CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11, 1-13

 

HÃY CẦU NGUYỆN:” LẠY CHA CHÚNG CON Ở TRÊN TRỜI”.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Các môn đệ của Chúa Giêsu đã đi theo Chúa nhiều năm, các Ngài vẫn lúng túng trong việc cầu nguyện. Phải cầu nguyện làm sao ? Phải thưa với Bề Trên mình như thế nào ? Cầu nguyện có cần thiết không và tại sao phải cầu nguyện ? Những vấn nạn này, các môn đệ vẫn không sao giải đáp được. Do đó, một bữa kia, các Ngài xin Chúa Giêsu dậy các Ngài cầu nguyện. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu dậy các môn đệ của Ngài cầu nguyện, Chúa Giêsu khởi đầu bằng câu:” Lạy Cha chúng con…”. Chúa đã xác lập mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Đây là mối tương giao giữa Cha và Con. Và đây cũng là tâm tình của người con thảo thân thưa, hàn huyên, trò chuyện cùng Thiên Cha: Đấng là Cha của mình.

 

MỐI TƯƠNG GIAO GIỮA BA NGÔI THIÊN CHÚA:

Đã nhiều lần Chúa Giêsu đi vào nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng của thánh Gioan đã thuật lại những lần Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng, tĩnh lặng để cầu nguyện. Chúng ta không biết Ngài nói gì, nhưng có một điều chúng ta cảm nghiệm, Ngài trò chuyện thân mật cùng Cha của mình. Chúa Giêsu không đưa ra một mẫu, một mô thức nào về cầu nguyện. Nhưng chỉ nhìn các môn đệ, lắng nghe các Ngài cầu nguyện, chúng ta hình dung được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vì các môn đệ là phản ảnh lại con người của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn muốn các môn đệ của Ngài cầu nguyện và sống lời cầu nguyện như chính Ngài đã sống. Chúa Giêsu luôn sống mối tình thâm giao với Chúa Cha, Ngài sống mật thiết với Chúa Ba Ngôi, Ngài dậy các môn đệ về mối tình phụ tử của Ngài với Thiên Chúa Cha và Ngài cũng đưa các môn đệ vào tình thân với Thiên Chúa Cha. Cha là nguồn sự sống, tuôn trào ơn huệ đến người con. Do đó, Chúa Giêsu không chỉ dậy:” Xin cho danh Cha cả sáng, nước cha trị đến…” mà cả những nhu cầu rất thực tế, rất đời thường:”Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Như thế, con người không chỉ xin cho được lương thực cần dùng hằng ngày, mà còn chia sẻ nhu cầu tâm linh, siêu nhiên:” Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

 

Lời dậy bảo, hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các môn đệ cầu nguyện với kinh lạy cha đượm tình con thảo và hết sức thực tế, cụ thể cho mỗi người: tình phụ tử và tình người.

 

Chúa Giêsu quả thực sống rất nhân từ, hiền lành và khiêm tốn. Ngài luôn luôn muốn sự lành cho con cái, cho mỗi người . Vì thế, khi người con xin cá, chả lẽ người cha lại bắt rắn mà cho con sao ? Đối với Chúa Giêsu, Ngài là người cha nhân hậu, chạnh lòng nhân nghĩa vì thế lúc nào Ngài cũng ban sự lành cho con người, cho nhân loại.

 

LỜI CẦU CỦA KINH LẠY CHA BIẾN ĐỔI CON NGƯỜI:

Người kitô hữu được Chúa biến đổi qua bí tích rửa tội. Chúa mang ơn cứu rỗi cho loài người cho từng người. Thực tế, người Kitô hữu đã được biến đổi nhưng chưa hoàn hảo, họ cần phải cố gắng hằng ngày vì bao lâu con người còn sống ở trần gian, họ vẫn còn phải chiến đấu, chống lại cám dỗ, chống lại thử thách, gian nan và khó khăn do bảnchất yếu đuối, tội lỗi của con người. Chúa luôn mời gọi con người cộng tác với ơn Chúa để tẩy xóa con người, để thánh hoá bản thân, để càng ngày càng nên giống Chúa, để xứng đáng cầu nguyện kinh lạy cha mỗi ngày một tác dụng, mỗi ngày một tốt, một đẹp hơn. Lời kinh lạy cha của Chúa Giêsu dậy các môn đệ xưa và dậy cả nhân loại luôn có sức mạnh làm cho con người, làm cho nhân loại mỗi ngày một nên giống Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu không muốn con người cầu nguyện chỉ dừng lại nơi những lời cầu xin, nhận lãnh mà Chúa còn xác lập mối tương quan Cha Con trên nền tảng căn bản của lòng mến. Chỉ trên tương quan tình yêu, lòng mến, người Kitô hữu mới có thể mạnh dạn, sốt sắng và tin tưởng đọc kinh lạy cha với tất cả đức tin sâu xa của mình.

 

Lạy Chúa, xin tiếp tục dậy chúng con kinh lạy Cha như Chúa đã dậy các môn đệ xưa.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

Cầu nguyện là gì ?

Bạn hiểu gì về kinh lạy Cha ?

Abba, Cha ơi, nghĩa là làm sao ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà