Chúa Nhật 29 Quanh Năm, 2001

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê 3:14-4:2

        Bài đọc Chúa Nhật trước nói đến bổn phận rao giảng Tin Mừng, những gian khổ phải chịu và phần thưởng được lãnh nhận do việc rao giảng ấy. Cũng nằm trong cùng một hướng đi của chủ đề rao giảng Tin Mừng, qua những lời thánh Phao-lô nhắn nhủ Ti-mô-thê, người rao giảng Tin Mừng sẽ nhận ra được tầm quan trọng của Sách Thánh, tức Lời Chúa được ghi chép bằng ngôn ngữ loài người, đối với việc phát triển đời sống thiêng liêng và hồn tông đồ như thế nào.

        Học Sách Thánh là công việc hết sức quan trọng đối với người Do-thái. Nó giống như "trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác Người sẽ thêm cho" (Mt 6:33). Ngay từ tuổi thơ ấu, đứa trẻ Do-thái đã làm quen với Sách Thánh rồi. Đối với Ti-mô-thê, bà ngoại và thân mẫu dùng Sách Thánh để dạy dỗ cậu từ tấm bé và giúp cho cậu "nên người khôn ngoan." Nay lại thêm một thầy dạy nữa là Phao-lô giúp Ti-mô-thê đi từ căn bản đạo đức được xây dựng nhờ Kinh Thánh Cựu Ước để tiến tới mức độ đầy tràn "lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su" của Tân Ước. Vì Đức Ki-tô là sự thể hiện đầy đủ Kinh Thánh Cựu Ước (Lề Luật và Ngôn Sứ), nên việc chúng ta học Sách Thánh và sống Lời Chúa cũng phải đạt tới cùng đích là Đức Ki-tô. Ti-mô-thê là một thí dụ cụ thể cho việc học hỏi và sống Lời Chúa.

        Sau khi nhắc nhở Ti-mô-thê cứ tiếp tục nắm vững những điều ông đã được hấp thụ từ Sách Thánh, Phao-lô cho chúng ta một định nghĩa ngắn gọn về Sách Thánh:

        "Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính" (c. 16).

        Có lẽ đây là một định nghĩa rõ ràng nhất về Sách Thánh trong toàn bộ Kinh Thánh. Sách Thánh phải là những sách ghi lại những gì được Thiên Chúa linh hứng. Mục đích của Sách Thánh là làm chất liệu cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục chúng ta, nhờ đó chúng ta được thay đổi nên mỗi ngày một tốt hơn. Nếu Sách Thánh là phương tiện để giúp cho mọi người "nên công chính" thì Sách Thánh lại càng quan trọng đối với "người của Thiên Chúa," tức những người có sứ vụ đặc biệt phải công bố và rao giảng Lời Chúa. Sách Thánh là phương tiện giúp cho người rao giảng Tin Mừng trở nên "thập toàn" và là hành trang để họ ra đi thi hành sứ vụ.

        Sau khi đã chuẩn bị tinh thần cho Ti-mô-thê, giờ đây thánh Phao-lô mới nghiêm trọng trao trách vụ cho ông. Tính cách nghiêm trọng ấy được nói lên qua việc thánh Phao-lô muốn việc trao trách vụ này là việc được thực hiện "trước mặt Thiên Chúa và trước mặt Đức Ki-tô Giê-su." Vậy trách vụ ấy là:

        "Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện;

        Hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ."

        Trao trách vụ trên cho Ti-mô-thê là mục đích tối hậu của Thư 2 Ti-mô-thê. Phao-lô đang bị cầm tù và hết sức lo lắng cho tương lai của Giáo Hội. Nhận thấy mối nguy hiểm do những thầy dạy giả dối và thời thế bất lợi cho việc rao giảng Tin Mừng (cc. 3-4), Phao-lô long trọng trao trách vụ cho Ti-mô-thê phải tuyệt đối trung thành với những gì đã được "truyền lại" do bà ngoại, mẹ và do chính Phao-lô, để Ti-mô-thê "truyền lại" cho thế hệ kế tiếp. Ở đây lời nhắn nhủ của Phao-lô cũng giúp chúng ta hiểu vai trò quan trọng của Thánh Truyền nữa, tức là lời Chúa và những chân lý được bảo tồn và truyền lại từ khởi đầu Giáo Hội tới những thế hệ kế tiếp.

        Lời Chúa không phải là những dòng chữ nằm chết trong những bộ sách bằng da thời xưa hoặc in ấn thật đẹp do kỹ thuật hôm nay. Nhiều người đọc Sách Thánh trong nhà thờ, sau khi đọc xong đã nâng sách lên cao rồi xướng "Đó là lời Chúa". Cử chỉ này có thể làm giáo dân hiểu lầm cuốn sách là lời Chúa, nên Phụng vụ không khuyến khích chúng ta làm như vậy. Lời Chúa đã được truyền lại qua Phụng vụ, rao giảng và dạy dỗ của Giáo Hội để làm nên Thánh Truyền thế nào, thì cũng thế, lời Chúa được chúng ta đón nghe, học hỏi, cầu nguyện và sống sẽ trở nên sống động và làm cho Thánh Truyền càng thêm phong phú. Lời Chúa là thanh gươm hai lưỡi sắc bén (Kh 2:12). Nhưng nếu gươm cứ để trong bao gươm mà không đem sử dụng thì chẳng cắt chẳng đâm được gì cả!

        Tuy những nhắc nhở và trao trách vụ là những gì thánh Phao-lô muốn gửi tới Ti-mô-thê và những người có bổn phận chăn dắt đoàn chiên, nhưng đó cũng là những điều gián tiếp nhắn nhủ mọi người chúng ta nữa. Các ngài có bổn phận rao giảng, còn chúng ta có bổn phận lắng nghe và thực hành.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Tôi đã ý thức thế nào về tầm quan trọng của Lời Chúa đối với đời sống của mình? Trong việc cầu nguyện? Trong tiến trình biến đổi con người mình? Lời Chúa có thực sự là "thanh gươm hai lưỡi"để một đàng giúp tôi thấy Thiên Chúa và đàng khác giúp tôi nhận ra con người tôi không?

        Chia sẻ với nhóm đâu là "lúc thuận tiện" và "lúc không thuận tiện" mà tôi đã rao giảng lời Chúa hoặc đã không dám rao giảng lời Chúa.

        Tôi đã làm gì để "truyền lại" lời Chúa cho người khác? Trong gia đình? Ngoài xã hội?

        Tôi có làm theo những gì lời Chúa "biện bác (= giúp tôi xác tín), ngăm đe và khuyên nhủ" tôi không? Cho một vài thí dụ cụ thể.

        Chia sẻ một vài lợi ích của những buổi học hỏi, chia sẻ và cầu nguyện lời Chúa.

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Lắng nghe tiếng Chúa" (Ca nguyện Linh Thao, trang 171).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà