Lời Sống

Tháng Mười 2022

“Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho ta trở nên nhút nhát,

 nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”

 (2 Timôthê 1,7)

Lá thư Lời Sống này trích dẫn được coi như một chúc thư tinh thần của thánh Phaolô. Thánh tông đồ lúc đó đang bị tù ở Roma, chờ ngày xét sử và ngài viết cho ông Timôthê, người môn đệ và cộng sự viên trẻ, người trách nhiệm cộng đoàn phức tạp ở Ê-phê-sô.

Bản văn chứa đựng những lời nhắn nhủ, khuyên bảo ông Timôthê, nhưng cũng nói với tất cả mọi thành viên của cộng đoàn Ki-tô ngày xưa và ngày nay. Thánh Phaolô mang xiềng xích vì rao giảng Tin mừng và muốn khích lệ người môn đệ đang lo âu trước những bách hại và lưỡng lự vì những khó khăn trong việc phục vụ, để đối phó với những thử thách, để nên người hướng dẫn chắc chắn cho cộng đoàn. Không phải thánh Phaolô và Timôthê tự bản chất có thể chịu khổ vì Tin mừng, nhưng các ngài có thể làm được vì dựa trên sức mạnh của Thiên Chúa.

“Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho ta trở nên nhút nhát,

nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”

Thánh Phaolô muốn làm chứng cho Tin mừng. Rõ ràng là không phải những tài năng, những khả năng hoặc những giới hạn bản thân đảm bảo hoặc ngăn cản việc phục vụ Lời Chúa, mà chính những ơn của Thánh thần, sức mạnh, lòng bác ái và tự chủ, xem ra giữ vai trò phân định; với sự tự chủ người ta nên khôn ngoan và sẵn sàng trước mọi hoàn cảnh. Ông Timôthê, cũng như người môn đệ trong mọi thời đại, có thể rao giảng Tin mừng với sức mạnh, lòng bác ái và sự tự chủ, đến chỗ chịu khổ vì Tin mừng.

“Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho ta trở nên nhút nhát,

nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”

Chúng ta cũng cảm thấy bị cám dỗ nản lòng trong việc sống và làm chứng cho Lời Chúa, không biết phải đối phó thế nào với nhiều hoàn cảnh.

Chị Chiara Lubich giúp chúng ta hiểu phải lấy sức mạnh ở đâu trong những lúc đó.

Chúng ta phải cầu cứu Chúa Giêsu hiện diện trong ta. Như thế thái độ phải có không phải là lúng túng, đầu hàng một cách thụ động, mà là thái độ xả thân, chấp nhận điều ý Chúa đòi hỏi, đối phó với những bổn phận ơn gọi mời gọi, dựa trên ơn của Chúa Giêsu ngự trong ta. Vậy hãy xả thân. Chính Chúa Giêsu sẽ càng ngày càng phát triển nơi ta những nhân đức ta cần để làm chứng cho Người trong lãnh vực hoạt động được trao phó cho chúng ta” (Lời Sống tháng mười 1986).

“Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho ta trở nên nhút nhát,

nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.”

Sức mạnh, tình thương và tự chủ, ba nhân đức của Chúa Thánh thần chúng ta có được bằng lời cầu nguyện và việc sống đức tin.

Cha Justin Nari tại Cộng hòa trung Phi, đã thấy mình bị đe dọa phải chết cùng với các đồng bạn và một ngàn người Hồi giáo tìm cách chạy trốn những vụ trả thù của chiến tranh, chạy trốn vào nhà thờ. Nhiều lần những người chỉ huy quân phiến loạn bao vây đòi cha đầu hàng, nhưng cha tiếp tục điều đình để tránh việc thảm sát. Một hôm quân phiến loạn đến với 40 lít săng và đe dọa đốt sống, nếu cha không trao những người Hồi giáo cho họ. Cha kể lại: “Chúng tôi đã dâng thánh lễ cuối cùng và lúc đó tôi nhớ đến chị Chiara Lubich. “Chị sẽ làm gì trong địa vị của tôi? Chị sẽ ở lại và hiến mạng sống mình. Và chúng tôi đã quyết đình làm như vậy”. Sau thánh lễ cha nhận được một cú điện thoại bất ngờ: Quân đội của Liên hiệp Phi châu đang đi qua một thi xã gần đó. Cha Justin liền chạy đến gặp họ và cùng họ trở về xứ: chỉ thiếu mười ba phút đến thời hạn tối hậu thư, mười ba phút đã cứu mạng tất cả mọi người mà không phải đổ máu (Unità è il nome della pace: La strategia di Chiara Lubich, a cura di Maddalena Maltese, Città Nuova, Roma 2020, pp.29-30).

 

Letizia Magri


LỜI SỐNG 2022