Lời Chúa

 

          Cho đến ngày từ trên cao

          thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta.

          Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái,

          và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng.

          Lẽ chính trực sẽ ở trong sa mạc,

          và đức công minh trong vườn cây ăn trái.

          Sự nghiệp của đức công minh sẽ là hoà bình.

          Thày quả của đức công minh

          sẽ là sự yên hàn và an ninh vĩnh cửu.

          Dân ta sẽ ở trong cảnh thái bình,

          trong nơi ở an toàn, trong chống nghỉ thảnh thơi.

                                                          I-sa-i-a 32:15-18

 

Lời Sống

Tháng Tư 2008

 

 

“Thành quả của đức công bình sẽ là sự yên hàn và an ninh  vĩnh cửu”

(I-sai-a 32:17)

 

“Cho đến ngày từ trên cao thần khí sẽ được đổ xuống trên chúng ta. Bấy giờ sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ được coi như một cánh rừng”. Lời sống tháng này được trích từ bản văn bắt đầu như trên. Vào hậu bán thế kỷ thứ tám trước Kitô. Tiên tri I-sai-a đã loan báo một tương lai hi vọng cho nhân loại, gần như một cuộc tạo dựng mới, một “vườn cây” mới, nơi ngự trị lẽ chính trực và công minh, có khả năng tạo nên hoà bình cùng an ninh.

Thời đại hoà bình (shalom) mới này sẽ là công trình của Thánh Thần Chúa, Đấng là sức mạnh sự sống có khả năng canh tân tạo vật, và tất cả sẽ là do việc tôn trọng giao ước giữa Thiên Chúa với dân của Người, cùng giữa những thành phần của dân ấy, vì sự hiệp thông với Thiên Chúa và cộng đồng con người không thể tách rời nhau.

 

“Thành quả của đức công minh sẽ là sự yên hàn và an ninh  vĩnh cửu”

 

Những lời của tiên tri I-sa-i-a mời gọi ta một lần nữa cần phải dấn thân nghiêm chỉnh và có trách nhiệm trong việc tuân theo những qui luật chung trong cuộc chung sống dân sự, vì chúng ngăn cản thái độ vụ cá nhân ích kỷ cùng sự lèo lái mù quáng, chúng đẩy mạnh cuộc chung sống hoà hợp cùng sinh hoạt nhằm đến lợi ích chung.

Người ta có thể sống theo công lý và thực hành luật pháp không? Thưa có thể, với điều kiện là phải nhìn nhận tất cả những người khác là anh chị em và nhìn nhân loại như một gia đình, trong tinh thần huynh đệ đại đồng.

Làm sao ta có thể nhìn nhân loại như vậy mà không có sự hiện diện của một người Cha cho mọi người? Người Cha đó đã ghi khắc tình huynh đệ đại đồng vào gien (DNA) của mỗi người. Thực vậy ý muốn trên hết của một người cha là muốn con cái đối sử với nhau như anh chị em, yêu thương nhau.

Vì vậy người “Con” cao cả của Chúa Cha, người Anh của mỗi người chúng ta, đã đến và đã để lại qui tắc sống trong xã hội là tình thương yêu lẫn nhau. Diễn tả của tình thương là tôn trọng luật lệ của cuộc chung sống và chu toàn bổn phận của mình.

Tình thương là quy luật sau cùng cho mỗi hành động, nó làm công lý đích thực sinh động và đem đến an bình. Các quốc gia cần đến các luật lệ càng ngày càng phù hợp với nhu cầu của cuộc sống xã hội và cuộc sống quốc tế, nhưng trên hết các quốc gia cần đến những người nam nữ giữ trong thâm tâm mình lòng bác ái. Trật tự này là công lý, và chỉ theo trật tự này các luật lệ mới có giá trị.

 

“Thành quả của đức công minh sẽ là sự yên hàn và an ninh  vĩnh cửu”

 

Vậy làm sao chúng ta thực hành được Lời sống trong tháng này?

Bằng cách nỗ lực hơn nữa trong các bổn phận nghề nghiệp, trong luân lý, trong sự liêm chính, trong luật pháp.

Bằng cách nhìn nhận nguời khác thuộc cùng một gia đình, họ chờ đợi nơi ta sự chú ý, tông trọng, tình liên đới gần gũi.

Nếu trên nền tảng của cuộc sống, trong những mối liên hệ với người bên cạnh, bạn đặt tình bác ái liên tục và lẫn nhau (điều đi trước mọi sự), như diễn tả hoàn toàn nhất của lòng mến yêu của bạn đối với Thiên Chúa, lúc đó công lý của bạn sẽ đẹp lòng Chúa.

 

“Thành quả của đức công minh sẽ là sự yên hàn và an ninh  vĩnh cửu”

 

Một nhân viên cảnh sát tại một thành phố thuộc miền nam nước Ý, vì chọn lựa chia sẻ cuộc sống với những người kém may mắn nhất, nên ông quyết định cùng gia đình định cư tại một trong những phường mới được lập nên: ở đây đường xá mới được đắp lên, không có điện công cộng, không có hệ thống dẫn nước và cống rãnh, và dịch vụ xã hội cùng chuyên chở công cộng thì chẳng cần nói tới.

Ông kể lại “Chúng tôi tìm cách liên hệ quen biết cùng nói chuyện với từng gia đình và từng người dân trong phường, tìm cách hàn gắn sự rạn nứt giữa người dân với cơ quan hành chánh công cộng. Dần dần khoảng ba ngàn dân cư trong phường đã trở thành những người tích cực trong mối quan hệ với những cơ cấu công cộng qua một ủy ban được lập nên nhằm mục đích này.

Họ đã đạt đến chỗ nhận được từ cơ quan hành chánh miền một số tiền lớn để tu sửa phường, nay đã trở thành một phường kiểu mẫu, làm nẩy sinh những sinh hoạt huấn luyện cho những người đại diện tất cả các ủy ban của các phường thuộc thành phố.”

 

Chiara Lubich

Lm. JV Vượng, chuyển ngữ

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà