Chúa Nhật thứ 4 Thường Niên

(1-2-2004)

ĐỌC LỜI CHÚA

·    Gr 1,4-5.17-19: (17) Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng. Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi. Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.

·    1 Cr 12,31–13,13: (31) Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. (13) Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.

 

·    TIN MỪNG: Lc 4,21-30

Người ngôn sứ bị từ chối tại chính quê hương mình

(21) Người bắt đầu nói với họ: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe». (22) Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Họ bảo nhau: «Ơng này không phải là con ông Giuse đó sao?» (23) Người nói với họ: «Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!» (24) Người nói tiếp: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

 (25) «Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ítraen; (26) thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta miền Xiđôn. (27) Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ítraen, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi».

(28) Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. (29) Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành, thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi,

 

CHIA SẺ

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Tại sao Đức Giêsu lại bị từ chối tại chính làng của mình? tại chính đất nước Do Thái? còn dân ngoại thì lại đón nhận Ngài để cuối cùng trở nên Dân Ngài? Liệu lịch sử có thể tái diễn tương tự như thế đối với Kitô giáo không?

2. Đức Giêsu có muốn dành ưu tiên cho quê hương hay dân tộc mình không? Ngài có thành công trong việc dành ưu tiên ấy cho quê hương hay dân tộc mình không? Tại sao?

3.  Điều đã xảy ra với Do Thái có thể xảy ra tương tự với Kitô giáo không? Chúng ta phải làm gì để tránh vết xe đã đổ?

 

Suy tư gợi ý:

1. Các ngôn sứ thường bị từ chối tại chính quê hương mình

Đoạn Tin Mừng hôm nay và những đoạn khác tương tự trong các sách Tin Mừng khác cho thấy: những người cùng quê cùng làng với Đức Giêsu có vẻ coi thường Ngài và không tin ở Ngài cho lắm. Vì đối với họ, Đức Giêsu chỉ là con của một bác thợ mộc nghèo hèn, và của một phụ nữ không danh giá gì trong làng. Nếu chúng ta ở vào địa vị của dân chúng làng Nadarét, chưa chắc chúng ta đã suy nghĩ và đánh giá về Ngài khác hơn họ. Và nếu có một ngôn sứ nào xuất hiện ở thời đại này, tại thành phố hay tỉnh ta đang sống, chưa chắc ta đã nhận ra và đánh giá vị ấy một cách đúng đắn.

Thông thường, người ta thường đánh giá một người tùy theo những gì thấy được ở bên ngoài, chứ không thấy được giá trị thâm sâu ở bên trong. Và càng là người thân quen với vị ngôn sứ, thì càng khó đánh giá đúng đắn vị ngôn sứ ấy, vì các ngôn sứ thường mặc lấy những dáng vẻ bên ngoài rất bình thường, và cũng thường có quan niệm rất khác với người đương thời. Chính vì thế, các ngôn sứ ít được người đồng thời và đồng hương biết được giá trị con người mình, thậm chí còn bị coi thường, khi rẻ, kết án. Vì thế, Đức Giêsu nói: «Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình».

2.  Các ngôn sứ có muốn ưu đãi quê hương mình cũng không được

Vì thường bị người đồng thời, đồng hương hay đồng đạo coi thường và không tin, nên các ngôn sứ thường không thể hoạt động hữu hiệu hay có kết quả tốt đẹp tại quê hương hay thời đại mình. Chẳng hạn Đức Giêsu không thể làm được nhiều phép lạ tại Nadarét, vì họ cứng lòng tin (x. Mt 13,58); đồng bào và đồng đạo của Ngài chẳng những không tin Ngài mà còn tìm cách giết Ngài nữa. Thái độ của những người đồng hương, đồng đạo hoặc đồng thời với Ngài như thế, khiến họ không được lợi lộc gì vì được làm người đồng hương, đồng đạo hay đồng thời với vị ngôn sứ cả.

Đức Giêsu đã kể ra những trường hợp cụ thể minh chứng điều ấy, chẳng hạn trường hợp của hai ngôn sứ Êlia và Êlisa. Thời Êlia, khi Israel bị đói, ông chẳng giúp một bà góa khốn khổ nào trong nước cả, mà lại giúp một bà góa ở tận đâu đâu, vì bà này tỏ ra yêu quí, tin tưởng và trọng vọng ông một cách đặc biệt. Thời Êlisa, biết bao người Israel bị phong hủi thì ông chẳng chữa cho ai, mà lại chữa cho một người từ ngoại quốc đến.

3.  Thực tế ấy đã xảy ra trên nhiều bình diện khác nhau

Do tình cảm tự nhiên, ngôn sứ nào cũng đều muốn dành ưu tiên quyền lợi cho quê hương mình, nhưng nhiều khi vì thái độ khinh thường và cố chấp của người đồng hương, nên quê hương của các vị không hưởng được cái quyền ưu tiên mà các vị muốn đặc biệt dành cho. Để rồi cuối cùng sự ưu đãi đó lại được dành cho những người hay dân tộc xa lạ ở đâu đâu nhưng lại xứng đáng với sự ưu đãi đó hơn.

Thật vậy, Đức Giêsu luôn luôn muốn dành ơn cứu độ ưu tiên cho người Do Thái (x. Ga 4,22; Mt 10,6; 15,24). Nhưng Người Do Thái lại từ chối sự ưu tiên đó, nên ơn cứu độ lại được đem đến cho các dân tộc khác. Nhiều dụ ngôn của Đức Giêsu nói lên thực trạng đó. Chẳng hạn dụ ngôn những tá điền sát nhân (x. Mt 21,33-46; Mc 12,1-12; Lc 20,9-19), dụ ngôn tiệc cưới (x. Mt 22,1-14; Lc 14,15-24).

Bài Tin Mừng lễ Hiển Linh cho thấy các kinh sư Do Thái – đại diện cho dân tộc được Thiên Chúa ưu tiên dành cho mọi quyền lợi thiêng liêng – mặc dù có Kinh Thánh trong tay và biết được chính xác Đức Giêsu sinh ra ở đâu, nhưng họ lại không thèm tìm đến Ngài, mà lại còn muốn làm hại Ngài. Còn các đạo sĩ – đại diện cho dân ngoại, dân không được ưu tiên – từ mãi đâu đâu tới và phải nhờ tới các kinh sư Do Thái mới biết được Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, thì lại quyết tâm tìm kiếm Ngài và họ đã tìm thấy.

Sự việc ấy là hình bóng của thực tế xảy ra sau đó: Mặc dù Đức Giêsu sinh ra tại Do Thái, và dân Do Thái là dân được ưu tiên hưởng ơn cứu độ, thì thực tế là cho tới nay, dân Do Thái vẫn chưa nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh Nhân Loại, mà vẫn còn tiếp tục chờ đợi. Còn những dân tộc đang tin vào Đức Giêsu hiện nay thì lại là những dân tộc bị dân Do Thái xưa khinh thị và gọi là dân ngoại. Thế là ứng nghiệm điều Đức Giêsu tiên báo trong hai dụ ngôn vừa nêu trên.

4.  Nói người lại nghĩ đến ta

Lịch sử thường hay tái diễn lại theo kiểu tương tự. Điều đó khiến ta phải suy nghĩ vì nó có thể xảy ra cho chính chúng ta. Hiện nay, Kitô giáo luôn tự hào mình là tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập, được chính Thiên Chúa mặc khải những chân lý thâm diệu nhất, và là con đường chính thống nhất dẫn đến ơn cứu độ. Kitô giáo với các tôn giáo khác cũng phần nào tương tự như Do Thái giáo với dân ngoại xưa. Liệu điều đã đúng với Do Thái giáo có đúng một cách tương tự với Kitô giáo không?

Dân Do Thái xưa lúc nào cũng tự hào về tôn giáo của mình là tôn giáo duy nhất đúng đắn vì là tôn giáo duy nhất được Thiên Chúa mặc khải. Còn các dân tộc khác thì thờ thần tượng, đi trong sai lạc. Nhưng kết cục ra sao? Dân Do Thái không chỉ phủ nhận Đức Giêsu mà còn giết Ngài nữa. Họ từ chối ơn cứu độ, và ơn cứu độ đã được trao cho dân ngoại. Dân ngoại lại đón nhận ơn cứu độ và gia nhập Giáo Hội. Thế thì xét cho cùng, đối với dân Do Thái, việc có tôn giáo duy nhất đúng đắn, việc nắm được nhiều chân lý hơn các dân tộc khác có ích lợi gì?

Như thế, xem ra điều quan trọng không phải là có tôn giáo chân chính cho bằng sống đúng những gì tôn giáo mình đòi hỏi, sống đúng theo lương tâm của mình. Hãy nghe thánh Phaolô nói: «Người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật» (Rm 2,13). Vì thế, nếu «bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, thì như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa!» (Rm 2,23). Tương tự, nếu chúng ta có tôn giáo chân chính mà lại không thèm sống đúng theo tôn giáo ấy, thì ta cũng làm nhục Thiên Chúa, Đấng thiết lập tôn giáo ấy. Lúc ấy chúng ta rất xứng đáng với lời kết án của thánh Phaolô: «Thật đúng như lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân» (Rm 2,24). Lúc ấy, tôn giáo chân chính có ích lợi gì cho ta, hay đó chính là lý do để Thiên Chúa kết án chúng ta?

Bài Tin Mừng hôm nay chính là lời cảnh tỉnh chúng ta: Đừng để tinh thần yêu thương của Kitô giáo lại bị chính các Kitô hữu như chúng ta coi thường, không thèm sống, mà người sống tinh thần ấy lại là những người thuộc các tôn giáo khác. Vậy tốt nhất, chúng ta hãy đem tinh thần yêu thương của Đức Giêsu ra áp dụng thật sự vào đời sống. Đừng để trường hợp của Do Thái giáo lại tái diễn một cách tương tự với Kitô giáo, trong đó người chủ động tái diễn trường hợp ấy lại chính là chúng ta!

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã gián tiếp cảnh giác chúng con: chính quê hương, đất nước, dân tộc và đồng đạo của Ngài – là những người mà Ngài muốn dành ưu tiên hưởng ơn cứu độ Ngài đem lại – lại từ chối Ngài. Hiện nay, rất có thể chúng con đang đi vào vết xe đã đổ ấy: ngoài miệng chúng con luôn tuyên xưng mạnh mẽ niềm tin vào Đức Giêsu, nhưng đời sống của chúng con thì lại đi ngược lại những điều Ngài dạy. Chúng con tuyên xưng hay biểu lộ đức tin mạnh mẽ ra ngoài để che lấp thực tế phủ nhận đức tin ấy ở bên trong. Xin giúp chúng con ý thức rằng thái độ giả hình ấy vô cùng có hại cho chúng con. Xin Cha cứu chữa chúng con khỏi thái độ ấy.                                      

 

Joan Nguyễn Chính Kết


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà