LỄ CHÚA GIÊ-SU KITÔ, VUA VŨ TRỤ

Từ triều đại Đa-vít tiến dần đến Triều Đại Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (2 Sm 5:1-3;  Cl 1:12-20;  Lc 23:35-43)

 

        Năm Phụng vụ mở đầu với mùa Vọng chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, biến cố vĩ đại Con Một Thiên Chúa đến trần gian.  Tiếp đến là xen kẽ một phần Mùa Thường niên, trình bày sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Trước khi tiếp tục phần hai của Mùa Thường niên, chúng ta có mùa Chay chuẩn bị cho lễ Phục Sinh, biến cố cứu chuộc và hòa giải đã thay đổi thân phận nhân loại từ nô lệ cho tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa.  Mùa Thường niên phần hai (kéo dài từ khoảng tuần thứ 8 Thường niên đến tuần 33 Thường niên) là thời gian để Phụng vụ Lời Chúa thuật lại lời giảng và các phép lạ Chúa Giê-su làm qua suốt thời gian ba năm.  Đây cũng là thời gian để chúng ta suy niệm những điều Chúa nói và làm trong nỗ lực Người trình bày cho mọi người hiểu Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta và Người kêu gọi chúng ta hãy sám hối để đón nhận Triều Đại ấy vào trong tâm hồn.  Lễ hôm nay tôn vinh Chúa Giê-su Ki-tô là Vua của Triều Đại Thiên Chúa sẽ được kết thúc vinh hiển trên trời.  Tuy nhiên Lời Chúa lại đưa chúng ta trở lại với biến cố vua Đa-vít được xức dầu tấn phong làm vua Ít-ra-en, một biến cố tiên báo cho việc Người được Thiên Chúa Cha phong làm Vua vũ trụ (bài đọc 1).  Tiếp theo biến cố lịch sử xảy ra tại Khép-rôn là bài suy niệm của thánh Phao-lô qua đoạn thư gửi tín hữu Cô-lô-xê.  Đoạn thư không những đề cao vai trò Trưởng Tử của Chúa Giê-su trong cuộc Tạo dựng mới, mà còn nói đến chính chúng ta, những kẻ được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm và được đưa vào vương quốc của Thánh Tử chí ái (bài đọc 2).  Chúng ta được đưa vào Vương quốc của Người ngay khi ta còn sống ở đời này, tuy nhiên quan trọng hơn hết, đó là chúng ta sẽ được đưa vào Vương quốc vĩnh cửu của Người, giống như người gian phi thống hối đã được Chúa Giê-su hứa:  “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.

 

        1.  “Họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en”  (bài đọc 1:  2 Sa-mu-en 5:1-3)

 

        Mặc dù Sa-un là vị vua đầu tiên được Thiên Chúa tuyển chọn và dân Ít-ra-en bắt đầu chuyển từ chế độ thần quyền (Thiên Chúa là Vua) sang chế độ quân chủ, nhưng vua Sa-un vẫn không thể thống nhất các chi tộc miền Bắc và miền Nam.  Sau những chiến thắng lẫy lừng của Đa-vít và sau cái chết của vua Sa-un, người miền bắc đã thừa nhận ông là vua và việc thống nhất toàn dân Ít-ra-en đã được thể hiện. 

        Bài đọc 1 hôm nay thuật lại việc các chi tộc miền Bắc lẫn các chi tộc miền Nam đã đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và xin ông làm vua không chỉ những miền Nam mà cả miền Bắc nữa.  Quả thực đây là ngày trọng đại của vua Đa-vít và của toàn thể Ít-ra-en.  Giê-ru-sa-lem nằm giữa hai miền Nam Bắc được chọn làm thủ đô và chính Thiên Chúa sẽ chỉ định Giê-ru-sa-lem làm trung tâm hữu hình biểu thị sự hiện diện của Người trong thế giới.  Sau này Đền Thờ của Thiên Chúa sẽ tọa lạc tại Giê-ru-sa-lem và các vua chân chính của Ít-ra-en sẽ ngồi trên ngai báu tại cung điện ở Giê-ru-sa-lem.  Giê-ru-sa-lem cũng thường được gọi là Xi-on là phần đất cổ xưa nhất trong thành hoặc “Thành vua Đa-vít”.  Nhưng quan trọng nhất, Giê-ru-sa-lem sẽ là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Ki-tô và Giê-ru-sa-lem hữu hình này luôn nhắc nhở cho các Ki-tô hữu chúng ta về một Giê-ru-sa-lem khác, đó là Giê-ru-sa-lem trên trời mà Chúa đã hứa.

        Chúng ta có thể nói rằng biến cố tấn phong vua Đa-vít giữ vai trò quan trọng, không những trong lịch sử nhân loại của Ít-ra-en, mà còn trong lịch sử cứu độ Thiên Chúa đã bắt đầu thực hiện từ dòng dõi Nhà Đa-vít nữa.

 

        2.  “Chúa Cha đã giải thoát chúng ta… và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái”  (bài đọc 2:  Cô-lô-xê 1:12-20)

 

        Song song với biến cố lịch sử phong vương Đa-vít, chúng ta có một suy niệm thần học tuyệt vời của thánh Phao-lô về vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Cứu độ trần gian và Thánh Tử chí ái.  Đoạn thư được gọi là Thánh ca và đưa vào các Giờ kinh Phụng Vụ của Giáo Hội.

        Trước hết, thánh Phao-lô gọi Chúa Giê-su là Thánh Tử (Con của Thiên Chúa Cha) và nói đến một giáo lý vô cùng sâu xa:  Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình”.  Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng chúng ta có thể “thấy” Chúa Cha nơi Chúa Con, như Chúa Giê-su đã nói với tông đồ Phi-líp-phê:  “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?  Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Gio-an 14:9).  Ở đây, thánh Phao-lô lập lại điều Chúa Giê-su đã mặc khải cho Phi-líp-phê khi ngài khẳng định Chúa Giê-su là “hình ảnh” Thiên Chúa vô hình.  Điều này có nghĩa là toàn thể con người và trong mọi hành động của mình, Chúa Ki-tô là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, biểu lộ mọi phẩm tính của Chúa Cha, đặc biệt là tình yêu và lòng thương xót.  Cách suy nghĩ và hành động của Người cũng chính là lối suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa.  Điều tiếp theo thánh Phao-lô nói về Chúa Ki-tô:  Người là “Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo”.  Chúa Ki-tô không chỉ là trưởng tử loài người, nhưng còn là trưởng tử mọi loài thọ tạo, vì “trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình”.  Điều này cũng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa Chúa Ki-tô là Vua vũ trụ.

        Tuy nhiên, trở lại ngay trước đoạn Thánh ca này, thánh Phao-lô đề cập tới một công việc quan trọng của Chúa Cha, là “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái;  trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”.  Chúa Cha đã đặt Thánh Tử Giê-su làm Vua của Vương quốc Người để chăn dắt tất cả những ai Người đã cứu chuộc và tha thứ tội lỗi nhờ Thánh Tử.  Vị Vua này còn là một gương mẫu cho tất cả thần dân noi theo, trở nên “đồng hình đồng dạng” với Vua để sau cùng được cùng Vua vào dự tiệc hạnh phúc Thiên Đàng.

 

        3.  “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”  (bài Tin Mừng:  Lu-ca 23:35-43)

 

        Vua đích thực là vị vua đem lại hạnh phúc cho dân mình.  Sứ mệnh của Vua Giê-su là đem lại cho chúng ta hạnh phúc vĩnh cửu.  Một biến cố chứng minh hùng hồn cho sứ mệnh ấy, là ngay trên thập giá trong giờ đau khổ tột cùng, Vua Giê-su đã “cứu độ” một kẻ gian phi tỏ lòng thống hối.  Chúng ta không biết động lực nào đã khiến anh này lên tiếng “bênh vực” sự vô tội của Chúa Giê-su.  Chắc chắn thái độ Chúa chấp nhận cực hình mà không lời oán trách chửi rủa, quảng đại “thí mạng mình vì bạn hữu”, tất cả những lời cầu nguyện, trăn trối của Chúa đã giúp anh hiểu rõ con người “cùng chịu đóng đinh” với mình là Đấng nào.  Không những Chúa giúp anh hiểu biết Người, mà Người còn giúp anh biết chính anh  nữa.  Anh đã tin vào Vương quốc của Chúa, nên anh mở lời tha thiết cầu xin Người:  Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”.  Đúng thế, Chúa Giê-su nhớ đến anh, hơn thế nữa, Người còn ban cho anh phần thưởng đời đời:  “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.  Vua Giê-su đã yêu thương anh đến cùng.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

 

        Chúng ta có một Vua biểu lộ tất cả tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.  Chúng ta đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Người bằng cách sống như một công dân đích thực của Nước Trời.  Dân Ít-ra-en luôn tôn kính vị vua khả ái của họ là Đa-vít.  Còn chúng ta, chúng ta sẽ làm gì cho Vua vũ trụ và Vương quốc của Người?  Vua đã đưa chúng ta vào trong mối quan hệ thân thiết với Người và Người còn muốn chúng ta cùng với Người vào hưởng phúc Thiên Đàng đời đời nữa.  Vậy xin đừng từ chối lời mời của Người:  “Hãy vào dự tiệc, vì cỗ bàn đã sẵn sàng cả rồi!”

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

       

       

       

                


Suy Niệm Lời Chúa Năm C