Chúa Nhật 21 Thường Niên – Ngày 21 tháng 8, 2022

Lm. Brice Higginbotham

Các bài đọc: Is 66:18–21 • Ps 117:1, 2 • Heb 12:5–7, 11–13 • Lk 13:22–30    

bible.usccb.org/bible/readings/082122.cfm

 

Ta sẽ đặt một dấu hiệu giữa họ…, những dân tộc chưa hề được nghe nói đến Ta và chưa hề thấy vinh quang của Ta. ” (I-sai-a 66:19). Trong chương cuối của sách Tiên tri I-sai-a, chúng ta thoáng nhận ra giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2: 4) và để lôi kéo loài người đến chân lý cứu độ này trong Chúa Giêsu Kytô, Thiên Chúa sử dụng các dấu hiệu một cách lạ lùng. Vậy đó là những loại dấu hiệu nào?

Đúng thế, Thiên Chúa phân rẽ Biển Đỏ, làm cho mặt trời đứng yên, biến nước thành rượu, cho La-gia-rô sống lại từ cõi chết, và còn bao sự kiện khác nữa. Đây là những điều có thật và những thứ phép lạ đó vẫn xảy ra, ngay cả thời nay. Nhưng phép lạ thì hiếm. Nếu phép lạ không hiếm, thì sẽ không còn là phép lạ nữa; mà chỉ là những điều xảy ra bình thường thôi. Vậy dấu hiệu Thiên Chúa muốn đặt ra giữa các “dân tộc của mọi ngôn ngữ” để lôi kéo họ đến với Người là dấu hiệu gì? Có lẽ bắt đầu trả lời câu hỏi ấy chúng ta có thể nhận ra dấu hiệu vĩ đại nhất, đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vậy dấu hiệu lớn nhất ấy là gì? “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một”, Đấng đã đích thân chứng tỏ rằng “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu  mình” và hiến mạng sống mình cho những người trong chúng ta là những người bạn của Chúa Giêsu, Đấng đã sống lại từ cõi chết! (Ga 3:16; 15:13; 1 Cô 15:14). Dấu hiệu lớn lao nhất nói lên tình yêu Thiên Chúa là con người Đức Giê-su Kytô, Đấng đã “yêu chúng ta đến cùng” (Ga 13: 1). Do đó, các dấu hiệu Thiên Chúa ban cho các dân nước không tin Chúa ngày nay mang tính cách rất là con người.

con người với trách nhiệm là một dấu hiệu của Thiên Chúa trong thế giới chính là. . . bạn. Con người ấy cũng chính là tôi. Trong Bí tích Rửa tội, chúng ta được trở thành alteri Christi - Chúa Kytô khác. Trong Bí tích Thêm sức, chúng ta được làm chứng nhân cho Chúa Giêsu - như các thánh Maria Mađalêna, Phêrô, Gioan, và các thánh khác. Chúng ta được giao phó và trao quyền để thi hành sứ mạng tiếp nối thế giới của Chúa Giêsu trong thế giới (Công vụ 1: 1). Chúa Thánh Thần đã đến trên chúng ta trong Bí tích Thêm sức và chúng ta phải làm chứng cho Chúa Giêsu “đến tận cùng trái đất”. (Công vụ 1: 8). Như có lời nói rằng, "Ước chi bạn có thể là cuốn Kinh thánh duy nhất cho người nào đó đọc."

Vậy làm thế nào chúng ta thực hiện được điều này? Làm thế nào chúng ta sống như dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới hôm nay? Chúng ta vượt trên cả việc làm “người tốt”, để sống như các công dân Nước Trời. Khi người ta nói “Tôi là một người tốt”, thì thường họ muốn nói lên điều gì đó như “Tôi là người tốt theo tiêu chuẩn của thế gian. Tôi đâu có giết người". Nhưng có bao giờ các tiêu chuẩn của thế gian mang lại hạnh phúc vững bền và trọn vẹn chưa? Kitô hữu được mời gọi đến sự sống sung mãn mà thế gian không thể mang lại, và toàn thể nhân loại được Thiên Chúa kêu gọi hãy sống trong niềm tin trọn vẹn này. Đang khi sống trong thế gian, chúng ta đừng để cho mình thuộc về thế gian. (Ga 17:14). Điều này đã là chứng từ của các Kytô hữu thủa ban đầu.

Khi người Rô-ma bỏ rơi những đứa họ không muốn mặc kệ cho chúng chết, thì chính các Kytô hữu đã cứu và nhận nuôi chúng. Khi bệnh dịch hoành hành, người ngoại giáo bỏ chạy hết, thì chính các Kytô hữu là người chăm sóc các bệnh nhân mặc dù chính bản thân Kytô hữu cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Như một văn Kytô giáo thời xưa đã viết:

Kytô hữu không thể phân biệt với những người khác quốc tịch, ngôn ngữ hoặc phong tục. Họ không cư ngụ ở các thành phố biệt lập của riêng họ, hoặc nói ngôn ngữ riêng, hoặc theo một lối sống lập dị. . . Tuy nhiên, vẫn có điều gì đó thật phi thường về đời sống của họ. Họ sống trong đất nước của họ mà như thể họ chỉ ghé ngang qua. . . Đất nước nào cũng có thể là quê hương của họ, nhưng đối với họ, quê hương mình dù ở đâu cũng là quê người. . . Họ chia sẻ bữa ăn với nhau, nhưng không dan díu vợ người khác. Họ sống trong xác thịt, nhưng không bị cai trị bởi những ham muốn của xác thịt. Họ đã sống ngày đời của họ trên mặt đất, nhưng họ là công dân trên trời. Tuân th luật pháp, nhưng họ vẫn sống ở một mức độ vượt trên cả luật pháp. (Thư gửi Diognetus, trích trong Phụng vụ Các Giờ Kinh, phần Phụ lục, Ủy ban quốc tế phụ trách về Anh ngữ trong Phụng Vụ (New York: Catholic Book Publishing Corp., 1975–1992), 840–841).

Xin cho chúng ta biết sống theo luật lệ của Thiên Chúa như những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và là dấu hiệu cho mọi người lớn về tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho họ!

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C