CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Lc 12, 32-48

 

HÃY TỈNH THỨC

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Tỉnh thức vẫn là thái độ quan trọng của mỗi người trong cuộc đời. Tỉnh thức để khỏi mất trộm, khỏi bị té ngã, khỏi mắc nạn vv…Đó là thái độ cần có của những con người khôn ngoan, biết đắn đo, suy nghĩ trong đời sống của mình. Thánh Luca trưng ra hai dụ ngôn trích đọc trong Chúa Nhật XIX thường niên, năm C, mang hình ảnh rất thực tế, gần gũi với cuộc sống của mỗi người chúng ta: hình ảnh của người đi dự tiệc cưới và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách, chỉ ra tính bất ngờ mà mọi người không hề hay biết trước ngày giờ Thiên Chúa đến kêu gọi con người. Đối đầu với sự bất ngờ này, Chúa nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức. Nhưng tỉnh thức cần có theo đòi hỏi của Tin Mừng là” Hãy về bán hết của cải đang có mà bố thí, vì kho tàng anh em ở đâu thì lòng trí anh em cũng ở đó”.

 

ANH EM HÃY THẮT LƯNG CHO GỌN, THẮP ĐÈN CHO SÁNG:

Trong đời sống hằng ngày, con người vẫn lấn cấn trong việc kiếm miếng cơm manh áo, làm ra của cải vật chất cho nhiều, thu tích lợi tức cho đầy kho, đầy bồ. Con người dễ bị ru ngủ bởi của cải vật chất, bởi tiền tài, danh vọng, bởi phù hoa, phú quí. Con người làm ra một lại muốn hai, rồi ba, rồi bốn…Quả lòng tham của con người thì không có đáy. Có của, có tiền nhiều, đi đâu con người cũng không yên trí, vì của cải ở đâu thì lòng trí con người ở đó. Lời của Chúa quả thực không sai :” Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sáng “ hoặc “ Anh em không thể làm tôi hai chủ hoặc yêu này thì ghét chủ khác. Làm ra của cải nhiều là điều quí hóa, nhưng phải biết xử dụng sao cho phù hợp mới là điều quan trọng. Coi của cải là phù vân, là mau qua dễ gây bi quan cho con người. Tuy nhiên, tỉnh thức để xử dụng của cải đúng nghĩa, sẽ giúp cho con người vui tươi và hạnh phúc, sẽ làm ích cho nhiều người nghèo, những trẻ em mồ côi, những người già nua, neo đơn và bất hạnh. Vâng, có lẽ nhiều người rất tỉnh thức trong kinh nguyện, trong các nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại rất mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Nếu, con người biết tỉnh thức, biết lưu tâm đến những nhu cầu của người khác thì xã hội chung  quanh ta đã khác đi nhiều rồi. Một sự quan tâm đến  nhu cầu của người nghèo: một số tiền nhỏ đối với hoàn cảnh của một người nghèo có thể biến đổi cuộc sống của họ và gia đình họ khi họ chỉ cần một số tiền nhỏ để làm vốn. Đạo Kitô giáo không phải là đạo mê hoặc, ru ngủ người khác mà luôn thức tỉnh con người. Nếu con người trên thế giới luôn biết tỉnh thức, luôn biết quan tâm đến người khác thì hai phần ba nhân loại không phải rơi vào tình trạng nghèo nàn. Chúa mời gọi con người tỉnh thức để nhận ra Nước Trời đang đến trong từng phút giây.  Hãy sống công bình, bác ái và chia sẻ. Hãy làm những công việc tỏa sáng để ánh sáng đức tin được chiếu tỏa nơi nhiều người.

 

CHÚA MỜI GỌI NHÂN LOẠI, MỜI GỌI CON NGƯỜI:

Chúa cảnh tỉnh con người  phải thức tỉnh, phải tỉnh táo để nhận ra những dấu chỉ của thời đại. Sự thức tỉnh đích thực của người Kitô hữu là phục vụ. Phục vụ sẽ giúp con người tìm được hạnh phúc và bình an. Như một Phanxicô khó khăn, đã sống nghèo để phục vụ con người và nên giống Chúa, như một Têrêsa Calcutta đã sống cho tha nhân, đã phục vụ hết mình cho những người đau khổ. Mẹ đã viết, đã dậy và đã sống những tâm niệm thật thiết thực:”

 

Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện. Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là đức ái. Hoa trái của đức ái là phục vụ. Hoa trái của phục vụ là bình an “

 

Rõ ràng Mẹ Têrêsa và các nữ tu bác ái của Mẹ đã không cho người ta tiền nhưng sự phục vụ trong yêu thương của Mẹ và của các nữ tu bác ái đã làm cho nhiều người nghèo nhận ra Nước Trời. Tiền của cần thật nhưng nó chỉ là phương  tiện, chứ không phải là mục đích, là cứu cánh của con người. Biết xử dụng của cải không phải cho riêng mình mà cho nhu cầu của người khác. Thực hiện được như vậy, con người sẽ thoát ra được sự kiềm tỏa của vật chất và mau mắn sắm cho mình túi tiền chẳng bao giờ hư nát, chẳng bao giờ tàn lụi, đó là kho tàng vô cùng quí giá ở trên trời.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết luôn tỉnh thức để nhận ra dấu chỉ của Nước Trời.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

Tỉnh thức là gì ?

Tại sao bạn phải tỉnh thức ?

Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu là gì ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà