LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Dịp Lễ Chúa Thánh Thần, là một cơ hội để chúng ta xem xét lại chính việc mình đang làm: một đón nhận, một chia sẻ, một loan báo sứ điệp Tin Mừng, mà bản chất của nó có nguồn cội nơi chính sứ vụ của Chúa Thánh Thần. Vì " Thưa anh em, Nếu không được Thánh Thần giúp sức cho, không ai có thể nói rằng : Đức Giêsu là Đức Chúa" (1Co. 12, 3b).

Có một người bạn gửi cho tôi lá thư của các Linh Mục VN đang phục vụ tại Đài Loan, lá thư này đã được gởi cho nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu là cho Hội Đồng Giám Mục VN, về vụ việc Cha Lý, với nhiều thao thức và chờ đợi tiếng nói của HĐGMVN. Đây là một điển hình trong muôn vàn trách nhiệm của Giáo Hội... và do đó cũng là công việc của Chúa Thánh Thần mà mọi thành phần Dân Chúa đều phải đón nhận và chia sẻ. Thánh Phaolô khi trình bầy kinh nghiệm về Thánh Thần cuối cùng đã nhắc nhở mỗi người "Thánh Thần tỏ ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung". Và thánh Tông Đồ đưa ra một tiêu chí "... nhờ một Thánh Thần để trở nên một Thân Thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất".

Bài sách Công Vụ Tông Đồ không dừng lại trên những hiện tượng của biến cố, nhưng nhấn mạnh đến những dị biệt "Chúng ta đây, có người là dân Pacthia, Mêdia..., nào là người đảo Kêta hay người Ả Rập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa".

Xem ra Giáo Hội được khai sinh bởi Chúa Thánh Thần tuy mang trong cơ cấu mình những dị biệt của mỗi dân tộc, thậm chí phải nói là những dị biệt của từng cá nhân, những dị biệt bất kể là thế nào phải được đón nhận và kính trọng, nhưng Giáo Hội ấy được mời gọi với sức mạnh của Thánh Thần làm nên một Thân Thể duy nhất mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp thông và của lời loan báo ấy theo ý muốn của Chúa Giêsu sẽ hành động trong lòng Giáo Hội để THÁO CỞI VÀ CẦM BUỘC "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ". Sự THÁO CỞI VÀ CẦM BUỘC ấy Chúa Thánh Thần thực hiện trong lòng Giáo Hội bằng cách tái hiện lại hành vi THÁO CỞI VÀ CẦM BUỘC của chính Đức Giêsu còn in đậm nơi tay và cạnh sườn Người.

Chúng ta không phải là không thấy trách nhiệm của mình trong biến cố điển hình ở cái thời điểm hiện nay ấy. Nhưng mọi lời chứng cho Tin Mừng dường như đều phải mang số phận của những dấu hằn trên Thân Thể của Đức Giêsu: đều gây thất vọng và sợ hãi : "Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái." Nhưng lại là dấu chứng duy nhất đem lại sự sống. Hành vi của Đức Giêsu, sự THÁO CỞI VÀ CẦM BUỘC, không tương hợp với mọi chờ đợi, nó là sự thâm nhập của THÁNH THẦN trong lòng mỗi biến cố và mỗi con người để thiết lập sự BÌNH AN vĩnh cửu, làm cho biến cố và con người trở nên chứng tích của chính ĐỨC GIÊSU.

Công trình vĩ đại của ngày Hiện Xuống theo Đức Giêsu, và thánh Phaolô nữa là sự xuất hiện của một Thân Mình mà bất kể là ai đều thấy mình được đón nhận, được kính trọng. Đây mới là sự ưu việt của Thánh Thần, của lời chứng... Mình có cảm nghĩ chúng ta chỉ muốn đòi hỏi có một lời chứng để khước từ, để phủ nhận, để loại trừ.

Chúng ta phải để lòi cầu nguyện của Giáo Hội trong Ca Tiếp Liên thấm nhập mọi tâm tư của mình

"Không Thần Lực phù trì,

kẻ phàm nhân cát bụi,

thật chẳng có điều chi,

mà không là tội lỗi."

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên