Lời Sống

Tháng 11-2008

 

“Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”.

Rồi Người nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình hàng ngày mà theo. Qủa vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” (Luca 9:22-26)

 

 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9:23)

 

 

Đừng tưởng là Bạn đi khắp nơi trên thế giới mà có thể bình thản nhìn mọi quảng cáo  và có thể mua ở sạp báo hay tiệm sách bất kỳ một cuốn sách nào.

Đừng tưởng là sống ở đời Bạn có thể theo bất kỳ cách sống nào của thế gian: như những kinh nghiệm dễ dãi, vô luân, phá thai, ly dị, hận thù, bạo động, trộm cắp.

Không, không! Bạn sống trên đời. Ai mà không biết như vậy?

Nhưng Bạn là người Kitô, nên Bạn không “thuộc về thế gian”.

Và điều đó có một khác biệt lớn lao. Nó đặt Bạn vào số những người không sống theo những điều của thế gian, mà theo tiếng Thiên Chúa nói trong thâm tâm Bạn. Tiếng đó ở trong lòng mỗi người, và nếu Bạn lắng nghe, nó sẽ đưa Bạn vào một thế giới không thuộc đời này, nơi người ta thực hành lòng yêu thương đích thực, đức công bằng, lòng trong sạch, nhân từ, khó nghèo, nơi có tự chủ.

Tại sao nhiều người trẻ đi theo những tôn giáo đông phương mong tìm được một chút yên tịnh và đón nhận bí mật của  một số nhà tu hành lớn lao, những người sau một thời gian dài tu luyện, để lộ một tình thương làm cho người đến gần họ chú ý.?

Đó là phản ứng tự nhiên đối với sự ầm ĩ của thế gian, với tiếng ồn ào bên ngoài cũng như bên trong chúng ta, chúng không dành chỗ cho sự yên lặng để lắng nghe Thiên Chúa.

Nhưng có cần phải qua Đông phương không, khi mà từ hai ngàn năm Đức Kitô đã nói với Bạn: “Từ bỏ chính mình ... từ bỏ chính mình”?

Thế gian ập đến với Bạn như một giòng sông vỡ bờ và Bạn phải đi ngược giòng. Đối với người Kitô hữu thì thế gian là một cánh rừng dầy đặc, nơi cần phải thận trọng từng bước. Và phải đặt chân nơi nào? Nơi dấu vết chính Đức Kitô đã chỉ cho Bạn khi Người qua trần gian: đó là những lời Người dạy. Hôm nay Người nói với Bạn:

 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình...”

 

Điều đó có thể đưa Bạn đến chỗ bị khinh dể, hiểu lầm, chế nhạo, lăng mạ; điều đó làm Bạn bị cô lập, mời gọi Bạn chấp nhận bị mất mặt, từ bỏ một cách sống đạo theo thời.

Nhưng còn hơn nữa:

 

“... vác thập giá mình hàng ngày mà theo”

 

Bạn muốn hay không muốn thì đau khổ vẫn làm cay đắng mọi cuộc sống. Cả cuộc sống Bạn nữa. Và những đau khổ lớn nhỏ đều đến mỗi ngày.

Bạn muốn gạt bỏ chúng đi sao? Bạn nổi loạn sao? Chúng làm bạn giận dữ sao? Làm như vậy Bạn không phải là Kitô hữu.

Người Kitô hữu mến yêu thập giá, mến yêu đau khổ, cho dầu nước mắt đầm đìa, bởi vì người đó biết chúng có giá trị. Không phải là vô tình mà giữa muôn vàn phương thế có trong tay, Thiên Chúa đã chọn thập giá để cứu độ nhân loại.

Nhưng Bạn hãy nhớ, sau khi đã vác thập giá và bị đóng đinh vào đó, Người đã sống lại.

Sống lại cũng là số mệnh của Bạn, nếu thay vì khinh dể đau khổ mà cách sống đạo đem lại, và cuộc sống gởi đến, Bạn biết chấp nhận nó với lòng mến yêu. Lúc đó Bạn sẽ nghiệm được, ngay từ đời này, thập giá là con đường dẫn đến niềm vui chưa hề biết đến; sự sống của tâm hồn Bạn sẽ bắt đầu tiến triển: Nước Chúa nơi Bạn sẽ nên bền bỉ và bên ngoài dần dần thế gian sẽ biến mất khỏi mắt Bạn, như giấy bổn. Và Bạn sẽ không còn ghen tị ai nữa.

Lúc đó Bạn sẽ có thể được gọi là môn đệ đích thực của Đức Kitô.

 

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo”

 

Và như Đức Kitô mà Bạn theo, Bạn sẽ là ánh sáng cùng tình thương cho những vết thương không đếm xuể đang sâu xé nhân loại ngày nay.

 

Chiara Lubich

Lm. JB. Vượng, chuyển ngữ

 

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà