LỄ CHÚA BA NGÔI

(Gio-an 16: 12-15)

 

        Thông đạt là phương thức để biểu lộ mối quan hệ.  Xem cách thông đạt, ta hiểu được mối quan hệ ấy là gì và như thế nào.  Đoạn Tin Mừng Gio-an được sử dụng trong lễ trọng Chúa Ba Ngôi là những lời Chúa Giê-su nói với các môn đệ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong mối quan hệ giữa Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Ki-tô hữu.  Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm.  Ta không hiểu được mầu nhiệm khi tách biệt nó với cuộc sống của ta.  Nhưng ta lại có thể hiểu được một phần mầu nhiệm ấy khi đặt nó trong mối quan hệ với cuộc đời mình.  Đó chính là điều Chúa Giê-su đã làm để giúp ta hiểu một phần nào về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi Người cho chúng ta thấy mối quan hệ mật thiết giữa Thiên Chúa và con người.  Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa Ba Ngôi thực hiện mối quan hệ ấy.  Bởi vậy, muốn biết gì về Thiên Chúa, ta cứ đến với Chúa Giê-su.

 

a)  “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy”

 

        Khẳng định như trên, Chúa Giê-su muốn cho ta thấy giữa Người và Chúa Cha có sự thông hiệp toàn vẹn, đến nỗi không còn gì là của riêng một ngôi vị.  Động từ “có” chỉ là cách nói của loài người để ta căn cứ vào những gì một người sở hữu mà xác định người ấy thuộc phạm trù nào, thí dụ một người “có” nhiều tiền bạc của cải thì ta gọi đó là người giầu, nhà triệu phú hay tỷ phú.  Tuy nhiên vẫn không thể diễn tả được tất cả mọi mặt của cùng con người ấy, thí dụ người đó tuy giầu tiền bạc, nhưng lại nghèo tình thương.  Làm người sống giữa nhân loại, Chúa Giê-su cũng bị giới hạn bởi ngôn ngữ.  Người cố gắng sử dụng ngôn ngữ loài người cách tuyệt hảo nhất để nói về Thiên Chúa.  Người bảo các môn đệ:  “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”  Mọi sự thuộc chân, thiện, mỹ đều gặp thấy nơi Chúa Cha.  Ta thường đọc trong các kinh nguyện về Chúa:  Người “trọn tốt trọn lành vô cùng, phép tắc vô cùng...”  Đó là những nét chúng ta sẽ gặp thấy nơi Chúa Giê-su giúp ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào.

        Nhưng ý của Chúa Giê-su không chỉ là cho ta thấy những đặc tính của Thiên Chúa Cha, mà Người muốn nhấn mạnh rằng Người chia sẻ với Chúa Cha tất cả những đặc tính ấy.  Nói khác đi, Người chuẩn bị mở ra cho ta một chân trời mới để ta biết được Thiên Chúa là Đấng nào, nghĩa là Người muốn mời gọi ta:  Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, nên giờ đây Thầy muốn chia sẻ lại cho anh em!  Đúng như thánh Phao-lô suy diễn, những gì ẩn giấu trong mầu nhiệm Thiên Chúa đều đã được tỏ lộ qua Chúa Ki-tô, vì “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15).

 

b)  “Thánh Thần sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em”

 

        Chúa Giê-su muốn chia sẻ với ta hết những gì Người có.  “Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.”  Chúa Giê-su đã thấy rõ điều ấy nơi các môn đệ Người.  Đối với họ, không có sức chịu nổi cũng có nghĩa là họ chưa đủ lòng tin để nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật.  Làm sao tin được đây là Thiên Chúa đang khi họ cũng như nhiều người khác chỉ thấy Chúa Giê-su là người Na-da-rét, con ông Giu-se thợ mộc và bà Ma-ri-a.  Cùng lắm thì Người có thể là một vị ngôn sứ thôi!  Tất cả họ đều chưa thể đạt tới được “sự thật toàn vẹn.”  Cho nên họ cần phải được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng “sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn.”

        Vậy sự thật toàn vẹn là gì?  Trước hết, đó là chân tính và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã xuống đầy tâm hồn họ.  Người ban sức mạnh trợ giúp cho lòng tin của họ.  Người ban lửa mến để cho họ biết gắn bó với Chúa Giê-su.  Chỉ có lòng tin và lòng mến mới giúp họ nhận biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, vì lý trí không thể chấp nhận việc Thiên Chúa làm người và sống giữa nhân loại.  Thánh Thần sẽ giúp họ nhớ lại tất cả những điều Chúa Giê-su đã dạy dỗ họ.  Nhớ lại như thế, họ sẽ lãnh hội được sự thật toàn vẹn của giáo lý Chúa Giê-su đã giảng dạy trước đây, được gồm tóm trong khẳng định như sau:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

 

c)  Cha, Con, Thánh Thần và chúng ta

 

        Cầu nguyện về Thiên Chúa Ba Ngôi thường là điều khó và có vẻ khô khan.  Đấy là vì ta không nhìn ngắm Ba Ngôi như một sinh hoạt sống động, mà lại coi như một điều thần học cao siêu, hoặc vì ta chỉ biết thuộc lòng mấy điều sách giáo lý dạy:  thưa, Đức Chúa Trời có ba Ngôi, Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là Con, Ngôi thứ ba là Thánh Thần.  Nhất là vì ta không nhớ rằng Chúa Giê-su đã đem ta vào trong sinh hoạt của Ba Ngôi và Chúa Thánh Thần đã dẫn ta tới sự thật toàn vẹn.  Bởi vậy, ta chỉ có thể cầu nguyện về Ba Ngôi Thiên Chúa khi ta cảm nhận được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại, khi ta nhận ra những chiều kích dài rộng cao sâu của tình yêu ấy qua cái chết của Con Một Người và khi ta mở lòng đón nhận Chúa Thánh Thần để Người giúp ta càng ngày càng nhận biết sâu xa hơn chân tính và sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.  Đã có thông đạt thì phải có tiếp nhận.  Thiên Chúa Ba Ngôi muốn thông đạt cho ta tình yêu của Người thì ta có bổn phận tiếp nhận thông đạt ấy và cố gắng đáp lại tình yêu Người dành cho ta.  Mà phải là tình yêu sống động, được biểu lộ qua cuộc sống làm con cái Chúa.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi có khi nào cầu nguyện với Ba Ngôi Thiên Chúa không?  Hay tôi thường tránh né vì nghĩ rằng đó là mầu nhiệm?  Có lẽ tôi cần phải đặt lại vấn đề cầu nguyện như sau:  khi cầu nguyện, tôi nhắm mục đích muốn hiểu biết Chúa bằng trí óc hay là muốn yêu mến Chúa bằng trái tim?

        Là Ki-tô hữu, tôi có thường cảm nghiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cùng hoạt động để giúp tôi sống như con cái Người và tiến bước trong kế hoạch yêu thương của Người không?  Tôi sẽ tập cảm nghiệm điều ấy bằng cách nào?

        Chúa Thánh Thần giữ vai trò rất quan trọng trong việc giúp tôi sống theo tinh thần của Chúa Giê-su.  Vậy tôi có vâng theo sự soi sáng của Người không?  Nhất là tôi có nhờ ơn giúp để nhận định đâu là ý Chúa trong từng lời nói việc làm và tư tưởng không?

 

Cầu nguyện:

 

        “Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

        xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

        Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

        xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

        Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

        xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

        Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

        xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

        Lạy Chúa Ba Ngôi,

        Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

        xin cho các ki-tô hữu chúng con

        trở thành tình yêu

        cho trái tim khô cằn của thế giới.

        Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.”

                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 32)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi,

3-6-2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà