CHÚA NHẬT 34 TN - 2001
LỄ CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ

          "Người cũng là đầu một thân thể, thân thể đây, chính là Hội Thánh. Người khởi điểm cho đời sống mới phát sinh...". Những lời của Thánh Phaolô trên đây thường không được đón nhận trong cụ thể một cách toàn vẹn. Người ta đã chia cắt lời ấy thành những mảnh vụn để thích ứng và biện minh cho một lối sống, một cách hành xử.

          Đã có thời người ta chỉ dừng lại trong chữ "đầu" để biện minh cho một cơ chế quyền bính. Cũng có thời chữ "thân thể" được nhấn mạnh và triển khai để gióng lên những đòi hỏi dân chủ hóa. Và trong cái thực tế xã hội hôm nay: ở những thể chế chính trị khác nhau người ta thường vận dụng rất khác nhau nhiều khi đến mâu thuẫn những cách đọc và hiểu lời Thánh Kinh này.

          Trong bối cảnh của ngày lễ hôm nay, và đứng trước những vấn đề của thời đại trong đó tôi không loại trừ những thách thức và chống đối trên những bình diện đa dạng và phức tạp nhằm vào các Giáo Hội địa phương, tôi muốn để tâm hồn mình lần theo "khởi điểm" của Người mà thánh Phaolô đã nói trên kia, và đi đến tận đồi Can vê để chiêm ngắm tấm bảng trên đầu Người mà thánh Luca ghi lại trong Tin Mừng:"Người này là vua dân Do Thái".

          "Khởi diểm cho đời sống mới", trong điều kiện tôi có thể nắm bắt, đã hình thành trong lòng dạ một người nữ Nazareth, một thân phận nô lệ trong một quốc gia bị nô thuộc, một thân phận nhỏ bé và khiêm hạ. Nếu không nói tới ngay từ lúc sinh ra đời, đã hình thành cạnh nôi hèn của mình, những liên đới thật an bìnhyêu thương với mọi người dù là những mục đồng, hay những kẻ quyền quý, với một sự trân trọng lạ thường, nếu cần thì trốn tránh và ẩn dấu mình trong cõi thinh lặng của quên lãng. 30/33 năm cuộc đời là thế, không phải không có một ý nghĩa tuyệt đối soi chiếu cái "khởi điểm" lạ lùng này. Chỉ cần nói tới suốt thời gian công khai cuộc sống từ giòng sông Giorđanô đến Núi Sọ, cuộc đời ấy có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống đồng bào mình, nhưng đặc biệt dường như lại đan kết thành một hành trình không ngừng nghỉ. Tuy cũng có những lúc dừng chân nơi Đền Thánh rực rỡ, hoặc trong những bữa tiệc của lớp lãnh đạo, nhưng phần lớn là ở giữa những đám đông đói khát cả tinh thần lẫn vật chất, và rất nhiều lần đã gặp gỡ và tiếp đón những con người bạc phận, tội lỗi... Điều mà chúng ta phải đặc biệt nói tới như là một hình ảnh xuyên suốt hành trình : mọi người không ai có thể kết án Ngài về một tội nào; và chính điều ấy đánh thức lòng tin của mọi người vào cuộc sống mới có thật, cuộc sống trong ân sủng của Thiên Chúa, cuộc sống chỉ có Yêu Thương và Tha Thứ, cuộc sống của chính Thiên Chúa. Và như chính Ngài đã bộc lộ, hành trình tại thế của Ngài là Hành Trình của Thiên Chúa đến gặp gỡ và yêu thương nhân loại, thậm chí "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Và đấy là sự thật sâu xa nhất của chính con người.

          Nhìn "khởi điểm cho đời sống mới" như thế, mới hiểu được quả thật chỉ có Ngài là Thầy, là Chúa, là Vua. Nhân loại này, không ai có thể loại trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống, dù là cuộc sống bản thân mình. Người ta chỉ có thể diệt trừ tội lỗi khi chấp nhận để chính Ngài sống trong cuộc sống của họ, để Thánh Thần Ngài thấm nhuần, thánh hóa và thánh hiến họ. Đấy là mục đích của "khởi điểm". Và quả thật, các kẻ tin vào Ngài có một ưu tư duy nhất là nên một với Ngài. Giáo Hội kể từ Nhà Tiệc Ly khi đã nhận lãnh Thánh Thần đã bung ra tận cùng bờ cõi trái đất tiếp tục hành trình thiết lập Vương Quyền của Đức Kitô để loại trừ tội lỗi ra khỏi anh chị em mình bằng Tình Yêu và Tha Thứ của Quyền Năng Thánh Thần. Giáo Hội phải hiện diện một cách an bình và phục vụ như chính Đức Kitô ngay cả trong những tình huống xấu xa nhất : tình huống của thân phận một nô lệ trong một không gian bị nô thuộc.

          Cũng đã có những con người trong và ngoài Giáo Hội đã đánh mất căn tính của ơn gọi và sứ mạng ấy dưới những lớp vỏ muôn màu sắc của nhân sinh, nhưng Giáo Hội đã được củng cố nhờ những con cái Thánh Thiện của mình trong mỗi thời đại, những người con nhiệt tình và trở lại với "Khởi điểm cho sự sống mới" này. Nhìn vào thế giới hôm nay, với việc tôn phong rất nhiều các Vị Thánh, khẳng định Vương Quyền của Đức Kitô vẫn là niềm hy vọng duy nhất cho mọi xung đột và bất ổn của nhân loại.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà