Thứ Sáu Tuần Thánh

CÁI CHẾT CỦA ĐỨC GIÊSU

Lm. Phêrô Trần Đình

 

Bài Tin mừng quá dài, chứa đựng nhiều tư tưởng, nhưng tựu trung cũng chỉ muốn nói về cái chết của Đức Giêsu. Đây là điều đáng chúng ta quan tâm suy nghĩ, bởi vì đạo chúng ta tôn thờ thánh giá Chúa Giêsu. Vậy, chúng ta hãy xem Chúa chết như thế nào, tại sao Chúa chết và chết để làm gì ?.

 

1. chết trong cô đơn

Vườn cây dầu là nơi cho thấy sự cô đơn của Chúa. Là một con người như chúng ta, khi đối diện với cái chết gần kề, Chúa Giêsu  cảm thấy buồn. Người nói với các môn đệ rằng : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14,34). Chúa khao khát các môn đệ thức với Chúa một giờ, nhưng khi Người đến thì thấy họ đang ngủ.

 

Chúa cũng xao xuyên và sợ hãi khi đứng trước cái chết, đến nỗi “ đổ mồ hôi máu” (Lc 22,44). Sự đau khổ, đau đớn cũng như cái chết là điều không ai có thể cảm thông và chia sẻ với ai được. Có lẽ vì vậy mà người sắp chết thường thinh lặng, quay mặt vào vách.

 

Lý do sự cô đơn của Chúa còn ở chỗ bị các môn đệ bỏ : người thì chối Thầy như Ông Phêrô,  kẻ thì rắp tâm bán để lấy tiền như Ông Giuđa, những người còn lại thì chạy trốn cho yên thân. Giá ai khác thì không sao, nhưng đây lại chính là những người Chúa đã “yêu thương cho đến cùng”.

Đau thương nhất là Người bị chính Chúa Cha bỏ : “Lạy Cha, nhân sao Cha bỏ con ?” (Mc 15,34). Dĩ nhiên, câu nói này được hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất : đây là câu đầu tiên của một Thánh Vịnh nói lên sự tin tưởng của người công chính giữa những đau khổ. Nghĩa thứ hai : Đức Giêsu thật sự cảm thấy bị Chúa Cha bỏ, vì Chúa Cha muốn Đức Giêsu phải đi con đường thương khó để chuộc tội thiên hạ.

 

2. chết trong đau khổ

Chúa Giêsu nói trước với các môn đệ về cái chết đau thương của Người như sau : “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người”. Bị nộp, bị lên án, bị nhạo báng, bị khạc nhổ, bị đánh đòn, bị giết chết : ngần ấy từ ngữ nói lên cái chết bi thảm của  Chúa.

 

Rồi khi Người bị đóng đinh trên thập giá, kẻ qua người lại nhục ma, vừa lắc đầu vừa nói : “Ê, mi là kẻ phá đền thờ và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi “ (Mc 15, 29). Các thượng tế và kinh sư  thì chế diễu. Họ nói với nhau rằng : “Hắn cứu được thiên hạmà chẳng cứu nổi mình. Hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào”. (15, 31). Cả những tên trộm cắp, những kẻ mà người đời nhìn bằng nửa con mắt, cũng lên tiếng nhục mạ Người (x. Mc 10,33-34).

Con người ta ai cũng trọng danh dự, ai cũng có mặt có mũi. Nhiều khi người ta sẵn sàng chết, hơn là bị sỉ nhục và làm trò cười cho thiên hạ. Aáy thế mà Chúa Giêsu đã bị như thế.

 

3.  chết trong vâng phục

Dầu cảm thấy rất cô đơn và rất đau khổ khi đối diện với cái chết, nhưng Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục ý Chúa Cha.

 

Sự vâng phục ấy không dễ dàng chút nào, vì phải đấu tranh với chính mình, với bản năng muốn sinh tồn của con người xương thịt. Quả thật, trong Đức Giêsu gợi lên một sự giằng co thật sự. Người thưa với Cha thế này : “Cha ơi, Cha có thể làm đựợc mọi sự, xin tha cho con khỏi phải uống chén này”. Dầu vậy, Người cũng nói thêm : “nhưng  xin đừng  theo ý  con, mà theo ý Cha” (Mc 14,36).

 

Thánh Phaolô khi nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, đã thấy cái chết ấy là một cái chết trong vâng phục : “Chúa Giêsu hạ mình, vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Với cái chết vâng phục, Chúa Giêsu đã biến cái chết của mình thành ý của Chúa Cha.

 

4.  tự nộp mình chịu chết

Xét về một phương diện, cái chết của Đức Giêsu là do môn đệ Giuđa Iscariốt đã “nộp” Người cho quân dữ. Bi đát hơn, Tin mừng cũng nói chính Chúa Cha đã “nộp” Con mình vào tay người đời.

 

Nhưng, chính Chúa Giêsu cũng “tự nộp mình” để vâng theo ý Cha. Tin mừng Thánh Gioan rất sâu sắc khi diễn tả rằng không ai có thể bắt được Đức Giêsu. Tại vườn cây dầu, Chúa Giêsu hỏi quân dữ : “Các người tìm ai ?”. Họ thưa : “Tìm Giêsu Nadarét”. Chúa trả lời : “Ta đây”. Và tất cả bọn họ đều lùi lại và ngã xuống đất. Thánh Gioan diễn tả sự sợ hãi của quân dữ vì nhìn thấy Thiên Chúa.Thánh Phaolô khi suy nghĩ về thập giá, đã phát biểu rằng : “Người đã yêu thương tôi và chịu nộp mình vì tôi”.

 

Chính vì vậy mà cái chết của Chúa Giêsu đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho hết thảy chúng ta.

 

5. một mầu nhiệm

Có phân tích, chúng ta mới thấy rằng cuộc khổ nạn và thập giá Đức Kitô quả là một mầu nhiệm, một kế hoạch của Thiên Chúa.

Thập giá là nguồn ơn cứu độ chúng ta, một điều hết sức khó hiểu xét trên phương diện lý luận, bởi Thiên Chúa có thể dùng những cách thế khác nhẹ nhàng hơn, hiển hách hơn để cứu con người. Ma quỉ cũng không hiểu được điều này, như Thánh Phaolô nói : “Nếu mà biết được như vậy, thì nó đã không đóng đinh Chúa hiển vinh lên thập giá”.

 

Chúng ta hôn kính thánh giá là chúng ta cảm mến tình thương nhiệm lạ của Chúa, vì đã dùng thánh giá mà cứu chuộc chúng ta.


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà