Từ bỏ và vác thập giá mình

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN – NĂM C

(Lc 14, 25-33)

Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cảnh Chúa Giêsu ngoảnh cổ lại và tuyên bố với đám đông đang cùng đi với mình rằng: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 26). Nghe những lời trên, chúng ta nghĩ sao và nói gì? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Chúa gắt gao quá. Theo Chúa, phải từ bỏ không những của cải, người thân mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm trí cả chính mạng sống mình nữa nữa (x. Lc 14, 25-26). Người yêu cầu phải “bỏ” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em.

Yêu Chúa trên hết mọi sự

Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Chúa chẳng vô lý đòi chúng ta phải từ bỏ cha mẹ, bạn hữu, mạng sống và của cải. Con người ở đời phải có những sự ấy. Và nếu những sự ấy giúp chúng ta đến với Chúa và làm môn đệ của Người, thì sao ghét bỏ? Nhưng khi mà những sự ấy trở thành chướng ngại vật cho chúng ta trên đường đi theo Chúa, thì phải lựa chọn dứt khoát giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Chúa Giêsu yêu cầu con người dành cho Thiên Chúa một vị trí đặc biệt và cao nhất. Chúng ta phải suy nghĩ, cân nhắc.

Như người muốn xây tháp, hay vua sắp đi giao chiến, phải suy tính kỹ lưỡng kẻo tháp xây không nổi, đánh trận sẽ thua, khiến không những bị cười nhạo mà cuộc đời cũng tiêu luôn. Người ta phải suy nghĩ trước khi đi theo Chúa. Theo Chúa không như theo bất cứ một ai.  Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi.

Từ bỏ mình

Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?

Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa.

Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng bỏ điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do trở nên kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng, cùng với ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, tham lam, tội lỗi, xấu xa phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa, Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Cụ thể là bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, giống Chúa.

Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác biệt yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ Thần Khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.

Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để giao tiếp với Chúa. Chúa đã từ bỏ chính mình trước … trở nên giống chúng ta. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta. Chúa Giêsu thêm : “Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27).

Vác thập giá để theo Chúa

Thì ra con đường của ai theo Chúa bị đóng đinh là con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình” là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (x. BENECITO XVI, Đức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Hỏi: Đức Giêsu có thích khổ đau và thậy giá không?

Thưa: Không. Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 27). Chúa Giêsu không muốn thập giá, Người muốn tình yêu, yêu đến tận cùng. Theo Chúa là chấp nhận thập giá của mình với lòng mến. Dưới con mắt người đời, chịu mất mạng sống là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận … chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Chúa nhật niềm vui 9/5/1975).

Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói : “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Điều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Lạy Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình, vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C