SUY NIỆM TIN MỪNG HÀNG TUẦN
CHỦ NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN

NGHE

* Bài đọc 1: Kn 9,13-18b:

Đức Khôn ngoan ở kề bên Chúa, biết những việc Chúa làm, hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ, biết rõ những gì đẹp mắt Chúa và phù hợp với huấn lệnh của Ngài...Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn ngoan, chẳng gửi thần khí thánh? Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn ngoan mà được cứu độ.

* Bài đọc 2: Plm 9b-10.12-17:

Tôi, Phaolô, một người đã già và hơn nữa, một người đang bị tù vì Đức Kitô Giêsu, tôi van xin anh cho đứa con của tôi, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích, đó là Ônêximô..Vậy, nếu anh coi tôi là là bạn đồng đạo, thì xin anh hãy đón nhận nó như đón nhận chính tôi.

* Tin Mừng: Lc 14,25-33: Vác thập giá mình mà đi theo Đức Giêsu

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giêsu. Người quay lại bảo họ: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Từ bỏ hết những gì mình có

Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa. Cũng vậy ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

NGẪM

* Câu hỏi gợi ý:

1.   Từ bỏ và vác thập gía là điều kiện không có không được để theo Chúa Giêsu.

2.   Làm thế nào để chúng ta hiểu và thực hiện được bài học khó khăn này?

* Suy tư gợi ý:

1.   Từ bỏ và vác thập gía là điều kiện không có không được để theo Chúa Giêsu.

Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu luôn đưa ra một điều kiện với những ai muốn theo Ngài, muốn trở thành môn đệä của Ngài: đó là từ bỏ mình, từ bỏ mọi sự và vác thập giá mình. Điều kiện này là điều kiện không có không được (sine qua non) tức không thể thiếu nơi người muốn theo Chúa. Thật khó hiểu và trái ngược với những gì con người thường suy nghĩ: Theo Chúa, thì phải được chứ sao lại phải mất? Thật vậy, người ta thường nghĩ và đặt vấn đề: tôi sẽ được gì nếu tôi vào đạo? tôi sẽ được gì nếu tôi vào hội đoàn? tôi sẽ được gì nếu tôi đi tu làm linh mục, làm tu sĩ? Ít ai đặt vấn đề là tôi sẽ mất gì nếu tôi chấp nhận theo Chúa? Chính Phêrô cũng đã lên tiếng với Chúa Giêsu thay cho các tông đồ: Thày coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày (hiểu ngầm: thì chúng con sẽ được gì? (Mc 10,28). Rõ ràng hơn nữa là trường hợp của Gioan và Giacôbê: chỉ cách ngày Chúa chịu khổ nạn ít hôm, hai tông đồ thân cận này còn kiến nghị với Chúa để Ngài dành hai chỗ bên tả bên hữu cho hai anh em ông (Mt 20,20-21; Mc 10,36-37). Cách suy nghĩ và hành động của con người -thời xưa cũng như thời nay- khác xa với cách suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa! Quả như lời sách Khôn ngoan: "Ý định của Chúa, nào ai biết được?"

Đọc hạnh các thánh hay các tâm hồn đạo đức sống gần Chúa, chúng ta đều thấy nổi bật tinh thần hy sinh và đời sống từ bỏ của những vị ấy. Họ thực hiện bài học từ bỏ và vác thập giá bằng nhiều cách khác nhau. Có người thực hiện những hy sinh từ bỏ lớn lao, như thánh Phaolô tông đồ, như thánh Phanxicô Xaviê. Có người chọn những hy sinh từ bỏ nhỏ bé, âm thầm như thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu. Điều quan trọng không phải là chính việc làm mà là động cơ và lòng yêu mến khi thực hiện những việc làm ấy. Vì thế hy sinh từ bỏ là việc vừa tầm tay và khả năng của tất cả mọi người, không trừ ai.

2. Làm thế nào để chúng ta hiểu và thực hiện được bài học từ bỏ và vác thập giá khó khăn này?

Thật ra sự khôn ngoan loài người không giúp chúng ta được bao nhiêu, khi chúng ta muốn hiểu được ý nghĩa thâm sâu của bài học từ bỏ và vác thập giá. Xu hướng tự nhiên của con người là tích lũy, là thủ đắc, là có thêm. Đàng này là chấp nhận mất mát, là tìm cách cho đi. Sự khôn ngoan loài người không đủ sức thuyết phục chúng ta hành động mà chỉ có sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới giúp chúng ta hiểu và sống bài học từ bỏ và vác thập giá. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa thâm sâu của từ bỏ và vác thập giá là trở nên giống Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hạ tự hủy ra không, tuy Ngài là Thiên Chúa. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và sự điên cuồng để chúng ta dám dấn thân vào con đường mà Đức Giêsu đã đi và mời gọi chúng ta đi theo Người. Chúng ta biết sở dĩ Thiên Chúa không bỏ rơi con người khi tổ tông phạm tội mà lại còn sai Con Một đến thế gian là vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn cứu vớt tất cả mọi người. Con đường cứu độ là nhận biết Thiên Chúa, đón nhận Đức Giêsu làm Cứu Chúa và trở thành môn đệ của Đức Giêsu tức trở nên đồng hình đồng dạng với Người.

Nếu chúng ta dựa vào các sự kiện được kể lại trong Phúc Aâm, thì chúng ta có thể khẳng định như thế này: chúng ta chỉ có thể hiểu và đi vào con đường từ bỏ và vác thập giá một khi chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi, mở tai, mở mắt, mở trí, mở lòng như (hai) anh chàng mù Báctimê ở Giêrikô (Mt 20,29-34; Mc 10, 46-52; Lc 18,35-43).

Vậy thì việc chúng ta phải làm là nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn khôn ngoan của Ngài và để cho ơn khôn ngoan ấy điều khiển, hướng dẫn suy nghĩ hành động của chúng ta. Việc chúng ta cần làm là nài xin Đức Giêsu đụng tay đến tai, mắt, trí óc và trái tim chúng ta và để Người mở tai, mở mắt, mở trí, mở lòng cho chúng ta. Không phải là tai, mắt, trí óc và trái tim thể lý mà là tai, mắt, trí óc và trái tim tâm linh của chúng ta. Có như thế, chúng ta mới nghe và hiểu được Lời của Người. Có như thế chúng ta mới nhìn thấy ý nghĩa thâm sâu, cao đẹp của từ bỏ và vác thập giá. Có như thế chúng ta mới có lòng yêu mến và tìm kiếm các cơ hội bỏ mình, bỏ ý riêng, của cải, thời gian, tài trí mà phục vụ Nước Chúa và anh em.

NGUYỆN

Lạy Cha là Thiên Chúa toàn trí toàn năng, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan của Cha, để chúng con hiểu được một phần nào đường lối của Cha và giáo huấn của Chúa Giêsu, Con Cha. Xin ban cho chúng con sức mạnh của Thánh Thần Cha cho chúng con để chúng con yêu mến và thực thi đường lối và giáo huấn ấy!

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, Chúa đã dậy chúng con bài học của hạt lúa: Hạt lúa không chết đi trong lòng đất thì mãi mãi trơ trọi, không sinh hoa trái gì được. Nhưng nếu hạt lúa chấp nhận thối rữa trong lòng đất thì cây lúa sẽ trổ bông cho mùa gặt chín vàng. Chúng con cảm tạ Chúa về bài học sinh động ấy. Nhưng lạy Chúa Giêsu, bài học lớn nhất mà Chúa dành cho chúng con là chính cách chon lựa, cách sống, cách chết của Chúa. Chúa là Thiên Chúa mà Chúa đã từ bỏ vinh quang, uy quyền của Thiên Chúa để làm người. Chúa là Ngôi Lời của Thiên Chúa mà Chúa đã mặc xác phàm để thành lời của con người, cho con người. Chúng con cảm tạ Chúa về bài học siêu phàm này.

Lạy Chúa Thánh Thần, Ngài là ánh sáng, là sức mạnh của Thiên Chúa. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến trong chúng con, để hướng dẫn và nâng đỡ chúng con trên con đường từ bỏ và vác thập giá theo chân Đức Giêsu Kitô. Amen.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà