Chúa Nhật 32 Mùa Thường Niên – Ngày 6 Tháng 11, 2022

Lm. James Orr

Các bài đọc: 2 Mcb 7:1–2, 9–14 • Tv 17:1, 5–6, 8, 15 • 2 Tx 2:16–3:5 • Lc 20:27–38   

bible.usccb.org/bible/readings/110622.cfm

 

Chúng ta nghe thánh Phao-lô cầu nguyện xin Chúa  an ủi và cho tâm hồn chúng ta được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành. Lời cầu xin ấy nhằm giúp chúng ta thoát khỏi những kẻ độc ác và xấu xa.

Nhìn vào những thử thách của dân Israel dưới thời Vua Antiôkhô Epiphanô và nhất là câu chuyện hôm nay về bảy anh em cùng với người mẹ bị hành hình cho chúng ta thấy đã có những cuộc bách hại khủng khiếp đối với những ai muốn trung thành theo Chúa. Vua Antiôkhô muốn tất cả thần dân trong vương quốc ông phải sống theo tôn giáo và phong tục người Hy Lạp. Nhưng các tín hữu Do Thái đã chống lại. Khi các tín hữu phải đối mặt với những trừng phạt cực hình, thì điều đã khiến họ được thêm sức mạnh và hy vọng chính là vững tin vào sự Phục sinh từ cõi chết.

Trong những ngày thánh Phao-lô viết thư gửi cho các giáo đoàn thì Giáo hội Tiên khởi đã phải chịu bách hại, ban đầu bởi các nhà cầm quyền Do Thái và sau đó là Đế quốc La Mã. Đây là thời gian Giáo Hội phải chịu nhiều cuộc tử đạo. Người ta đã cướp đi mạng sống của bất cứ người nào muốn trở thành Kytô hữu. Một trong những vị tử đạo ấy là thánh Inhaxiô thành Antiôkia. Ngài là giám mục của thành Antiôkia. Chúng ta biết khá nhiều về vị giám mục ấy và về Giáo hội tiên khởi qua bảy bức thư ngài viết cho họ, hiện chúng ta vẫn còn giữ các thư ấy. Đức giám mục Inhaxiô coi lúc ngài ở Đấu trường La Mã là một cơ hội để cho đám đông dân ngoại thấy rằng Chúa Kytô xứng đáng để các tín hữu chết vì Người. Niềm tin của ngài vào sự Phục sinh đã giúp ngài can đảm chết cho Chúa Kytô. Chứng tá của đức giám mục Inhaxiô đã trở thành lời tuyên xưng mở đường cho nhiều người tìm đến Chúa Kytô.

Chúng ta không phải đối mặt với bắt bớ và cái chết vì Chúa Kytô ở đất nước Hoa Kỳ này. Nhưng chúng ta đang phải đối mặt với thái độ chống đối đức tin. Chúng ta đang bị đẩy ra ngoài lề văn hóa. Chúng ta bị nhạo báng, thường bị chụp mũ là viển vông, cực đoan, ngu xuẩn và u mê. Chúng ta bị coi là chống lại khoa học, kỳ thị phụ nữ, độc đoán, áp bức và chống lại quần chúng Mỹ. Thực sự có một nỗ lực rộng lớn hơn ngay trong xã hội chúng ta đang cố thuyết phục chúng ta tốt hơn hãy rời khỏi Giáo hội Công giáo hoặc từ bỏ luôn cả đức tin tôn giáo thì càng hay. Trước tình trạng này, chúng ta cần phải bám chặt lấy Chúa Kytô. Người sẽ củng cố, khích lệ và bảo vệ đức tin chúng ta trước tất cả những nghịch cảnh và hiểm nguy cho đến Ngày Chúa Kitô Đến và cuộc Phục Sinh của chúng ta.

 

Chuyển ngữ :JB. Đào Ngọc Điệp 

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C