CHÚA NHẬT 19 QUANH NĂM, C (2004)

(Lu-ca 12: 32-48)

 

        Sau khi nhắc nhở ta đừng thu tích và cậy dựa vào của cải trần gian, Chúa Giê-su chỉ cho ta một kho tàng đích thực trên trời.  Người bảo ta với tất cả tâm tình yêu thương:  “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12:32).  Lời nhắn nhủ này mở đầu cho bài giảng về thái độ ta phải có để làm sao chiếm hữu được kho tàng đích thực Cha trên trời muốn ban cho ta.  Đức tin và tỉnh thức là những điều Chúa Giê-su sẽ giải thích bằng những thí dụ cụ thể cho ta nhận thức được trách nhiệm tiếp nhận Nước Trời.

 

a)  “Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”

 

        Làm sao ta biết được ân huệ trọng đại này nếu Chúa Giê-su không mặc khải cho ta?  Qua những lời lẽ của Chúa Giê-su, ta có thể cảm nhận được ngay cả tâm tình hân hoan vui sướng của chính Người.  Người gọi ta là “đoàn chiên nhỏ bé” tựa như bà mẹ âu yếm nói với con thơ của mình.  Người thấu rõ những nỗi lo lắng của ta hơn cả bà mẹ biết con mình.  Cho nên Người bảo ta “đừng sợ.”  Người muốn chia sẻ cho ta chính niềm vui của Chúa Cha khi Người quả quyết Chúa Cha “vui lòng” ban cho ta Nước Trời.  Chúa Cha không ban cho ta một cách miễn cưỡng hoặc tựa như bố thí cho ta Nước Trời, nhưng Người ban cho ta mà lòng Người tràn ngập vui sướng. 

        Có lẽ ta sẽ thắc mắc “Nước của Chúa Cha” là gì?  Phải chăng là một vương quốc mà ta được làm con dân của Người.  Hiểu như thế cũng được.  Nhưng có lẽ thánh Gio-an cho ta thấy rõ hơn quà tặng yêu quý Chúa Cha ban cho nhân loại.  Đó là:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai TIN vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Sau này, trong lời nguyện dâng lên Chúa Cha, Chúa Giê-su còn nói rõ hơn về quà tặng ấy:  “Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ LỜI mà Cha đã ban cho con;  họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con” (Ga 17:7-8).  Vậy “Nước của Chúa Cha” là tất cả những gì Chúa Cha muốn tỏ ra cho ta qua Con Một Người, hoặc nói khác đi, là chính Chúa Giê-su, để khi đón nhận Người và lối sống của Người thì ta có thể sống như con cái đích thực của Chúa Cha.  Vậy ta phải có thái độ nào khi đón nhận Quà Tặng của Chúa Cha?

 

b)  “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó”

 

        Chúa Giê-su là tất cả kho tàng của Chúa Cha.  Người đã ký thác nơi Chúa Giê-su những gì là quý giá nhất của Người.  Không phải kim cương hạt xoàn hoặc đô-la, nhưng là chính Tình Yêu của Người.  Người đã đặt trọn kho tàng đó ở trong Chúa Giê-su, đến độ “Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17:21).  Người muốn chia sẻ kho tàng Tình Yêu của Người cho ta qua Chúa Giê-su, cho nên thấy Chúa Giê-su là thấy kho tàng của Chúa Cha (Ga 14:9), ở lại trong Chúa Giê-su là ở lại trong Chúa Cha (14:23), và chiếm được Chúa Giê-su là chiếm hữu được “Nước của Chúa Cha.”

        Khi đưa ra nguyên lý “đồng tiền liền khúc ruột”, Chúa Giê-su nêu lên một thái độ căn bản để có thể chiếm được Nước Trời, đó là phải có lòng quyến luyến, gắn bó với Nước Trời.  Tại sao ta lại quyến luyến gắn bó với một vật gì đó?  Là vì ta xác tín được giá trị của nó.  Càng quý giá, ta càng tìm cách giữ gìn bảo vệ.  Nhiều khi đã cất trong hộc ngân hàng rồi mua bảo hiểm mà ta vẫn lo ngay ngáy.  Vậy đối với Nước Trời, với giá trị tuyệt đối, ta sẽ sẵn sàng “bán của cải” để có được kho tàng “không thể hao hụt, mối mọt cũng không đục phá.”

 

c)  “Phải sẵn sàng luôn”

 

        Giữ gìn kho tàng, nhưng không phải là thụ động.  Đạo là kho tàng của ta, mà ta lại giữ khư khư chứ không sống đạo, thì kho tàng chẳng sinh ích lợi gì cho ta.  Chúa Giê-su dùng một hình ảnh rất quen thuộc đối với người Do-thái để diễn tả thái độ sẵn sàng và chăm chỉ làm việc:  “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.”  Khi làm việc, người Do-thái ăn vận như vậy.  Khi chuẩn bị cuộc lữ hành trở về Đất hứa từ Ai-cập, dân Chúa cũng làm như thế.  Do đó, hình ảnh này nói lên thái độ sẵn sàng của Ki-tô hữu để đón tiếp Con Người, ở ngay cuộc sống trần thế này cũng như trong giây phút cuối cùng cuộc đời.  Lúc nào cũng phải là thời gian của “Triều Đại Cha mau đến” đang được thực hiện nơi tâm hồn Ki-tô hữu.

        Hoạt động để giúp cho Triều Đại Thiên Chúa mau đến phải phù hợp với những khả năng và hoàn cảnh sống của ta.  Ông Phê-rô đã đặt vấn đề với Chúa, hỏi xem có phải Chúa dùng hình ảnh ấy để nói về các tông đồ hay là về mọi người.  Câu trả lời của Chúa đã làm sáng tỏ vai trò “quản gia” của các tông đồ, nhưng không có nghĩa là không ám chỉ mọi người.  Tất cả đều là “quản gia”, phải sử dụng mọi tài năng của Chúa ban để làm ích lợi cho bản thân, gia đình, Giáo Hội và thế giới.  Thêm một đặc nét nữa, đó là mọi người, từ Đức Giáo Hoàng cho tới người giáo dân, đều phải là những quản gia “trung tín và khôn ngoan.”

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Tôi có “sợ” vì không biết mai sau mình có được rỗi linh hồn không?  Cái sợ của tôi là thứ sợ nào?

        Tôi có tiếp nhận Chúa Giê-su như tất cả Nước Trời mà Chúa Cha đã “vui lòng” ban cho tôi không?  Cách thức tiếp nhận của tôi như thế nào?  Sự tiếp nhận ấy có biến đổi con người tôi thành con cái xứng đáng của Cha trên trời không?

        Tôi đang làm gì cho vương quốc của Chúa Ki-tô với khả năng của mình?

 

Cầu nguyện:

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        ai trong chúng con cũng thích tự do,

        nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

        Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

        Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

        tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

        tự do trước đam mê của trái tim,

        tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

        Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

        để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

        để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

        Lạy Chúa Giê-su,

        xin cho chúng con được tự do như Chúa.

        Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

        khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

        và chữa bệnh ngày sa-bát.

        Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

        khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

        Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

        vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

        Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

        để chúng con được tự do bay cao.”

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 96)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà