Chúa Nhật thứ 17 Thường Niên

(25-7-2004)

«Xin cho con hôm nay đủ dùng»

ĐỌC LỜI CHÚA

·  St 18,20-32: (Khi cầu nguyện, Ápraham mặc cả với Chúa nhiều lần để xin Chúa tha phạt cho thành Xơđôm tội lỗi).

·  Cl 2,12-14: (13) Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. (14) Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá.

 

·  TIN MỪNG: Lc 11,1-13

Kinh «Lạy Cha»

 (1) Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: «Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông». (2) Người bảo các ông: «Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, (3) xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; (4) xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ».

Người bạn quấy rầy

(5) Người còn nói với các ông: «Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: «Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, (6) vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả»; (7) mà người kia từ trong nhà lại đáp: «Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được?» (8) Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

Cứ xin thì sẽ được

(9) «Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. (10) Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (11) Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? (12) Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? (13) Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?»

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Trong kinh Lạy Cha, câu «Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày» có ý nghĩa gì? Có phải mỗi lần đọc là ta xin Chúa ban cho ta được đầy đủ lương thực trong mọi ngày suốt đời ta không?

2. Ta xin Chúa cho ta được đủ dùng. Nhưng thế nào là đủ? Những người giàu có trong xã hội đã tự cho mình là đủ chưa? Theo quan điểm của ta thì Chúa đã ban cho ta đủ những điều cần thiết chưa? hay cần phải xin thêm cho đủ?

3.  Được dư thừa của cải trong đời sống có phải là điều tốt không? Nó có thể đem lại nguy cơ gì? Cần làm gì khi ta được Chúa ban cho giàu có?

Suy tư gợi ý:

1.  Kinh Lạy Cha, một công thức để cầu nguyện

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ bài học đẳng về cầu nguyện, chủ yếu khẩu nguyện (bằng miệng), hay cầu nguyện theo công thức sẵn. Ngoài cầu nguyện bằng miệng theo công thức sẵn, còn nhiều cách cầu nguyện khác cao hơn, như cầu nguyện tự phát, cầu nguyện bằng tưởng, bằng tâm tình, bằng hành động, bằng ý thức, chiêm niệm, kết hợp thần bí, v.v… Kinh «Lạy Cha» một công thức làm sẵn do chính Đức Giêsu lập nên để giúp ta cầu nguyện.

2.  Ngày nào xin lương thực cho ngày nấy và chỉ xin đủ dùng

Có nhiều ý tưởng tuyệt vời trong kinh Lạy Cha. Nhưng bài chia sẻ này chỉ bàn đến một ý tưởng trong kinh đó là: ngày nào thì xin lương thực đủ cho ngày nấy. Ý tưởng này trong bản kinh cũ (do các cố Tây dịch) là: «Xin cho chúng con được hằng ngày dùng đủ», và trong bản kinh phụng vụ hiện nay là: «Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày». Tôi nghĩ, để dịch cho thật sát nghĩa câu «Panem nostrum quotidianum da nobis hodie» trong kinh Pater noster bằng La ngữ, thiết tưởng có thể dịch là «Hôm nay, xin ban cho chúng con bánh của mỗi (= từng, một) ngày». Tinh thần của câu này là: ngày hôm nay, ta chỉ xin Chúa ban cho ta đủ lương thực của ngày hôm nay mà thôi. Không xin cho ngày mai hay tuần sau, vì ngày mai ta sẽ lại xin đủ dùng cho ngày mai. Nghĩa là ngày nào xin cho ngày nấy và chỉ xin đủ dùng cho ngày nấy, chứ không xin một lần cho suốt cả cuộc đời. Khi đọc kinh Lạy Cha hằng ngày, thiết tưởng ta nên thấm nhuần và thực hành nhuần nhuyễn ý tưởng này.

Khi đọc câu trên trong kinh Lạy Cha, nếu tinh ý ta sẽ nhận ra ngay tinh thần phải có là phó thác cho Thiên Chúa những nhu cầu riêng của mình từng ngày một. Đương nhiên Thiên Chúa cũng đòi hỏi ta phải cộng tác trong việc thỏa mãn những nhu cầu ấy, bằng việc làm ăn sinh sống, bằng sự cật lực làm việc, chứ không phải «há miệng chờ sung». Thông thường, lòng tham khiến ta muốn xin «một lần cho tất cả», xin cho được đầy đủ suốt cả đời, và cũng muốn xin cho được dư dật chứ không chỉ đủ dùng.

3.  «Biết đủ» thì mới có thể hạnh phúc

Thật ra muốn hạnh phúc, ta phải có tinh thần «biết đủ», tương tự như tinh thần của Nguyễn Công Trứ: «Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?» (=biết đủ thì đã đủ rồi, chờ cho đủ thì biết đến bao giờ mới đủ?) Thiên Chúa thường ban cho ta khá đầy đủ, nhưng vì ta không có tinh thần «biết đủ», nên ta vẫn thấy thiếu, chẳng mấy khi thấy đủ. Một khi cho rằng mình thiếu thì ta chẳng hạnh phúc mà chỉ thấy đau khổ. Chỉ khi cho rằng mình đã đủ, ta mới cảm thấy hạnh phúc.

Viết tới đây, tôi nghĩ tới câu chuyện một ông vua kia, tuy rất giàu nhưng vẫn thấy mình thiếu thốn đau khổ. Ông cầu xin vị thần của ông cho ông được hạnh phúc. Vị thần nói: Nếu ông tìm được chiếc áo lót của người nào tự cho rằng mình hạnh phúc nhất đời mặc vào, thì ông sẽ hạnh phúc. Ông bèn ra lệnh cho các quan tìm cho ra người ấy. Nhưng những người sứ mệnh đi tìm, đã hỏi thăm đủ mọi người từ ông tể tướng đến những người dân quèn, từ những thương gia giàu nhất nước đến những phường khố rách áo ôm ai ai cũng đều than rằng đời mình chẳng mấy khi hạnh phúc, quá nhiều đau khổ. Sau nhiều tháng ròng tìm kiếm, cuối cùng quân lính tình cờ thấy một nông dân nghèo, dáng vẻ thanh thản vui tươi, hát nghêu ngao mấy câu đại ý cho rằng mình người sung sướng nhất đời. Thế họ đè ngay anh ta ra để lột lấy chiếc áo lót. Nhưng tiếc thay, anh ta nghèo đến nỗi không áo lót! Như vậy, ông vua tuy giàu nhất nước nhưng không «biết đủ», nên vẫn thấy mình thiếu đau khổ. Còn anh nông dân kia tuy rất nghèo, nhưng tự cho rằng mình được Trời ban như hiện nay đã quá đủ, nên anh luôn luôn thấy mình hạnh phúc.

Vì thế, khi đọc kinh Lạy Cha đến câu «Xin cho chúng con được hằng ngày dùng đủ», tâm trí tôi thường thầm nguyện rằng: «Xin cho con biết cho là đủ những gì Cha ban cho con». Và trong thực tế, tôi thường thấy rằng Ngài đã ban cho tôi nhiều hơn mức mà tôi cho là đủ. Thật vậy, nếu so sánh cuộc sống của tôi với vô số những người nghèo khổ hơn, tôi thấy mình đầy đủ hơn họ nhiều. Đó là lý do khiến tôi thường hạnh phúc.

4.  Đừng ham dư: dư thừa thường có hại hơn thiếu thốn

Vì của cải vật chất có hạn, nên khi ta dư dả hơn mức trung bình thì điều đó có nghĩa là phải có người vì ta dư dả mà họ bị thiếu thốn. Nói cụ thể cho dễ hiểu: nếu 10 người có tất cả 10 triệu, thì trung bình mỗi người có 1 triệu, và với 1 triệu thì ai cũng đủ. Nếu ta có 2 triệu, thì 9 người còn lại chỉ có 8 triệu (tức mỗi người 8/9 triệu, ít hơn mức trung bình một chút, nên hơi thiếu). Nếu trong 9 người ấy có người có tới 3 triệu, thì ắt 8 người còn lại chỉ có 5 triệu (tức mỗi người 5/8 triệu, nghĩa là dưới mức trung bình rất nhiều, nên rất thiếu thốn). Do đó, ta càng dư giả thì tất nhiên càng có người thiếu thốn. Vì thế, người có tình thương đích thực không ham dư dả trên mức trung bình, mà chỉ cần vừa đủ dùng cho mình. Nên khi đọc kinh Lạy Cha, họ chỉ xin cho mình được đủ dùng mà thôi.

Người ham muốn được dư dả thường cố gắng vun vén hay tập trung của cải về cho mình, có thể bằng những phương tiện chính đáng, nhưng họ sẽ thường bị cám dỗ sử dụng những phương tiện không chính đáng. Nếu ham giàu quá mức, họ dễ trở thành người coi vật chất trọng hơn tình cảm, tiền bạc hơn con người, lương tâm sẽ trở nên lệch lạc, đời sống tâm linh bị thiệt hại nặng nề. Người có đời sống tâm linh cao thường đã từ bỏ được ham muốn này, vì nó trái ngược với đức thanh bần và tinh thần siêu thoát mà một người thánh thiện luôn luôn phải có.

Đừng ham muốn dư dả về vật chất, vì khi quá dư dả vật chất, như đã nói trên, ta có thể vô tình khiến có những người trở nên thiếu thốn. Hiện nay, trong lãnh vực y tế và sức khỏe, người ta khám phá ra rằng nếu ăn quá nhiều đến mức dư thừa chất bổ, chất bổ ấy sẽ biến thành chất độc làm cơ thể suy yếu hoặc bệnh tật. Trong lãnh vực tâm linh cũng tương tự như vậy: của cải dư thừa quá có thể làm hại tâm hồn con người, làm tâm hồn con người suy yếu và bệnh hoạn.

Tuy nhiên, sự dư dả không tác hại trên con người cho bằng tính ham dư dả. Người ham dư dả, ham giầu có thì nghèo cũng khổ mà giầu cũng khổ. Nghèo thì buồn bực vì lòng ham muốn không thành. Còn giàu thì lo gìn giữ của cải, sợ bị mất, khiến cho lòng không thanh thản, và một khi bị mất thì vô cùng đau khổ. Người có nhiều tiền tuy về mặt xã hội thường trở nên mạnh mẽ hơn như người ta vẫn nói: «mạnh vì gạo, bạo vì tiền», nhưng về mặt tâm linh sẽ trở nên yếu hơn rất nhiều. Vì phải lo bảo vệ những gì mình đang có, nhiều khi họ trở nên hèn nhát, sẵn sàng im lặng trước bất công, không dám bênh vực cho lẽ phải, cho sự thật. Sự tai hại của sự dư dả vật chất đã được Đức Giêsu xác quyết: «Người giàu có khó vào Nước Trời. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa» (Mt 19,23-24). Vì thế, là người theo Đức Giêsu, chúng ta chỉ cần đủ, không nên ham được dư thừa. Hãy tập biết chia sẻ để những người thiếu thốn cũng được đầy đủ. Nhờ đó tâm linh ta mới mạnh mẽ lên.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con vẫn xin Cha ban cho con được «hằng ngày dùng đủ», nhưng con lại rất vô tình trước sự thiếu thốn của những người nghèo khổ chung quanh con. Xin cho con khi đọc kinh Lạy Cha, khi xin cho mình được «dùng đủ», thì cũng sẵn sàng hy sinh và cộng tác với Cha để đem lại sự «dùng đủ» cho mọi người.

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà