CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Xin thêm lòng tin cho chúng con!

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kbc 1:2-3; 2:2-4;  2 Tm 1:6-8, 13-14;  Lc 17:5-10)

        Chúng ta không nhớ bao nhiêu lần Lời Chúa đã đề cập tới đức tin, nhưng trong một năm Phụng vụ, ít ra cũng năm lần bảy lượt rồi!  Tuy nhiên, mỗi lần đức tin được trình bày dưới một khía cạnh độc đáo.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, một đàng các Tông Đồ xin với Chúa Giê-su:  “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”, đàng khác Chúa lại nói về sức mạnh của đức tin:  Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, anh em cũng có thể truyền lệnh cho cây dâu bật rễ, xuống biển mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.  Nếu chỉ cần một đức tin bằng hạt cải thôi, thì tại sao các Tông Đồ lại phải xin Chúa thêm lòng tin cho các ông?  Điều này chứng tỏ nếu chúng ta có được đức tin dù nhỏ bé cũng không phải tự sức chúng ta tạo ra niềm tin ấy, nhưng là ân sủng Chúa ban.  Do đó, chúng ta vẫn phải theo gương các Tông Đồ mà “xin Chúa thêm lòng tin cho chúng con”.  Dân Chúa thời ngôn sứ Kha-ba-cúc sống giữa cảnh xã hội nhiễu nhương và cảm thấy đức tin của họ bị lung lạc, nên ngôn sứ cật vấn Thiên Chúa:  Tại sao có quá nhiều đồi bại trong nước Giu-đa và tại sao Chúa lại sử dụng sự xâm lăng của dân Can-đê để tái lập công lý?  Chúa trả lời:  Ngày nào đó, người ta sẽ thấy rõ kẻ xấu người tốt không được đối xử như nhau.  Nhưng người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.  Trả lời các Tông Đồ khi họ xin Chúa thêm lòng tin cho họ, Chúa Giê-su đã khích lệ các ông bằng cách cho các ông thấy sức mạnh của lòng tin thế nào và như vậy, họ đã làm đúng khi xin Chúa củng cố đức tin của họ.  Sau hết, đã cầu xin được đức tin thì phải sống đức tin.  Đó chính là điều thánh Phao-lô khuyên nhủ môn đệ Ti-mô-thê hãy mạnh dạn lấy đức tin mà “làm chứng cho Chúa chúng ta”.

        1.  “Người công chính sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình”  (bài đọc 1:  Kha-ba-cúc 1:2-3;  2:2-4)

        Bài đọc 1 hôm nay đề cập đến đức tin trong hoàn cảnh lịch sử Ít-ra-en thời ngôn sứ Kha-ba-cúc.  Vậy đức tin này có điểm gì đặc biệt?  Ngôn sứ Kha-ba-cúc thi hành sứ vụ từ năm 605 đến năm 600 trước công nguyên.  Khi ấy vua nước Can-đê là Na-bu-cô-đô-nô-xo đã tiêu diệt đế quốc Át-sua và đang áp bức Ít-ra-en.  Trước tình trạng xã hội suy đồi của Ít-ra-en và chiến thắng của quân Can-đê, ngôn sứ Kha-ba-cúc là người đầu tiên dám cật vấn Thiên Chúa:  “Tại sao Thiên Chúa cho phép sự bất công chiến thắng?”  Thiên Chúa trả lời Kha-ba-cúc:  Người sử dụng dân Can-đê để tái lập trật tự cho Ít-ra-en, rồi đến một ngày, người ta sẽ thấy rõ kẻ xấu người tốt không được đối xử như nhau, nhưng “người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình”. 

        Từ nhiều thế kỷ, đức tin vào Thiên Chúa vẫn tuyên xưng công lý của Người.  Tuy nhiên công lý ấy không phải bao giờ cũng rõ ràng.  Sự xâm lăng của dân Can-đê được coi như sự trừng phạt của Thiên Chúa đối với tình trạng suy đồi luân lý của dân Ít-ra-en, nhưng không phải ai cũng tin như vậy.  Nhiều người nghi ngờ công lý của Thiên Chúa, nhưng họ phải im lặng giấu đi mối nghi ngờ của mình.  Do đó, ngôn sứ Kha-ba-cúc là người đầu tiên nói lên vấn nạn:  Tại sao Chúa lại sử dụng những phương tiện như sự xâm lăng của dân Can-đê để tái lập công lý?  Nói khác đi, trong Ít-ra-en có những kẻ áp bức dân chúng và tạo nên những bất công xã hội.  Nhưng tại sao khi trừng phạt những người Ít-ra-en áp bức này, Chúa lại thay thế chúng bằng dân Can-đê tệ hại hơn?  Như vậy điều này làm cho đức tin của dân Chúa bị thử thách.  Ngôn sứ Kha-ba-cúc đưa ra một chuỗi câu hỏi để nói lên những thử thách đức tin:  Cho đến bao giờ, con kêu cứu mà Chúa chẳng nghe và không cứu vớt?  Sao Chúa bắt con phải chứng kiến bao tội ác, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?  Sống giữa cảnh tranh chấp, bạo tàn, phá phách, kẻ ác vẫn tự tung tự tác mà không thấy Chúa can thiệp, khiến chúng ta nghi ngờ công lý của Chúa và đức tin của chúng ta bị lung lay.

        Vậy trước một đức tin luôn bị thử thách, Chúa trả lời Kha-ba-cúc thế nào?        Chắc chắn Thiên Chúa sẽ ân thưởng người công chính và trừng phạt kẻ gian ác.  Việc này là “một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định” và đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành, tức là vào ngày phán xét chung.  Chúa còn bảo đảm với Kha-ba-cúc rằng khi ngày ấy đến, kẻ không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục trong khi người công chính sẽ được sống;  phạt hay thưởng đều căn cứ vào lòng thành tín.  Tin mà không trung thành đến cùng thì không phải là đức tin đích thực;  người công chính là người dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn một lòng một dạ đặt hết tin tưởng vào quyền năng, tình yêu và lòng thương xót của Chúa.

        2.  “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 17:5-10)

        Lý do nào khiến các Tông Đồ     xin Chúa một điều chúng ta nghĩ là nên dành lời xin ấy cho chúng ta chứ không phải cho các ông.  Các ông là những người lúc nào cũng kè kè theo Chúa trong ba năm trời.  Các ông được nghe Chúa rao giảng, được chứng kiến những dấu lạ điềm thiêng Chúa làm, chưa kể những thời gian chỉ có thầy trò với nhau để Chúa dạy dỗ thêm, cắt nghĩa những dụ ngôn họ chưa hiểu.  Vậy mà họ vẫn cảm thấy thiếu lòng tin vào Chúa là làm sao?  Có lẽ chúng ta cũng nên ôn lại giáo lý một chút để tìm ra câu trả lời.  Bình thường chúng ta cứ nghĩ rằng khi chúng ta tin ai thì lòng tin ấy phải phát xuất từ chúng ta trước.  Không phải vậy.  Trái lại, lòng tin của chúng ta phát xuất từ thế giá, kiến thức, sức mạnh, uy quyền của chính đối tượng của lòng tin.  Chúng ta chấp nhận những phẩm tính của người chúng ta tin và khiêm nhường để cho họ giúp đỡ chúng ta hoặc dạy dỗ chỉ bảo chúng ta.  Thí dụ, tôi tin vào một chuyên viên kỹ thuật điện toán và xin họ giúp tôi cài đặt một chương trình là vì tôi tin vào khả năng của người ấy.  Tôi có một điều chưa hiểu rõ khi đọc Kinh Thánh và tôi tìm đến một học giả về Kinh Thánh để hỏi han là vì tôi tin vào kiến thức về Kinh Thánh của vị ấy.  Vậy đối với Chúa cũng vậy.  Tôi tin Chúa không phải vì tôi muốn tin, nhưng vì tôi nhận biết và chấp nhận quyền năng của Chúa, tình yêu của Người và những phẩm tính siêu việt của Người.  Do đó, chính quyền năng và tình yêu cũng như phẩm tính siêu việt của Chúa được tỏ ra cho tôi và đòi tôi đáp lại mới là khởi đầu cho đức tin của tôi vào Người.  Như vậy, đức tin phát xuất từ Chúa chứ không phải từ nơi tôi, vì tôi chẳng là gì cả đối với Chúa.  Các Tông Đồ tuy được diễm phúc đi theo Chúa, nhưng họ chưa đáp lại đủ những phẩm tính của Chúa Giê-su và những gì Chúa mong từ nơi họ như hãy có lòng khiêm nhường, sự thân mật, thái độ dễ dạy…, nhất là hiểu và chấp nhận con người và sứ mệnh của Chúa.  Họ đã đặt những cao vọng trần tục lên hàng đầu khi theo Chúa.  Điển hình là hai anh em ông Gia-cô-bê đã đến xin Người dành cho họ hai chỗ quan trọng khi Chúa thiết lập vương quốc.  Nói khác đi, đức tin của họ cần được thanh luyện thêm để giúp họ sẵn sàng chấp nhận mọi sự về Chúa Giê-su, Thầy Dạy của họ.

        Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến thân phận “học trò” của các Tông Đồ.  Chúa lấy hình ảnh người đầy tớ phục vụ ông chủ và nhận thức mình đã làm tất cả những gì theo lệnh ông chủ thì đó là làm việc bổn phận mà thôi.  Nếu áp dụng điều này vào đức tin thì quả thực là hữu lý.  Yếu tố quan trọng giúp đức tin mạnh mẽ hơn không phải là sự hiểu biết của chúng ta, nhưng là thái độ khiêm nhường chấp nhận uy quyền của Chúa.  Vì thế, càng khiêm nhường thì đức tin càng mạnh mẽ.  Người ta còn nói:  đức tin nằm ở đầu gối khi chúng ta quỳ xuống chứ không phải ở đầu óc suy nghĩ của chúng ta!  Bao lâu chúng ta còn cái thói trứng khôn hơn rận, trò muốn hơn thầy, cậy vào sức riêng chúng ta hơn là cậy vào quyền năng Chúa, thì khi ấy chúng ta vẫn phải cầu xin Chúa:  “Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con”.  Chúng ta còn nhớ gương viên sĩ quan Rô-ma thưa với Chúa:  Thưa Thầy, tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời thì đầy tớ của tôi được lành mạnh!  (Lu-ca 7:1-10).  Hoặc người cha xin Chúa chữa lành cho đứa con bị quỷ nhập và mắc bệnh kinh phong, ông thưa:  Nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”.  Chúa trả lời:  "Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin.  Lập tức ông ta kêu lên với Chúa:  Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (xem Mác-cô 9:14-29).  Vì ông ta chấp nhận quyền năng của Chúa chưa đủ, nên ông mới nói “nếu Thầy có thể”!

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  “Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy”  (bài đọc 2:  2 Ti-mô-thê 1:6-8, 13-14)     

        Ông Ti-mô-thê, môn đệ của thánh Phao-lô, là một tấm gương về đức tin.  Trong bức thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, thánh Phao-lô đã nói thẳng đến sự cần thiết của đức tin.  Lấy danh nghĩa là “thầy” của Ti-mô-thê, ngài không ngại khuyên nhủ ông hãy “lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh” ngài đã dạy dỗ ông.  Chúng ta biết, ông Ti-mô-thê được ngài đặt làm giám mục coi sóc một giáo đoàn, vậy mà ông vẫn đủ khiêm nhượng để lấy những lời dạy dỗ của thánh Phao-lô làm “mẫu mực” mà sống và thi hành chức vụ giám mục.  Đó là nhờ “với đức tinđức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su”!  Vậy bạn và tôi, chúng ta cũng phải tự hỏi:  Tôi có đức tin và đức mến đối với Chúa Giê-su để rước Người vào tâm hồn tôi, để lắng nghe lời Người và để Người giúp đỡ cho lòng tin yếu kém của tôi không?

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C