CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Sống sao cho xứng danh Ki-tô hữu

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Am 6:1a, 4-7;  1 Tm 6:11-16;  Lc 16:19-31)

 

        Một lần nữa, Phụng vụ Lời Chúa đề cập đến vấn đề công bình xã hội, nhất là sự chênh lệch giữa người giàu kẻ nghèo.  Tiếp tục nỗ lực tố cáo những bất công xã hội, hôm nay bài đọc trích sách ngôn sứ A-mốt đã nhắm thẳng vào những kẻ sống “phè phỡn” trong khi đất nước sụp đổ và dân chúng lầm than.  Đứng trước tình trạng người giàu không để mắt quan tâm tới những người nghèo khổ chung quanh mình, Chúa Giê-su muốn “đánh động lương tâm” họ qua câu chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô, để cho thấy giàu có ở đời này mà thiếu lòng thương xót thì sẽ không xứng đáng được thương xót ở đời sau.  Riêng thánh Phao-lô, để loại trừ mọi bất công xã hội, ngài đề ra một lối sống khuôn mẫu cho các Ki-tô hữu:  “Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta xuất hiện”.

 

        1.  Lối sống của những kẻ giàu sang nhưng không quan tâm vận mệnh quốc gia  (bài đọc 1:  A-mốt 6:1a, 4-7)

 

        Cả bài đọc Cựu Ước lẫn bài Tin Mừng hôm nay đều cho chúng ta biết lối sống của những kẻ giàu có nhưng thiếu lòng thương xót và quan tâm đến những người nghèo khổ bên cạnh họ hoặc ngay trước mắt họ.  Trước hết chúng ta hãy nghe ngôn sứ A-mốt kể lại lời Thiên Chúa lên án những kẻ giàu có nhưng bất nhân thuộc cả vương quốc Ít-ra-en miền bắc lẫn vương quốc Giu-đa miền nam.  Núi Xi-on tại Giê-ru-sa-lem biểu tượng cho vương quốc Giu-đa và núi Ga-ri-dim tại Sa-ma-ri biểu tượng cho vương quốc Ít-ra-en.  Do đó, những kẻ “sống yên ổn tại Xi-on” và “sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri” chính là những kẻ giàu có nhưng không có trái tim.  Tại vương quốc Giu-đa, “sống yên ổn” là lối sống phóng túng” của những kẻ chưa nếm mùi chiến tranh giống như những người đang sống tại vương quốc Ít-ra-en ở miền bắc.  Nhưng dù sống tại Ít-ra-en miền bắc đang bị nước láng giềng xâm lăng, nhiều người vẫn “sống an nhiên tự tại”, không hề bận tâm tới tình trạng đất nước bị đánh phá và dân chúng chịu cảnh lầm than đói khổ.  Những kẻ giàu có ở cả hai nơi này chỉ sống ích kỷ cho bản thân mình, mặc những người chung quanh đang chịu cảnh nghèo khổ vì bất công và túng thiếu vì chiến tranh.  Trái lại, những người cùng khổ bị đàn áp và kẻ nghèo hèn bị tiêu diệt đang sống bên cạnh họ (Am 8:4) thì vẫn tiếp tục là nạn nhân của bất công xã hội.  Có thể nói, trong khi những kẻ giàu có tiếp tục tạo ra những bất công xã hội để sống phè phỡn thì những kẻ nghèo khổ vẫn là những nạn nhân của lối sống bởi những kẻ giàu có này. 

        Đây là lối sống phè phỡn của người giàu tại vương quốc miền bắc:  nằm dài trên giường ngà hoặc ngả ngớn trên trường kỷ mà ăn uống, nào chiên non nào bê béo, thứ nào cũng phải là “nhất”, nhất bầy nhất chuồng. (Ngày xưa người Do-thái ăn uống trong tư thế nằm, chứ không ngồi).  Còn uống thì những người giàu này “uống rượu cả bầu”.  Ăn uống no nê rồi ca hát nhảy múa.  Dầu thơm họ xức là thứ hảo hạng, giống như có lần tên Giu-đa phản phúc đã nhận xét:  Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?” (Ga 12:5).  Họ sống phè phỡn như vậy, “nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ”!  Mặc kệ tình trạng nước mất nhà tan, thái độ vô tâm của họ sẽ bị trừng phạt.  Chúa phán:  “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày”.  Và đã xảy ra như vậy.  Nước Ba-by-lon đang chờ đợi họ là những kẻ bị lưu đày đầu tiên sẽ được dẫn về làm tôi đòi cho mình!

 

        2.  Lối sống của ông nhà giàu không có trái tim   (bài Tin Mừng:  Lu-ca 16:19-31) 

 

        Ngôn sứ A-mốt đã cho cho chúng ta biết số phận của những kẻ giàu có mà sống vô lương tâm.  Bây giờ đến lượt Chúa Giê-su nói về hạng người này qua câu chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và La-da-rô.  Chúa không trực tiếp nói về tình trạng xã hội bất công và thẳng thắn lên án những kẻ tạo nên tình trạng đang buồn ấy.  Nhưng Người chỉ kể một câu chuyện.  Dù là một dụ ngôn, nhưng câu chuyện lại là những gì thực sự xảy ra, có khi ở ngay bên cạnh chúng ta, để chúng ta nhận thức mà không thể nhắm mắt làm ngơ.  Đó là đặc điểm của lối giảng dạy mà Chúa Giê-su áp dụng.  “Có một ông nhà giàu kia”!  Ông ta có thể là người hàng xóm của tôi, nhưng cũng có thể là chính tôi, cho nên ông ta không mang tên tuổi.  Trái lại, “người nghèo khó nằm trước cổng ông nhà giàu” thì có tên tuổi đàng hoàng.  Anh ta tên là La-da-rô!  Chúa Giê-su không gọi ông nhà giàu này là người “không có trái tim”, nhưng qua lối sống của ông ta thì chúng ta thấy rõ những gì Chúa muốn nói vể con người ông ta.  Vậy lối sống của ông nhà giàu được tóm gọn trong một dòng:  “Mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”.  Cái ăn cái mặc là những gì cốt yếu đủ để nói lên lối sống của một người rồi.  Tuy nhiên ăn mặc thôi chưa đủ để diễn tả một con người không có trái tim, mà là thái độ vô cảm trước những cảnh thương tâm đang diễn ra ngay bên cạnh họ.  Đúng thế, bao nhiêu lần ông nhà giàu ra vào nhà ông, nhưng ông không hề để mắt nhìn một người nghèo khổ đang nằm ngay trước cổng nhà mình.  Chắc chắn ông ta không đui mù, mà chỉ ngoảnh mặt hoặc nhắm mắt lại mỗi khi đi ngang qua người nghèo khổ này.  Có lẽ mọi người đầy tớ trong nhà ông đều biết đến người này.  Cái tên gọi La-da-rô nói lên nhân phẩm của anh ta mà họ cũng rõ, trong khi ông nhà giàu chẳng cần biết đến “nhân phẩm” của anh ta là gì!  La-da-rô bên ngoài tuy “mụn nhọt đầy mình”, nhưng tâm hồn anh lại đẹp đẽ, biết mến Chúa yêu người, không than van trách móc số phận hẩm hiu của anh.  Có một điều chúng ta phải suy nghĩ, đó là trong khi La-da-rô bị loài người lãng quên thì anh lại được những con chó thương tình đến “chăm sóc” những vết thương của anh!

        Cả ông nhà giàu lẫn anh La-da-rô đều chết.  Nhưng chết không phải là hết chuyện đâu, vì còn sự sống đời sau nữa!  Sau cái chết, mỗi người một số phận:  anh La-da-rô thì được ngồi trong lòng tổ phụ Áp-ra-ham, một hình ảnh diễn tả hạnh phúc vĩnh cửu;  còn ông nhà giàu thì chịu cực hình dưới âm phủ.  Ở đây, ông nhà giàu chịu cực hình “bị lửa thiêu đốt”.  Có thể hình ảnh này diễn tả sự khao khát của ông ta là muốn được hưởng hạnh phúc đời đời nhưng ông sẽ không bao giờ được toại nguyện.  Ông ta chỉ mong được La-da-rô “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông ta cho mát”, nhưng cũng bị từ chối!  Tại sao vậy?  Vì giữa thiên đàng và hỏa ngục cách biệt bởi “một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”.  Cụ Áp-ra-ham đã khẳng định như vậy! 

        Bây giờ thì ông nhà giàu hối hận, nhưng đã quá muộn.  Rồi bây giờ ông ta mới sinh lòng trắc ẩn, lo cho người khác, mà cũng chỉ là lo cho “năm người anh em” của ông thôi!  Ông xin cụ Áp-ra-ham sai La-da-rô về báo cho họ và bảo họ hãy sống có lòng nhân, đừng bắt chước ông.  Nhưng cụ bảo:  Chúng hãy nghe lời Mô-sê và các Ngôn Sứ!  Ông nài nỉ:  Nếu có người từ cõi chết trở về báo cho họ thì họ sẽ tin.  Cụ trả lời:  “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà chúng còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”.  Ở đây, thánh Gio-an đã chuyển sang một đề tài vô cùng quan trọng:  “người chết sống lại” ấy chính là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đem lại ơn cứu độ, và “ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời”.  Mô-sê và các Ngôn Sứ chính là Kinh Thánh Cựu Ước đã dạy dỗ họ sống công chính, mà họ còn không nghe, thì “người chết có sống lại” là Chúa Giê-su có rao giảng Tin Mừng và kêu gọi họ đón nhận ơn cứu độ, họ cũng chẳng chịu tin!  Đáng buồn cho thái độ của nhiều người Do-thái đã không tin vào Chúa Giê-su!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        “Tôi truyền cho anh:  Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện”  (bài đọc 2: 1 Ti-mô-thê 6:11-16)

        Thánh Phao-lô đã gửi lời nhắn nhủ trên cho người môn đệ ngài rất thương mến là ông Ti-mô-thê.  Nhưng đó cũng là lời nhắn nhủ dành cho mọi người chúng ta, các Ki-tô hữu đang sống trong một xã hội đầy những bất công và đàn áp.  Cũng như ông Ti-mô-thê, tất cả chúng ta đều là “người của Thiên Chúa”, đều là những kẻ “được Thiên Chúa kêu gọi” hãy đi tìm sự sống đời đời.  Chúng ta đang sống “trước mặt Thiên Chúa” và “trước mặt Đức Ki-tô Giê-su” để trở nên “người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến”.  Với tất cả những điều kiện trên, việc chúng ta “giành cho được sự sống đời đời” không phải là điều vượt quá tầm tay chúng ta.  Với những điều kiện trên, chắc chắn chúng ta có thể thực hiện được điều thánh Phao-lô đã truyền lệnh cho Ti-mô-thê, là tuân giữ điều răn của Chúa mà sống đời Ki-tô hữu xứng đáng!

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi   

 

                                                                                                                  


Suy Niệm Lời Chúa Năm C