CHÚA NHẬT 21 QUANH NĂM

(Lu-ca 13: 22-30)

 

        Bài Tin Mừng hôm nay gom lại một số ngôn từ của Chúa Giê-su.  Chúa nói về việc gia nhập Nước Trời đang khi Người đi lên Giê-ru-sa-lem.  Đề tài về Nước Trời là một Tin Mừng cho cộng đồng Dân ngoại, nhưng lại là vấn đề nhức nhối đối với cộng đồng Do-thái là những người không muốn nhìn nhận Chúa Giê-su và sứ mệnh cứu thế của Người.  Tiếp nhận Nước Trời có nghĩa là tiếp nhận chính Chúa Giê-su và Tin Mừng Người rao giảng.  Việc tiếp nhận ấy đòi một giá đắt, tới độ người ta phải từ bỏ mọi sự và ngay chính bản thân mình để bước theo Chúa.  Đối với người Do-thái, bỏ đi tất cả gia sản Lề Luật và truyền thống tổ tiên để ôm ấp một lối sống mới của Tin Mừng quả thực là một thách đố.  Nhưng không có chọn lựa nào khác cho họ cả.  Thái độ tiêu cực không muốn tiếp nhận Tin Mừng ấy cũng có thể gặp thấy ngay nơi những người hôm nay tuy mang danh Ki-tô hữu, nhưng lại không muốn “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” Nước Trời.

 

a)  Đường lên Giê-ru-sa-lem và đường vào Nước Trời

 

        Sách Tin Mừng thường đặt các huấn dụ và ngôn từ của Chúa Giê-su về việc làm môn đệ trong bối cảnh hành trình lên Giê-ru-sa-lem.  Đường lên Giê-ru-sa-lem là đường dẫn đến cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giê-su, nhưng cũng là con đường duy nhất để Người được vinh hiển và để các môn đệ đi theo Người sẽ được chung phần vinh phúc với Người.  Đã gọi là đường đi lên thì tự nó đòi hỏi ta phải cố gắng và chấp nhận khổ cực rồi, khổ cực cả thể chất lẫn tinh thần.  Chúa Giê-su không lên Giê-ru-sa-lem để được tuyên dương làm vua Ít-ra-en, nhưng để chấp nhận cái chết làm chứng cho giá trị Tin Mừng và biểu lộ tình yêu Thiên Chúa, “sẵn sàng thí mạng mình vì bạn hữu.”

        Đường lên Giê-ru-sa-lem là quãng đường Chúa Giê-su dạy ta phải làm gì và sống thế nào thì mới là môn đệ của Người.  Trên con đường này, Chúa Giê-su thường nhân cơ hội những người đến hỏi Người điều này điều nọ mà ban cho ta những lời vàng ngọc, những lời khuyên thiết thực liên quan tới số phận tương lai của ta.  Chúa Giê-su sử dụng con đường này để “đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.”  Người luôn có mặt trên con đường này để cứu thoát ta.  Hôm nay, có người muốn được cứu thoát đến hỏi Chúa:  “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”  Đường lên Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho con đường được cứu thoát, thế mà người ta lại đặt vấn đề những người được cứu thoát thì ít!  Chúa Giê-su không minh nhiên đồng ý, nhưng cách Người trả lời cho thấy đó là sự thật:  “Tôi nói cho anh em biết:  có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”  Vậy tại sao không thể được?

 

b)  “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”

 

        Lời khuyên của Chúa Giê-su cũng chính là lời giải thích tại sao có nhiều người tìm cách vào mà không vào được.  Khung cửa hẹp là lối vào Nước Trời.  Những lời hướng dẫn của Chúa Giê-su ban cho chúng ta là để giúp ta đi lọt khung cửa hẹp ấy.  Người bảo ta phải để lại hết trước khi vào, vàng bạc của cải, xe hơi nhà lầu, thậm chí cả đến những tình cảm tự nhiên và hợp lý của con người, để chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng và đi ngược chiều với lối sống của người đời.  Cửa hẹp ấy đòi ta phải gạt bỏ thù hằn và yêu thương kẻ thù.  Cửa hẹp muốn ta sống luật yêu thương tự trong lòng, thay vì quá tôn trọng và câu nệ những hình thức bên ngoài.  Cửa hẹp dạy ta phải đem lời Chúa ra mà thực hành chứ không phải chỉ huyênh hoang kêu “lạy Chúa, lạy Chúa” (Lc 6:46-47).  Chúa Giê-su đã gọi việc chấp nhận sống Tin Mừng là một cuộc chiến đấu.  Mà thực, đó là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến nội tâm thánh Phao-lô đã cảm nghiệm và phải la lên:  “Tôi thật là một người khốn nạn!  Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?  Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7:24).

        Người Do-thái thời Chúa Giê-su không muốn từ bỏ lối sống làm nô lệ cho Lề Luật để chấp nhận lối sống của Tin Mừng.  Họ ôm lấy Lề Luật như của gia bảo kềnh càng khiến họ không thể qua lọt cửa hẹp của Tin Mừng.  Họ khép lòng chỉ dành cho những ai thương yêu họ chứ không muốn mở ra đón nhận kẻ thù và mọi người.  Họ thà làm ngơ trước người bộ hành nửa sống nửa chết vì nạn cướp để lên Đền Thờ dâng lễ thay vì thi hành bác ái, cứu giúp người anh em.  Mẫu người như họ thì làm sao đi qua được của hẹp.  Họ tìm cách để được cứu thoát, nhưng phải là cách do họ đề ra chứ không phải là cách của Chúa.

        Ngày nay có biết bao Ki-tô hữu cũng tìm cách vào Nước Trời theo cách riêng của họ.  Đối với họ, Lời Chúa chỉ là lớp dầu bóng bên ngoài làm cho họ trông vẻ như những Ki-tô hữu chính danh.  Nhưng lối sống của họ lại hoàn toàn không phản ảnh giá trị Tin Mừng chút nào.  Thực ra họ đâu có biết Chúa.  Biết Chúa ở đây có nghĩa là sống quan hệ với Người.  Mà đã không sống quan hệ với Người thì thật là đích đáng khi Người trả lời họ đến gõ cửa nhà Người:  “Ta không biết các anh từ đâu đến!”   Giống như những người Do-thái từng vỗ ngực xưng mình là con cháu ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp nhưng đã không tiếp nhận Đức Ki-tô và Tin Mừng nên bị loại ra khỏi Nước Trời, thì những Ki-tô hữu có danh mà không sống lý tưởng Ki-tô cũng sẽ bị loại ra khỏi Nước Trời như vậy.  Mang tên Ki-tô hữu không phải là mang thẻ thông hành lên thiên đàng, nhưng là chấp nhận một cuộc chiến đấu cam go, đòi hỏi nhiều hy sinh, phải mất đi mạng sống để được sống đời đời.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Cửa hẹp Chúa Giê-su nói đến có ý nghĩa gì đặc biệt đối với tôi?

        Có bao giờ tôi tìm cách vào không?  Và cách của tôi là cách nào và có phù hợp với cách của Chúa Giê-su không?

        Những kẻ gõ cửa thưa:  “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.”  Đó có phải cũng là hoàn cảnh của tôi hiện thời không?  Tôi hằng tuần hoặc hằng ngày dự tiệc thánh với anh chị em trước mặt Chúa, nghe giảng dạy và suy niệm Lời Chúa.  Nhưng thực sự tôi đã “biết” Chúa chưa, nghĩa là đã sống mối quan hệ mật thiết với Người chưa?  Nếu chưa, tôi phải làm gì?

 

Cầu nguyện

 

        “Lạy Chúa Giê-su,

        Chúa đã yêu trái đất này,

        và đã sống trọn phận người ở đó.

        Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc,

        sự bi đát và cao cả của phận người.

        Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

        nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

        Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

        chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

        để xây dựng trái đất này,

        và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

        Lạy Chúa Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

        xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

        không làm chúng con quên trời cao;

        và những vẻ đẹp của trần gian

        không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

        Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

        mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.”

                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 46)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

20-8-2004

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà