CHÚA NHẬT 2 QUANH NĂM, C (2004)

(Gio-an 2: 1-12)

 

        Sau biến cố Giáng Sinh, trước khi bước vào mùa Thường niên suy niệm lời giảng và những việc làm của Chúa Giê-su trong sứ vụ Cứu Thế, Phụng vụ Lời Chúa dành cho ta ba Chúa Nhật chuyển tiếp để giới thiệu con người và sứ vụ của Chúa Giê-su.  Ta cũng có thể coi ba biến cố này như ba cách hiển linh của Chúa Giê-su:  qua ba nhà chiêm tinh phương Đông, Chúa Giê-su tỏ ra Người là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại;  qua việc chịu phép rửa của Gio-an Tẩy giả, Chúa Giê-su được Chúa Cha và Thánh Thần thánh hiến và sai đi;  hôm nay qua phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na, Chúa Giê-su đã “bày tỏ vinh quang của Người;  và các môn đệ đã tin vào Người.”  Như vậy, phép lạ tại Ca-na là một cách “hiển linh” mời gọi ta hãy theo Chúa Giê-su, lắng nghe lời Người và nhìn ngắm những điều Người làm để cũng như các môn đệ, ta sẽ tin vào Người.  Đó cũng là mục đích Giáo Hội muốn chúng ta nhắm tới khi ta tiếp tục suy niệm Tin Mừng trong các Chúa Nhật thường niên kế tiếp.

 

a)  Phép lạ Ca-na không chỉ đơn thuần là một việc lạ, nhưng còn là một dấu lạ

 

        Việc lạ hay dấu lạ nghe cũng từa tựa như nhau, nhưng thực ra khác nhau.  Ba sách Tin Mừng nhất lãm dùng những từ phép lạ, điềm kỳ để nói về những việc lạ lùng Chúa Giê-su đã làm, như chữa lành bệnh, cho kẻ chết sống lại...  Riêng Tin Mừng thánh Gio-an lại không sử dụng những từ ấy, mà lại dùng từ dấu lạ để nói về những phép lạ của Chúa Giê-su.  Phép lạ và điềm kỳ nhấn mạnh đến bản chất của những sự kiện lạ lùng đã được thực hiện.  Còn dấu lạ nhấn mạnh đến căn tính của Đấng thực hiện những việc lạ lùng.  Nói khác đi, dấu lạ là một việc lạ được dùng làm dấu chỉ nói cho chúng ta biết một điều gì đó thuộc căn tính của Chúa Giê-su hoặc Chúa Giê-su là Đấng nào.  Thí dụ khi Chúa chữa lành một người mù bẩm sinh (Ga 9), thì phép lạ ấy là dấu hiệu nhờ đó ta biết Người là ánh sáng thế gian.  Chúa làm phép lạ bánh và cá hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng (Ga 6), thì đó là dấu chỉ cho ta thấy Người là bánh ban sự sống...

        Nằm trong lối trình bày căn tính của Chúa Giê-su, phép lạ Ca-na là dấu chỉ nói lên Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a (Ki-tô) sẽ hy sinh mạng sống mình để xóa bỏ tội lỗi nhân loại.  Vậy đâu là những hình ảnh trong tiệc cưới Ca-na được Gio-an nhắc đến để nói cho ta biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô?

 

b)  Nước thanh tẩy biến thành rượu đầy tràn

 

        Nước đựng trong sáu chum bằng đá được dùng cho nghi thức thanh tẩy của người Do-thái.  Nước ấy chỉ rửa sạch được bụi bặm hoặc những nhơ bẩn bên ngoài, chứ không thể thanh tẩy được tâm hồn.  Còn rượu đầy tràn, đối với người Do-thái vào cuối thế kỷ I trước công nguyên, là một biểu tượng nói lên việc Đấng Mê-si-a đến.  Ngôn sứ I-sai-a tiên báo:  “Ngày ấy, trên núi này, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc:  tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25:6; x. A-mốt 9:14; Giô-en 3:18).  “Còn anh, anh lại giữ mãi rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2:10). Lời phê bình của người quản tiệc ngụ ý cho chúng ta thấy rượu ngon tức là Đấng Ki-tô đang hiện diện nơi đây.  Vậy khi biến nước dùng để thanh tẩy trở thành rượu của Đấng Mê-si-a, Chúa Giê-su muốn thay thế cho nước thanh tẩy của nghi thức Do-thái để biến đổi tình trạng tội lỗi của ta thành đời sống đức tin.

 

c)  Ngày và “giờ” của Chúa Giê-su   

 

Chúa Giê-su nói với Mẹ Ma-ri-a:  “Giờ của con chưa đến.”  Giờ Chúa Giê-su nói đến ở đây không phải là giờ làm phép lạ, nhưng là giờ Người chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá.  Trả lời yêu cầu của Đức Mẹ, Chúa Giê-su nói về giờ của Đấng Ki-tô chịu treo trên thập giá và Mẹ Người cũng sẽ có mặt với Người vào giờ ấy.  Đấng Ki-tô tỏ ra vinh hiển của Người trên thập giá (Ga 12:20-23) khi Người hiến thân mình để ban sự sống mới cho nhân loại.  Như vậy, sự hiện diện của Đức Mẹ tại Tiệc cưới Ca-na đã được liên kết với sự hiện diện của Đức Mẹ vào lúc đóng đinh thập giá.

Nói đến “giờ”, thánh Gio-an không quên nói đến “ngày” và ngày đó là “ngày thứ ba” (Ga 2:1).  Ngày thứ ba nhắc nhớ chúng ta về lúc Chúa Giê-su sẽ sống lại vinh hiển sau cái chết ô nhục trên thập giá.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Qua phép lạ tiệc cưới Ca-na, thánh Gio-an muốn tôi xác tín Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô hiến thân chịu chết để tẩy xóa tội lỗi nhân loại.  Đây là kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa muốn cứu rỗi nhân loại.  Vậy trước đây tôi đã bao giờ thấy được ý nghĩa đích thực của dấu lạ này chưa?  Sau khi hiểu được, tôi có đi tới mục đích dấu lạ muốn là “tin vào Người” không?

        Tin vào Chúa Giê-su đòi hỏi tôi phải làm gì như các môn đệ Người đã làm?

        Mẹ Ma-ri-a đã được mời gọi tham dự vào “giờ” của Chúa Giê-su, tức là vào những đau khổ và vinh hiển của Chúa Giê-su.  Còn tôi, tôi đã và đang tham dự cách nào?  Những đau khổ của tôi có thực sự được liên kết với cuộc Thương khó của Chúa Giê-su không?

        “Họ hết rượu rồi!”  Đó có phải là tình trạng thiêng liêng của tôi không?  Nếu có như vậy, tôi có thực sự muốn cộng tác với Chúa, nhờ sự cầu bầu của Mẹ Ma-ri-a, để phục hồi ơn cứu rỗi nơi tôi không?

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        xin cho con biết con,

        xin cho con biết Chúa.

        Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

        quên đi chính bản thân,

        yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

        Xin cho con biết tự hạ,

        biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

        Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

        Ước gì con biết nhận từ Chúa

        tất cả những gì xảy đến cho con

        và biết chọn theo chân Chúa luôn.

        Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

        Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

        Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

        Và để con hưởng nhan Chúa đời đời.  A-men.”

Thánh Augustino

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà