Chúa Nhật 18 Quanh Năm

(5-8-01)

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Cô-lô-xê 3: 1-5, 9-11

        Trong ba đoạn thư trích Cô-lô-xê trước đây, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm về vai trò của Chúa Ki-tô trong kế hoạch tạo dựng-cứu chuộc của Thiên Chúa, về ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa Ki-tô là Người hiện diện với chúng ta để đem đến cho chúng ta niềm hy vọng chắc chắn, và về ý nghĩa của sự chết và sống lại của Chúa Ki-tô là đưa chúng ta tới một đời sống mới. Với đoạn thư Cô-lô-xê cuối cùng hôm nay, Giáo Hội chọn một số tư tưởng trong đoạn thánh Phao-lô khuyến khích tín hữu Cô-lô-xê hãy sống sao cho hợp với những gì Chúa Ki-tô đã làm cho họ (3:1-4:6). Xét trên điểm này, thư Cô-lô-xê là một thí dụ điển hình cho thấy những khuyến dụ sống đạo đức của thánh Phao-lô luôn luôn đi theo sau khi đã trình bày về giáo lý trước đó. Nghĩa là: vì Chúa Ki-tô đã hòa giải họ với Thiên Chúa nhờ cái chết của Người, vậy tín hữu cần phải sống như thế nào?

        Trong hai câu đầu của bài đọc hôm nay, thánh Phao-lô trình bày nguyên lý nền tảng của đời sống đạo đức cho những ai tin vào Chúa Ki-tô. Đó là nếu họ đã được sống lại với Người trong con người mới, thì họ phải "tìm kiếm những gì thuộc thượng giới." Họ không nên nghĩ đến những gì thuộc về hạ giới nữa, vì trong bí tích Rửa tội họ đã chết đi với Chúa Ki-tô rồi.

        Để hiểu rõ hơn nguyên lý nền tảng trên, chúng ta nên để ý tới lời giải thích của thánh Phao-lô về thượng giới là gì. Đó là "nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa", là quê hương đích thực của chúng ta. Nếu Đức Ki-tô, sau khi phục sinh, là con người của thượng giới, thì việc chúng ta "tìm kiếm những gì thuộc thượng giới" chính là đi tìm kiếm tất cả những gì chứa đựng trong kho tàng vô giá là Chúa Ki-tô. Hay nói khác đi, tìm kiếm những gì thuộc thượng giới tức là tìm kiếm một lối sống mới, tức là lối sống của Đức Ki-tô.

        Ở đây có sự tiếp nối chặt chẽ với bài đọc Chúa Nhật trước. Bí tích Rửa tội (2:12-14) giúp chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi và mở ra cho chúng ta một đời sống mới. Tội lỗi đã nhường chỗ cho ân sủng và sự chết đã nhường chỗ cho sự sống mới. Vì giác quan không cảm nhận được sự thay đổi ấy, nên thánh Phao-lô mới nhắc nhở rằng "sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng (dấu ẩn) với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa." Rồi ngài cũng không quên nói lên đâu là đích tới mà sự sống mới ấy sẽ dẫn chúng ta đến: cùng Đức Ki-tô hưởng phúc vinh quang. Đức Ki-tô phục sinh mang một danh hiệu mới hết sức quan trọng đối với chúng ta, đó là Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta.

        Sau khi trình bày nguyên lý nền tảng, thánh Phao-lô đi vào thực hành, khuyến dụ tín hữu Cô-lô-xê hãy diệt đi lối sống trái ngược với nguyên lý ấy, tức là lối sống vô luân. Đây là tiến trình con người đi tìm và xây dựng lại hình ảnh Thiên Chúa đã mất đi nơi mỗi người chúng ta. Hình ảnh Thiên Chúa ấy đã là tiêu chuẩn để Thiên Chúa dựng nên chúng ta. Rồi hình ảnh ấy bị tổn thương do tội nguyên tổ và tội riêng. Nhưng nơi Đức Ki-tô, hình ảnh Thiên Chúa được tỏ hiện rõ ràng và nguyên vẹn. Đức Ki-tô đã chiến thắng tội lỗi bằng cái chết của Người là để phục hồi hình ảnh Thiên Chúa đã bị mất đi nơi con người. Vậy liên kết với Chúa Ki-tô, nếu chúng ta càng làm chết đi con người cũ, con người tội lỗi của mình, thì con người mới là hình ảnh Chúa Ki-tô phục sinh càng hiện rõ nơi chúng ta. Đức Ki-tô đã đi trước, khởi đầu cho tiến trình biến đổi ấy và Người mở ra một viễn tượng mới. Thánh Phao-lô nhìn viễn tượng này là một "nhân loại mới" khởi sự với "trưởng tử" (1:18), hoặc A-đam mới là Đức Ki-tô. Nhân loại mới này không dựa trên những yếu tố khác biệt về mầu da, chủng tộc, nhưng dựa trên cùng một thân phận mà mọi người cùng chia sẻ, đó là "Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người."

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Nhìn lại bốn bài đọc trích thư Cô-lô-xê từ Chúa Nhật 15-18 quanh năm, tôi nhận ra giáo lý về Chúa Ki-tô được Phụng vụ Lời Chúa trình bày như thế nào?

        Những gì thuộc hạ giới đã ngăn cản tôi tìm kiếm Đức Ki-tô?

        Trên đường tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, tôi đã khám phá được những đường nét nào của dung mạo Đức Ki-tô?

        Nguyên lý nền tảng về đời sống đạo đức do thánh Phao-lô trình bày có thực sự là nền tảng đối với tôi không? Hay tôi chưa xác tín nguyên lý này? Nếu chưa thì tại sao?

        Khi nói "Đức Ki-tô là nguồn sống của chúng ta", thánh Phao-lô đã có những cảm nghiệm nào? Và đó có là một số cảm nghiệm của chúng ta không?

 

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát và chia sẻ, nhóm cùng hát "Đường của con là Chúa", CNLT 62.

Lm. Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà