Tôi – Thiên Chúa – và tha nhân

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIV – C

(Lc 15, 1-3. 11-32)

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ XXIV thường niên C hôm nay như là một bức tranh ba chiều, giúp chúng ta đọc, nghe và suy gẫm để khám phá ra : Tôi là ai? Tha nhân là ai? Và Thiên Chúa là Đấng nào?

Bài đọc I trích sách Xh 32, 7-11.13-14 qua cách sử sự của Môse cho thấy tha nhân cần được kêu cứu như thế nào.

Đứng trước một dân được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn, ấp ủ và đỡ nâng, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Chúa luôn muốn điều tốt cho dân, bảo vệ dân khỏi mọi tai ương, dẫn dân ra khỏi ách nô lệ Ai cập, vậy mà giờ đây dân bỏ Chúa, thay vì thờ Chúa lại yêu cầu Aaron đúc bò vàng thờ : “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Môsê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32, 1).

Để sửa trị dân, Thiên Chúa đã truyền cho Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và bảo: đây là thần của chúng ta” (x. Xh 32, 7-9). Chúa nổi giận, muốn tiêu diệt dân này, chỉ còn lại gia đình ông Môsê. Nhưng Môsê thưa cùng Thiên Chúa: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân ». Ông nại đến lời Chúa hứa với Abraham, Isaac và Israel”. Nhờ vậy: “Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe”. Môsê, quả là một con người tuyệt vời. Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ nói: “Được đó, Chúa giết sạch hết đi, chừa lại nhà của con thôi, con sẽ làm cho Chúa được vinh quang, rạng rỡ…”. Đằng này: “Ông lại cố làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại”, ông van xin Chúa tha cho dân, ông coi dân như chính bản thân mình, gắn bó với dân, không màng chi đến những lợi lộc cá nhân, coi tội lỗi của dân chính là tội lỗi của mình. Đúng là thương người như thể thương thân.

Môsê thương dân, vì ông cũng là người được Chúa thương. Về điểm này, thánh Phaolô cũng có lòng thương người như vậy. Ông nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi rất cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong thư gửi cho Timôthêô Phaolô nói rất rõ ràng: “Đức Giêsu Kitô đã đến thê gian để cứu những người tội lỗi”, ông cũng không ngần ngại xác nhận: “Mà kẻ đầu tiên là tôi’’ (1Tm1, 15). Ông không giấu diếm về quá khứ của mình: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược” (1Tm1, 13). Tuy nhiên: “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1Tm1, 14). Có ai ngờ một người bắt đạo lại trở thành một người giảng đạo cách nhiệt thành. Đó là mầu nhiệm thánh thiện và tội lỗi nơi cuộc đời Phaolô, vị tông đồ dân ngoại. Người được Chúa xót thương.

Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương. Cả ba dụ ngôn đều thể hiện Tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả những ai chẳng được yêu và cũng chẳng đáng yêu, gián tiếp lên án sự cứng cỏi và khắc nghiệt mà những con người “đàng hoàng” hơn kia đã đối xử với họ”.

Người cha, từ ngày con bỏ nhà ra đi, ông thương con, ngày ngày ra ngóng con trở về, nên khi ông thấy nó từ đàng xa, ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai ông, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Thằng con trai ông hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó.

Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con khiến chúng ta liên tưởng tới Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế. Thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng : “Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất! ... Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được ? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước. Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Người trước các tội nhân, Người ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời…Ôi khoảnh khắc tuyệt với ! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc ! Nhưng than ôi, chúng ta không phù hợp với ơn thánh, nên những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ấy biến mất…Chao ôi, đâu là điều mà tội nhân tin tưởng, cho dù tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì hãy biết và tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô hạn! ”  (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney). 

Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, đơn giản không chỉ là ơn tha tội nhưng không do Thiên Chúa ban. Đây là cuộc gặp gỡ của niềm tin mà người con tội lỗi đã đặt để vào lòng thương xót của người cha, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và con tìm thấy được tình yêu trìu mến.

Chúa Giêsu đồng bàn với quân tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tội tề hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người.

Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh. Đúng như thế, tội nhân được tha thứ là con người của niềm vui và tác động của ân sủng.

Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, xin giúp đỡ chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C