủ lãnh.  Họ kết án ông đã bỏ thành chạy theo quân Can-đê, nhốt ông vào tù và đánh đập ông.  Đang khi ông bị giam giữ tại sân vệ binh, các thủ lãnh đến gây áp lực bắt vua phải trao ông cho họ.  Họ bỏ ông xuống hầm nước đã hết nước nhưng đầy bùn.  Ông bị lún sâu trong bùn chờ chết.  Cuối cùng, ông được thái giám E-vét Me-léc can thiệp với vua và dùng dây thừng kéo ông lên khỏi giếng.  Câu chuyện này chúng ta đọc thấy trong bài đọc 1 hôm nay.

        Giờ đây, chúng ta trở lại câu hỏi đã nêu ra ở trên, là những nỗi thống khổ của Giê-rê-mi-a có phải là hình ảnh báo trước cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su không?  Nhìn lại những thống khổ Giê-rê-mi-a phải chịu, chúng ta rút ra được những điều này:  ông đã chịu đau khổ vì dân khi ông thi hành sứ vụ và ông đã chịu đau khổ với dân khi ông phải đi lưu đày cùng với dân chúng.  Vì những điểm này, ông trở nên hình ảnh của Đức Ki-tô, con người chịu đau khổ vì nhân loạivới nhân loại.  Sự kiện ông đã kiên vững trong niềm tin vào Thiên Chúa là hình ảnh báo trước Chúa Ki-tô với đức tin sắt đá vào Thiên Chúa và sứ mệnh cứu độ nhân loại.

        2.  “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 12:49-53)

        Đây quả là một lời chia sẻ đích thực đầy chân tình và thẳng thắn của Chúa Giê-su với các môn đệ.  Chúa đã nói ra tự sâu thẳm trái tim và khao khát có sự đáp trả của các môn đệ Người.  Vậy Chúa Giê-su muốn chia sẻ điều gì?  Trước tiên Chúa cho các môn đệ thấy cốt lõi sứ mệnh của Người khi Người đến trần gian.  Đó là:  “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất”.  Ném lửa là một hình ảnh vô cùng mạnh mẽ.  Chúa Giê-su có nhiệm vụ “ném lửa vào mặt đất”, rồi Người còn ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!  Có nghĩa là Người đã ném lửa, nhưng lửa ấy vẫn chưa bùng lên.  Vì thế Chúa chỉ biết ước mong, bởi việc lửa có bùng lên hay không còn tùy thuộc vào sự đáp trả và cộng tác của nhân loại.  Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người mà!  Chắc chắn chúng ta muốn hỏi “lửa” ấy nghĩa là gì.  Dĩ nhiên đây không phải lửa nấu cơm, lửa đốt nhà hay lửa cháy rừng… Nhưng là lửa bởi trời, lửa của Tình Yêu Thiên Chúa yêu trần gian và nhân loại.  Khi nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa nói về thứ lửa này:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (Gio-an 3:16).  Mà Con Một này chính là Tình Yêu nhập thể được Thiên Chúa “ném” vào mặt đất!  Sợ chưa gây đủ sự chú ý của nhân loại, Thiên Chúa đã dùng một hành vi mạnh mẽ, thay vì “ban” Lửa thì Người đã “ném” Lửa!  Vậy mà con người rất đông vẫn “làm ngơ” như không có chuyện gì cả!  Đáng buồn chứ.  Chúa Giê-su buồn, nhưng không tuyệt vọng, vì Người luôn “ước mong”, tức là luôn sống niềm hy vọng của đức tin.  Người tin rằng cuối cùng Tình Yêu Thiên Chúa sẽ toàn thắng.  Người tin rằng cuối cùng Người sẽ kéo mọi người lên cùng với Người trên Nhà Cha.  Người tin rằng mọi sự và mọi người sẽ được viên mãn theo “tầm vóc” của Đức Ki-tô.  Chúa Giê-su là gương kiên vững trong đức tin.

        Sự kiên vững trong đức tin của Chúa Giê-su còn được minh chứng qua “phép rửa” Người phải chịu. Phép rửa có nghĩa là cái chết của thân xác, cửa ngõ đưa Người vào vinh quang bất diệt.  Phép rửa cũng gợi lại cho ta cuộc Xuất Hành của Ít-ra-en qua Biển Đỏ mà ông Mô-sê đã lãnh đạo để đưa dân đến sự sống và tự do.  Giờ đây Chúa Giê-su vừa là Thủ Lãnh vừa là Đấng dẫn đầu những kẻ phải đối mặt với sự chết như ngưỡng cửa dẫn đến sự phục sinh.  Cho nên nhờ việc Người chịu “phép rửa” ấy được hoàn tất, Người đã trở thành “Trưởng Tử của một nhân loại mới”.  Nhận lấy thân phận con người như chúng ta, trước “phép rửa” ấy Chúa Giê-su cảm thấy “khắc khoải”.  Nhưng khi sắp đối mặt với tử thần, Chúa không chỉ khắc khoải, mà Người còn lo lắng sầu khổ đến nỗi “mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lu-ca 22:44)!  Nhưng con người “yếu đuối” này vẫn kiên vững trong đức tin nhờ cầu nguyện.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  “Chúng ta hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta”  (bài đọc 2:  Do-thái 12:1)

        Bây giờ đến lượt chúng ta phải kiên vững trong đức tin.  Tại sao?  Tác giả thư Do-thái nói: “Thưa anh em, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy…”  Chẳng lẽ chúng ta đã có gương mẫu tuyệt đối là Chúa Giê-su, gương kiên vững đức tin của các “nhân chứng đức tin” đông đảo là các thánh như đám mây bao quanh chúng ta, mà chúng ta vẫn giữ thái độ dửng dưng và thờ ơ hay sao?  Nếu chúng ta nhận mình là những người có đức tin thì chúng ta phải noi gương kiên vững của các ngài chứ!  Chúng ta đã tham dự vào “cuộc đua dành cho ta” để lãnh vòng nguyệt quế trên thiên đàng, nhất định chúng ta phải “mắt hướng về Đức Ki-tô là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”.  Hướng về Đức Ki-tô để noi gương kiên vững trong đức tin.  Mặc dù chúng ta cũng phải chiến đấu với tội lỗi thật là vất vả, nhưng chúng ta vẫn “chưa chống trả đến mức đổ máu” như Người đổ máu trên thập giá đâu.  Cứ cố gắng hết sức noi gương Người, Người sẽ không bỏ rơi chúng ta.  Người đang cầm vòng nguyệt quế chờ đợi chúng ta trở về sau cuộc chiến thắng tội lỗi đấy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C