Chúa Nhật 21 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Do-thái 12: 5-7, 11-13

        Nhìn lại cấu trúc của đoạn thư huấn dụ về đời sống đức tin (10:26 - 12:13), chúng ta thấy thư Do-thái đã lần lượt trình bày đức tin là gì, những gương mẫu đức tin trong Cựu Ước, đặc biệt và trổi vượt trên hết là gương đức tin của Chúa Giê-su, Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin, để đi tới kết luận thực hành qua đoạn trích dẫn sử dụng cho Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

        Ngay từ còn thơ bé, chúng ta đã được dạy bảo: Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Lời ca dao Việt Nam ấy gần gũi và đi theo tinh thần con cái Chúa được mô tả trong sách Châm ngôn 3:11-12: "Này con, chớ khinh thường khi Đức Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. Vì Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý." Nhắc nhở chúng ta rằng người cha trần gian sửa dạy con cái là vì yêu thương, thư Do-thái đã khuyến khích chúng ta hãy chịu đựng gian khổ, coi như đó là phương thức Cha trên trời sửa dạy chúng ta.

        Mặc dù không nêu ra ở đây, nhưng chắc chắn thư Do-thái muốn ám chỉ đến tấm gương siêu việt của Chúa Giê-su và bảo chúng ta hãy học bài học sống động qua cuộc sống của Người. Chúa Giê-su, con người đức tin gương mẫu, luôn được nêu cao cho tất cả nhân loại bắt chước. "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người" (Dt 5:8-9).

        Để chấp nhận phương thức sửa dạy của Cha trên trời, điều cần thiết là chúng ta phải thay đổi cái nhìn về những đau khổ đời này. Nếu chỉ để ý tới hậu quả đau khổ gây ra mà thôi, chúng ta sẽ dễ dàng coi đau khổ là "hình phạt" do những tội lỗi chúng ta phạm. Nếu chỉ nhìn đau khổ qua lăng kính cuộc đời của người chung quanh để thấy họ làm nhiều điều ác mà vẫn sung sướng phây phây, chúng ta sẽ thấy đau khổ mình đang chịu là sự bất công. Nhưng chúng ta được mời gọi hãy nhìn xa hơn nữa, chứ không phải nhìn vào chính đau khổ, có như thế chúng ta mới nhận ra được ý tốt lành và mục đích phương thức sửa dạy của Cha trên trời, tức là "để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người."

        Có lẽ tới đây, chúng ta vẫn có thể cho là thư Do-thái quá lý thuyết, thiếu thực tế. Không đâu! Trong câu 11, thư đã nói lên một cảm nghiệm hết sức người và chân thực: "Ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền." Phản ứng buồn phiền khi gặp đau khổ là phản ứng tự nhiên của con người. Vậy Ki-tô hữu phải làm gì đối với phản ứng tự nhiên ấy? Họ vẫn phải nhìn về tương lai. Đối với họ, phản ứng buồn phiền chỉ là phản ứng nhất thời, xảy ra "ngay lúc bị sửa dạy" thôi. Cho nên chúng ta phải hướng về hoa trái vui thú sẽ xảy tới sau cái lúc buồn phiền ấy, đó là "bình an và công chính." Đến đây, thư Do-thái lại lập lại hình ảnh người lực sĩ chịu rèn luyện là hình ảnh đã được sử dụng trong bài đọc Chúa Nhật trước. Chúng ta hãy đứng thẳng lên, tập luyện đối đầu với gian nan khốn khó hiện thời và hãy hoàn tất cuộc chạy đua đã được bắt đầu.

        Đau khổ là cơ hội để Ki-tô hữu được lớn lên trong đức tin. Đức tin chân chính không thể phát triển nếu không có những gian nan thử thách. Thiên Chúa đã để cho những đau khổ trở thành cơ hội cho chúng ta thêm lòng tin vào Người. Nhưng Người cũng ban cho chúng ta Đức Giê-su như một gương mẫu và một bảo đảm chúng ta sẽ thực hiện được những gì Người muốn. Con người Giê-su ấy, "khi còn sống kiếp phàm nhân, đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời vì có lòng tôn kính" (Dt 5:7). Nói tóm lại, điểm cốt yếu của huấn dụ sống đức tin vẫn luôn luôn là mời gọi Ki-tô hữu nhìn vào Chúa Giê-su như mẫu gương tối cao và linh động, nhất là liên kết mật thiết với Người để "những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời" của chúng ta được "nên mạnh mẽ."

Câu hỏi gọi ý chia sẻ

        Tôi hãy chia sẻ kinh nghiệm về đau khổ có ảnh hưởng đối với đức tin của tôi. Đau khổ giúp đức tin của tôi lớn lên như thế nào?

        Một cách cụ thể, tôi diễn tả những bước khác nhau khi tôi phải đối diện với đau khổ trong đức tin của mình: buồn phiền lúc đầu, chiêm ngưỡng gương Chúa Giê-su, cầu nguyện, cố gắng xác tín mục đích của đau khổ, nhận ra sứ điệp của đau khổ, tìm ý nghĩa của đau khổ trong kế hoạch tình yêu của Cha trên trời...

        Qua kinh nghiệm một đau khổ nào đó trong đời, tôi chia sẻ với anh chị em nhóm hoa trái "bình an" do việc sống đức tin.

        Trước đau khổ của anh chị em, tôi sẽ làm gì để hỗ trợ anh chị em, sẽ cùng với Chúa giúp cho những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rã rời của anh chị em được nên vững mạnh?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Con đường Chúa đã đi", CNLT 86.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi