CHÚA NHẬT THỨ 30 THƯỜNG NIÊN

(24-10-2004)

Sự công chính theo cách đánh giá của Đức Giêsu

ĐỌC LỜI CHÚA

· Hc 35,12-14.16-18: (12) Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. (13) Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.

· 2 Tm 4,6-8.16-18: (8) Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.

 

· TIN MỪNG: Lc 18,9-14

Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế

 (9) Đức Giêsu còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: (10) «Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. (11) Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. (12) Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. (13) Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. (14) Tôi nói cho các ông biết, người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý

1. Bạn có ngạc nhiên về cách đánh giá của Đức Giêsu về hai người trong bài Tin Mừng trên không? Nếu là bạn, bạn đã đánh giá hai người ấy thế nào?

2. Bạn rút ra bài học gì về quan điểm của Đức Giêsu về sự thánh thiện? Bạn phải thay đổi cách đánh giá của bạn theo Đức Giêsu hay theo người đời?

3. Theo Đức Giêsu, sự công chính hệ tại điều gì? tại sự vô tội? tại những việc đạo đức mình làm được? tại việc giữ luật nhiệm nhặt? hay tại tình yêu? tại lòng khiêm nhượng? tại sự hối cải?

Suy tư gợi ý

1. Cách đánh giá của Đức Giêsu thật đáng ngạc nhiên

Đọc đoạn Tin Mừng trên, chúng ta không khỏi ngạc nhiên và kinh sợ. Ngạc nhiên vì kết luận rất bất ngờ của Đức Giêsu so với cách suy nghĩ đánh giá của chúng ta. Kinh sợ vì thấy chính mình nhiều khi cũng hành xử y hệt người Pharisêu ấy. Người Pharisêu trong đoạn Tin Mừng tự hào về những việc mình làm, điều đó không phải là không có lý do chính đáng. Chắc hẳn ông ta đã thật sự làm được những điều mà ông ta kể ra với Thiên Chúa. Bài Tin Mừng viết, «Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng…». Từ «nguyện thầm» cho ta thấy những việc tốt lành đạo đức ông kể ra là chỉ để cho Chúa nghe, chứ không phải để khoe khoang với mọi người. Cho nên những việc ấy là có thật. Chẳng những ông tuân giữ luật Môsê cũng là luật Chúa một cách nhiệm nhặt, mà còn làm tốt hơn những gì luật ấy buộc nữa. Chẳng hạn luật Môsê chỉ buộc kiêng ăn mỗi năm một lần vào ngày lễ tạ tội, tức ngày 10 tháng 7 của lịch Do Thái (x. Lv 16,29), thế mà ông đã ăn chay mỗi tuần hai lần. Nghĩa là nhiều hơn gấp 104 (=52 x 2) lần luật buộc! Chính những việc làm xem ra tốt lành ấy đã khiến ông tự hào mình đạo đức, khiến ông rơi vào tình trạng mà sách Cách Ngôn nói: «Có hạng người cứ cho mình là trong sạch, dù chưa được gột rửa khỏi vết nhơ» (Cn 30,12).

Nhưng rõ ràng theo quan điểm Đức Giêsu thì ông không phải là người công chính trước mặt Thiên Chúa. Điều đó hẳn phải làm ta ngạc nhiên. Nhưng ta còn ngạc nhiên hơn nữa khi Đức Giêsu lại coi người thu thuế tội lỗi kia – là người công chính sau khi ông cầu nguyện cách khiêm cung như thế. Mặc dù người thu thuế chắc chắn đã phạm nhiều tội hơn người Pharisêu kia. Quả thật, cách suy nghĩ, đánh giá của Đức Giêsu ngược hẳn với cách thường tình của chúng ta, kể cả những Kitô hữu “cao cấp”. Nhưng là người Kitô hữu, chúng ta phải học cách suy nghĩ và đánh giá của Đức Giêsu, chứ không phải tiếp tục cố chấp với cách suy nghĩ của mình.

Thiên Chúa cũng sẽ xét xử chúng ta dựa trên cách suy nghĩ và đánh giá của Đức Giêsu chứ không theo cách của chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, sẽ có một sự đảo lộn không ngờ so với những suy nghĩ hay dự đoán của con người, vì có «những điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa» (Lc 16,15). Vì thế, ngày ấy có thể xảy ra: «Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót» (Mt 20,16; Mc 10,31; Lc 13,30); «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12); «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác» (Mt 7,22-23).

2. Sự công chính theo quan điểm của Đức Giêsu

Rõ ràng Đức Giêsu không phán đoán theo kiểu con người, kể cả những Kitô hữu “cao cấp”. Sự công chính không chính yếu hệ tại những việc đạo đức, những lễ nghi tôn giáo mà ta làm được, cho dù nhiều tới đâu. Lời của thánh Phaolô soi sáng cho ta phần nào: «Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,2-3). Như vậy, tất cả những việc tốt lành mà ta làm được, dù nhiều đến đâu, nếu không phát xuất từ tình yêu đích thực, thì trước mặt Thiên Chúa, vẫn chỉ là một con số không to tướng.

Những việc làm tốt đẹp ấy nếu thật sự phát xuất từ tình yêu, thì ta sẽ không bao giờ kể ra để được mọi người khen ngợi, kể cả việc kể ra với Thiên Chúa. Khi kể ra để được khen ngợi, thì việc kể ra đó chứng tỏ ta làm những việc ấy không phải do tình yêu, mà do ý muốn được khen ngợi là đạo đức, là có tình yêu, là giỏi giang, là tuyệt hảo. Và như thế thì ta «đã được phần thưởng rồi» (Mt 5,2.5), nên Thiên Chúa không còn phải thưởng cho ta nữa.

Nếu ta kể công với Thiên Chúa, thì hóa ra ta làm những việc ấy chỉ để Ngài trả công như thể ta là người làm công. Họ làm việc để được trả lương hơn là làm vì tình yêu, khác với con cái trong nhà làm vì yêu thương cha mẹ chứ không để được cha mẹ trả công. Trường hợp này, Thiên Chúa, Đấng vô cùng công bằng, luôn trả công cho ta xứng đáng bằng một phần thưởng nào đó có thể ngay ở đời này; nhưng Ngài không thể kể ta là người công chính đáng được hưởng thứ phần thưởng vốn chỉ dành cho những người có tình yêu đích thực. Cũng như ông chủ có thể trả lương sòng phẳng cho những người làm công, nhưng không bao giờ chia gia tài cho họ, mà chỉ chia gia tài cho con cái, cho dẫu con cái làm được ít việc cho ông hơn người làm công. Cũng vậy, trước con mắt Thiên Chúa, giá trị của một công việc dù nhỏ bé nhưng được làm vì tình yêu thì vẫn vô cùng lớn hơn giá trị của một công việc dù to tát nhưng lại làm vì một động lực khác.

3. Trường hợp hai người cầu nguyện trong dụ ngôn

Trong dụ ngôn của bài Tin Mừng trên, người Pharisêu tưởng rằng ông có thể cậy vào việc giữ lề luật và những việc đạo đức của mình để tự hào là công chính trước mặt Thiên Chúa. Nhưng thánh Phaolô cho biết, «Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy» (Rm 3,20; Gl 2,16); «Dân Ítraen tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó.  Tại sao thế? Vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm» (Rm 9,31-32). Sự công chính không đến từ việc làm hay việc tuân giữ lề luật, mà đến từ việc tin vào ân sủng của Thiên Chúa và sống phù hợp với niềm tin ấy.

Do đó, càng cậy vào việc giữ luật và những việc mình làm để tự hào về sự công chính của mình thì càng trở nên bất chính trước mặt Thiên Chúa. Vì «Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường» (Gc 4,6; Pl 5,5). Do đó, ta đừng bao giờ tự hào về sự thánh thiện hay những việc làm tốt đẹp của mình. Thánh Phaolô viết: «Người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin sẽ làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính» (Rm 4,5). Trước khi sa ngã, chắc chắn thiên thần Lucifer còn thánh thiện hơn ta bây giờ rất nhiều. Nhưng ‘ông’ đã trở nên xấu xa tội lỗi vì tính kiêu ngạo và niềm tự hào về sự thánh thiện của ‘ông’. Do đó, kiêu ngạo là đầu mối mọi tội lỗi, nó xấu xa và tác hại hơn bất kỳ tội ác nào.

Còn người thu thuế, tuy rằng ông tội lỗi thật, ông đã từng phạm nhiều tội ác, nhưng ông đã hối hận và thành thật nhận chân tình trạng tội lỗi của mình. Qua sự đánh giá của Đức Giêsu, ta thấy đối với Thiên Chúa, tuy tội lỗi làm mất lòng Thiên Chúa nặng nề, nhưng tình yêu được thể hiện bằng tâm hồn khiêm nhượng lại làm đẹp lòng Ngài nhiều hơn. Thật vậy, thánh Phêrô nói: «Lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi» (1Pr 4,8; x. Tb 12,9). Kẻ thánh thiện nhất trên đời cũng vẫn có tội, vì trước mặt Thiên Chúa, «không ai là người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10). Vấn đề không phải là mình tội lỗi nhiều hay ít, mà là mình có được Thiên Chúa tha thứ hay không: «Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!» (Rm 4,7-8). Chính tình yêu và lòng khiêm nhường thống hối khiến Chúa tha thứ tất cả và «không kể là có tội». Do đó, một người vô cùng tội lỗi nhưng một khi đã thật lòng thống hối, thì trước mặt Thiên Chúa, người ấy công chính hơn một người ít phạm tội, làm được nhiều việc phúc đức, nhưng lúc nào cũng tự hào về sự vô tội hay đạo đức của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta biết điều ấy. Đó là tin vui cho những người tội lỗi, vì họ chỉ cần thật lòng thống hối là được nên công chính; nhưng lại là tin buồn cho những người kiêu ngạo, thích tự hào về sự đạo đức hay thánh thiện của mình.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, có thể nói: trước mặt Cha, tính ích kỷ và kiêu ngạo của một người che lấp tất cả mọi sự tốt đẹp của người ấy, khiến người ấy trở thành bất chính. Và tình yêu thương và lòng khiêm nhượng của một người co thể che lấp được những tội lỗi xấu xa của người ấy. Vậy, xin Cha giúp con biết sống yêu thương, khiêm nhượng và trừ tuyệt tính ích kỷ và kiêu ngạo trong con.

Joan Nguyễn chính Kết

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà