CHÚA NHẬT 32 QUANH NĂM

(Lu-ca 20:27-38)

         

           Chương 20 sách Tin Mừng Lu-ca kể lại sinh hoạt của Chúa Giê-su tại Giê-ru-sa-lem.  Ngoài việc giảng dạy Tin Mừng, có lẽ sinh hoạt bận rộn nhất của Người là đối phó với kẻ thù.  Lên Giê-ru-sa-lem là đi vào đất địch, vào đường thập giá và chỗ chết để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.  Ở đấy kẻ thù của Chúa Giê-su vây quanh Người, luôn “rình rập, dò la” để tìm cách làm cho Người bẽ mặt hoặc ám hại Người.  Các thượng tế, kinh sư và Pha-ri-sêu hạch hỏi và tìm cách nộp Người cho chính quyền.  Nhóm Xa-đốc thì muốn biến Chúa Giê-su thành trò cười cho thiên hạ.  Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng có thể lợi dụng để trình bày hoặc làm sáng tỏ một chân lý hữu ích cho cuộc sống của ta, thí dụ:  Của Xê-da, trả về Xê-da;  của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa.  Hoặc trong câu truyện Tin Mừng hôm nay:  Đức Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.

 

a)  Ý nghĩa cuộc sống con người

 

          Sau thất bại của nhóm Pha-ri-sêu gài bẫy Chúa về vấn đề có nên nộp thuế cho vua Xê-da hay không, giờ đến lượt nhóm Xa-đốc thử thách Người.  Họ không giả hình giả bộ như đám Pha-ri-sêu, nhưng dụng ý sắp đặt một câu truyện để bác bỏ sự sống lại và đưa Chúa Giê-su vào hoàn cảnh không thể có câu trả lời.  Họ đưa ra một trường hợp:  một người đàn bà lần lượt kết hôn với bảy anh em, từ người anh cả trở xuống, vì theo luật nếu người anh chết mà chưa có con thì người em kế cận phải tiếp nối hôn nhân ấy.  Chẳng người nào có con cái và tất cả đều chết.  “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai?”  Chẳng lẽ bà ấy lại là vợ của cả bảy anh em sau khi sống lại!  Nói khác đi, đám Xa-đốc muốn đi từ sự kiện không thể có và nực cười ấy để đi tới kết luận rằng:  Bà ấy chẳng là vợ của người nào cả, vì chết là hết, và như thế không thể có sự sống lại.

          Nhưng thật là ngạc nhiên vì Chúa Giê-su đã bẻ gãy cạm bẫy của họ và còn nhân đấy dạy họ một chân lý.  Họ sử dụng luận lý của Kinh Thánh, trưng dẫn luật Mô-sê.  Đối lại, Chúa Giê-su cũng sử dụng luận lý của Kinh Thánh, dùng lời lẽ của ông Mô-sê gọi “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp” làm bằng cớ.  Ta có thể hiểu lý luận của Chúa Giê-su như sau:  Các ông Xa-đốc nhận mình là con cháu của các tổ phụ và nhìn nhận điều ông Mô-sê gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ.  Vậy nếu các ông bảo chết là hết thì các tổ phụ sẽ chẳng còn là gì nữa và như vậy không thể gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ như ông Mô-sê đã gọi.  Cho nên phải kết luận là các tổ phụ vẫn đang sống trước mặt Thiên Chúa, mặc dù thân xác họ đang chờ đợi ngày sống lại, vì có như vậy thì ông Mô-sê mới gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ.  Chúa Giê-su còn giải thích thêm:  “Vì đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.”  Sống và chết, hiện tại và quá khứ là của ta.  Nhưng đối với Chúa, Đấng vượt ra ngoài thời gian và không gian, tất cả đều hiện diện trước mặt Người.

          Sự sống của ta đến từ Thiên Chúa.  Sách Sáng Thế đã ghi lại một hình ảnh đẹp về nguồn gốc sự sống của ta.  “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7).  Người ban sự sống cho ta, vì chính Người là sự sống.  “Ta là Đấng Hiện Hữu”, danh của Thiên Chúa nói lên lý do tồn tại của các tổ phụ và của mọi người, nói khác đi, sự sống của ta là do sự hiện hữu vĩnh cửu của Thiên Chúa mà có, để ta có mặt ở thế giới này và sẽ được ở bên Chúa muôn đời.  Đó là ý nghĩa sự sống của ta.  Còn nếu ta không được ở bên Chúa đời đời thì sự sống của ta không còn ý nghĩa nữa.

 

b)  “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10)

 

          Cuộc sống trần gian của ta trở nên chật vật và phải luôn phấn đấu, vì đó là hậu quả của tội nguyên tổ.  Nhưng Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu, không bỏ rơi ta trong tình trạng khốn khổ ấy.  Qua Chúa Giê-su, Người đến cứu giúp ta.  Như Đức Chúa chăn dắt đàn chiên Ít-ra-en, Chúa Giê-su nhân lành cũng chăm sóc ta như vị Mục tử chăm sóc đàn chiên mình.  Người nuôi dưỡng ta bằng Lời Tin Mừng của Người.  Người còn bổ dưỡng ta bằng chính Thân Thể bí tích của Người là Thánh Thể.  Người dùng các Bí tích để giúp cho ta được mạnh mẽ trong mọi lãnh vực:  sống làm con cái Chúa, sống ơn gọi của mình và được chữa lành mỗi khi đau yếu thiêng liêng và cả thể xác nữa.  Người đến để bảo đảm sự sống đời đời cho ta.  Nếu ta luôn nhận ra tiếng của Người và theo Người, Người sẽ dẫn ta đến sự sống đời đời (Ga 10:27).

 

c)  “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11:25)

 

          Sau bài giảng về Mục tử nhân lành, Chúa Giê-su tuyên bố:  “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:30).  Như thế có nghĩa là sự sống của ta là do Chúa Giê-su mà có.  Thánh Phao-lô cũng từng khẳng định điều này.  “Trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Cl 1:16).  Ở nơi khác, thánh Phao-lô còn nói thẳng:  “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21).

          Điều có thể làm ta ngạc nhiên là khi nói với bà Mác-ta, Chúa Giê-su nói:  Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, chứ Người không nói:  Chính Thầy là sự sống và sự sống lại.  Ta suy nghĩ bình thường theo biến chuyển thời gian:  sống, rồi chết, rồi sống lại và sau cùng là được sống đời đời.  Đối với cuộc sống trần gian, Chúa Giê-su mời gọi ta:  “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).  Nhưng cái nhìn của Chúa Giê-su ở đây là nhìn về sự sống vĩnh cửu.  Người mời gọi ta hãy chết đi cho con người tội lỗi của mình để sống cuộc sống lại trong ân sủng, cuộc sống mới của Người và sẽ được sự sống đời đời.

          Khi đặt lại vấn đề ý nghĩa sự sống qua lời khẳng định “Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống”, quả thực Chúa Giê-su đã đặt trước mặt ta một thách đố:  Nếu ta muốn Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của ta, thì ta phải là những kẻ sống.  Muốn được gọi là con cái Chúa, ta phải giữ sao cho mối quan hệ Cha-con luôn sống động, đừng để cho tội lỗi cắt đứt mối quan hệ ấy.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Tôi có thường cám ơn Chúa về sự hiện diện của mình ở trần gian này không?  Làm sao để tôi có thói quen năng cám ơn Chúa về hồng ân sự sống?

          Thánh I-nha-xi-ô Loyola diễn tả ý nghĩa cuộc sống qua điều ngài gọi là Nguyên lý và Nền tảng:  “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.  Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ.”  Vậy có khi nào tôi suy nghĩ và xác tín về mục đích của đời sống con người trên trần gian như thế không?  Suy nghĩ này sẽ giúp tôi sắp đặt lại cuộc sống thế nào cho đúng với mục đích?

          Thánh Phao-lô phát biểu:  Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.  Lời này có ý nghĩa gì với cá nhân tôi?

          Mỗi ngày, trong giờ xét mình ban tối, tôi hãy trả lời câu hỏi:  Đối với tôi hôm nay, Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ chết hay Thiên Chúa của kẻ sống?

 

Cầu nguyện:

 

          “Lạy Chúa Giê-su,

          khi ra thăm nghĩa địa,

          khi vào viếng phòng hài cốt,

          con hiểu rằng mình phải có lòng tin lớn lao

          mới dám nghĩ một ngày nào đó

          những thân xác hư hoại này sẽ sống lại.

          Con người trở về bụi tro,

          nhưng bụi tro sẽ trở lại làm người,

          vì con người sinh ra là để bất tử như Thiên Chúa.

          Lạy Chúa Giê-su,

          trần gian này quá đẹp

          khiến con mải mê, quên mình là lữ khách;

          thiên đàng lại xa xôi, chẳng có chỗ trong con.

          Con loay hoay vun quén cho đời sống cá nhân,

          như thể con sẽ sống mãi trên mặt đất.

          Xin khơi dậy nơi con niềm khát khao những điều cao cả.

          Xin đừng để con mãn nguyện với những cái tầm thường.

          Ước gì Chúa cho con nếm chút vị ngọt của trời cao,

          khi con quên mình để sống cho anh em trên mặt đất.”

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 47)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà