CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN

Lc 15, 1-32

 

LÒNG XÓT THƯƠNG VÀ THA THỨ CỦA CHÚA

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu nhân loại không khỏi ngạc nhiên về con người thật lạ lùng của Người. Nhiều ví dụ, nhiều dụ ngôn, nhiều lời nói, nhiều việc làm của Chúa

 

Giêsu gây ấn tượng mạnh mẽ cho con người,  cho loài  người. Mà không bị đánh động, không gây cảm xúc cho con người sao được, khi con người đối diện với Chúa Giêsu, một con người đầy vị tha, đầy nhân từ và hay thương xót. Mặc dầu, xưa trong thời Cựu ước, dân Do Thái được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn làm dân riêng của Ngài, nhưng dân này cứ phản nghịch, cứ bất trung, dẫu rằng họ đã được Ngài làm biết bao sự lạ lùng khi cứu thoát họ ra khỏi đất ai Cập. Nhờ Môsê nhắc lại cho dân Chúa biết:” muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”, Chúa đã nguôi cơn thịnh nộ và đã nguôi cơn giận đúng như bài đọc I đã nói:” Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cứu độ”. Chúa thương cứu con người và tiếp tục yêu thương con người.

 

TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA VƯỢT QUA MỌI SỰ:

Đối với Thiên chúa chỉ có một điều là khiêm nhượng cậy trông, tin tưởng và phó thác. Thiên Chúa yêu thương con người dù con người vong ân, bội nghĩa, phản nghịch lại Ngài. Thiên Chúa vẫn một mực tín trung như một bài hát đã ghi” Chúa vẫn trung thành mãi. Dù thời gian bao phen đổi thảy. Dù nghi nan, bao phen hững hờ. Ngài vẫn mãi trung thành…Vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Thánh Phaolô đã  cho thấy cảm nghịệm của mình: Ngài là người bắt bớ Giáo Hội, làm hại các môn đệ Chúa. Xét cho cùng, Ngài là người bất xứng, tội lỗi, đã nói phạm thượng, xúc phạm đến Chúa. Đoạn thư thánh Phaolô gửi tín hữu Timôthêô 1 Tm 1, 12-17 đã nói lên tình thương vô biên của Chúa, đã nói lên lòng thương xót và trái tim nhân từ, tha thứ của Chúa đối với Phaolô, và đã phục hồi Phaolô, lại còn tín nhiệm trao sứ mệnh cho Phaolô. Điều này, nói lên lòng thương xót, tình thương tha thứ của chúa đối với con người, đối với mỗi người. Bởi vì, mỗi người đều có chỗ đứng trong con tim của Chúa, mỗi người đều là đối tượng của sự tha thứ của Chúa. Tình thương của Chúa là tình thương vô điều kiện, vô biên giới. Chính  thái độ tự do và tình yêu không biên giới của Chúa đã khiến các Kinh sư và nhóm Biệt phái, khó chịu, nóng lòng và xầm xì:” Ông này đón tiếp người tội lỗi và ăn uống với họ”( lc 15, 2 ). Hiểu được sâu xa cõi lòng của những hạng người tự cho mình là công chính, đạo đức và thánh thiện, Chúa Giêsu đưa ra ba dụ ngôn trong đoạn Tin Mừng hôm nay để dậy dỗ và nói lên rốt ráo, trọn vẹn lòng nhân từ thương xót của chúa. Đối với Chúa không có gì có thể ngăn cản lòng nhân từ, sự nhạy cảm của con tim và lòng quảng đại, bao dung của Chúa. Ngài không nhỏ nhen, tính toán, không cân đo, hẹp hòi, vượt xa những tính toán, những suy nghĩ và thái độ nông cạn của con người. Chỉ một con chiên bị lạc đàn, người mục tử sẵn sàng bỏ chín mươi chín con chiên khác ngoài đồng, ngoài ruộng mà nong nả, nhất quyết tìm cho ra một con chiên lạc. Chỉ một đồng bạc bị mất thôi, người đàn bà đã thắp đèn sáng, quét nhà và lục lọi khắp nơi để tìm cho ra bằng được đồng tiền bị đánh mất.Hơn hết mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương, gắn bó và cứu độ con người, bởi vì Ngài không muốn con người bị hư đi. Nên, một người tội lỗi, một người lầm lạc, Thiên Chúa luôn tìm cách đưa họ về. Trong dụ ngôn về người con hoang đàng trở về, nghĩa là người con thứ hồi tâm quay về với cha mình sau khi đã chơi bời trác táng, ăn tiêu  phung phí phần gia tài mà cha anh đã chia cho. Thái độ của người cha quả là kỳ lạ, quả thật quảng đại, bao dung: người cha đã luôn dõi theo đứa con cho tới khi anh ta trở về và nhận sự tha thứ, yêu thương của cha. Tình thương của Ngài quả thực bao la, vô vị lợi, tình thương của người cha là tấm lòng của Thiên Chúa, Ngài luôn kiên nhẫn đợi chờ những người con tội lỗi, lầm lạc biết sám hối ăn năn mau quay trở về về Ngài. Thiên chúa là người cha hiền từ, nhân hậu luôn kiên tâm, chịu đựng từng lời nói bất mãn của người con cả để tỏ lộ cho anh ta đâu là hạnh phúc, đâu là an bình thực sự:” Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì là của cha đều là của con”( Lc 15, 31 ).

 

CON NGƯỜI PHẢI CÓ THÁI ĐỘ NÀO TRƯỚC TÌNH THƯƠNG VÔ BỜ CỦA THIÊN CHÚA:

Chúa luôn yêu thương con người, dù rằng con người có phản nghịch, có lỗi đạo và tỏ ra bất trung với Ngài. Tấm lòng, thái độ của Ngài luôn bao dung, hiền lành. Ngài yêu thương tất cả, không loại trừ một ai. Đối với Ngài, không có người ở ngoài hay người ở trong, không có người Do Thái, hay Hy Lạp. Ngài đến để tìm con chiên lạc, tìm con người đi hoang, sa ngã và tội lỗi. Ngài đến để qui tụ chứ không phân rẽ. Tuy nhiên, con người hay loài người ở mọi thời đại đều biểu hiện cho đứa con thứ, luôn chạy theo những thú vui, những ham danh, những thèm muốn chóng qua, vừa biểu hiện cho đứa con cả, không nhận ra tình thương sâu xa của người cha, mà còn nóng giận, hậm hực, so bì với lòng nhân từ và sự tiếp đón nồng hậu mà người cha dành cho người em của mình khi nó quay trở về với cha như đoạn Tin Mừng Luca 15,1-32 diễn tả. Quả thực, con người là cao quí vì là hình ảnh của Thiên Chúa. Con chiên lạc, đồng bạc đánh mất, đứa con hoang là những tạo vật quí giá. Do đó, Chúa không ngừng yêu thương và mất bao kiên nhẫn để tìm kiếm. Đối với Chúa, từng giọt mồ hôi, từng khổ nhọc và đặc biệt là cái chết trên thập giá của Ngài nói lên tình thương vô biên của Chúa. Ngài đã nói:” khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất. Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta”.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con tấm lòng bao dung tha thứ, cảm thông với mọi người vì Chúa không ngừng tha thứ cho chúng con.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

Bạn thích thái độ nào: người con thứ hay người con cả ?

Bạn hiểu sao về tấm lòng của người cha ?

Câu chuyện người con hoang đàng hôm nay nói gì cho bạn ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà