Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Đọc Luca 3, 15-16.21-22

 

Lm Phêrô Trần Đình, Dalat

 

Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là cao điểm của Mùa Giáng Sinh, bởi mầu nhiệm bản thân Người sẽ được mặc khải một cách công khai và rõ ràng hơn cả.

 

Đấng Cứu Thế chịu phép rửa

 

Lý trí của con người không muốn đón nhận sự kiện này. Mà ngay cả các thánh sử cũng thế.

 

Chỉ có Gioan Tẩy giả của Marcô xem ra là chịu làm phép rửa cho Chúa Giêsu (x. 1, 9).

 

Mat-thêu thì nói Gioan từ chối (x. Mt 3, 17). 

 

Luca xem ra là người tinh tế hơn cả : ông gỡ rối cho Gioan bằng cách nói rằng khi Chúa Giêsu chịu phép rửa thì trước đó Gioan đã bị bỏ tù (x. Lc 3, 20).

 

Ý tưởng của loài người là thế, còn Chúa Giêsu thì “thanh thản” khi cùng với các tội nhân bước xuống dòng sông Gioađan.

 

Đấng Cứu Thế sống cho đến tận cùng của thân phận con người

 

Ở đời, chẳng ai muốn gán cho mình nhãn hiệu là “tội nhân” bao giờ, chỉ trừ có Chúa Giêsu.

 

Chúa đã không từ chối khi sinh vào nhân loại tội lỗi này thì Người cũng đảm nhận cho hết thân phận cùng khốn ấy để cứu độ nó : “Điều gì không được đảm nhận, sẽ không được cứu độ” (Thánh Irênê).

 

Cả cuộc đời sau này của Người sẽ tiếp tục sống theo chiều hướng đã chọn lựa từ ban đầu, như khi kề cận lân la với những người tội lỗi khiến người đời xầm xì bàn tán.

 

Nhập thể không bao giờ là việc nửa vời, nhưng phải sống cho trọn, bởi vì Người là con người cứu thế.

 

Mầu nhiệm thánh giá đã ló dạng.

 

Đấng Cứu Thế cầu nguyện

 

Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất ghi nhận sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã “cầu nguyện” (3, 21).

Con người cứu thế không thể chỉ lăn xả vào những hoạt động mà thiếu vắng sự cầu nguyện.

 

Thật đáng ghi nhận sự kiện này : nơi Luca, sứ vụ của Chúa Giêsu khởi đầu với việc cầu nguyện (x. 3, 21), để rồi kết thúc cũng bằng sự cầu nguyện (x. 22, 46).

 

Và sự cầu nguyện ấy sẽ dàn trải suốt cuộc đời của Chúa Giêsu, như máu thấm vào da thịt Người và như một “đam mê” : khi chữa bệnh (5, 16), trước khi chọn 12 tông đồ ( 6, 12), khi tiên báo cuộc khổ nạn (9, 18), trước khi biến hình (9, 28-29), và cả trước khi dạy các môn đệ cầu nguyện (11, 1-2). Người đã cầu nguyện cho ông Phêrô (22, 32), Người cầu nguyện cùng Chúa Cha trên núi Cây Dầu (22, 39-46) và trên thánh giá (23, 34.46).

Một điều khác cũng nên ghi nhận : như đã được nói ở Luca 11, 13 : Thánh Thần sẽ được ban xuống như là sự đáp trả lại lời cầu nguyện. Trong câu chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần  đã đến sau khi Người cầu nguyện.

 

Việc Đức Giêsu cầu nguyện không chỉ là khuôn mẫu cho kitô hữu, nhưng trước hết vì Người là trung gian cứu thế, đồng thời Người cho thấy rằng ơn cứu độ phát xuất từ Thiên Chúa.

 

Luca là tác giả nhấn mạnh đến đời sống cầu nguyện. Vì thế thiết tưởng chúng ta phải suy nghĩ theo chiều hướng này.

 

Đấng Cứu Thế được tấn phong

 

Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình dáng bồ câu và có tiếng Chúa Cha phán từ trời : “Con là Con của Cha, ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.

 

Chúa Cha chính thức tấn phong Đức Giêsu làm Đấng Mêxia của muôn dân, theo cung cách của một Đấng cứu đời như đã nói trên.

 

Sự hiện diện của Ba Ngôi ở đây cho thấy cứu thế là công việc của Thiên Chúa, với sự cộng tác của ba Đấng.


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà