Lời Sống

Tháng Năm 2023

“Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình”

(Roma 12, 1)

Lời Sống tháng này trích từ lá thư rất phong phú của thánh Phao-lô tông-đồ gửi các tín hữu ở Roma. Thánh nhân trình bày cuộc sống Ki-tô như một thực tại ở đó lòng yêu thương nhau dư đầy, lòng thương yêu nhưng không và vô biên, mà Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta và rồi đến lượt chúng ta hiến cho người khác. Để làm cho ý nghĩa của nó hữu hiệu hơn, thánh nhân đưa vào hai ý niệm của cùng một từ chứa đựng hai đặc tính của tình yêu phân biệt cộng đoàn Ki-tô: đó là lòng mến yêu giữa bạn hữu và lòng thương yêu trong gia đình.

“Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình”

Chúng ta dừng lại đặc biệt nơi khía cạnh huynh đệ và hỗ tương. Như thánh Phao-lô viết, những người thuộc về cộng đoàn Ki-tô thương yêu nhau, vì họ liên hệ với nhau như những phần của cơ thể (12,5), họ là anh em mắc món nợ duy nhất là lòng thương yêu (13,8), họ vui với người vui và khóc với người khóc (1,15), họ không xét đoán và không nên cớ vấp ngã (14,13).

Cuộc sống chúng ta nối kết chặt chẽ với cuộc sống người khác và cộng đoàn là chứng tá sống động của luật thương yêu mà Chúa Giê-su đã mang đến trần gian..Đó là lòng yêu thương đòi hỏi đến chỗ hiến mạng cho nhau. Đó là một lòng thương yêu cụ thể, tô đậm bằng muôn vẻ, lòng thương yêu muốn điều tốt cho người khác, muốn hạnh phúc cho người đó. Lòng thương yêu làm cho những người anh chị em đạt đến chỗ thể hiện hoàn toàn con người họ, thi đua tán thưởng những phẩm chất của nhau. Đó là lòng thương yêu nhìn đến nhu cầu của mỗi người, làm mọi sự để không ai phải thiệt thòi, làm cho ta nên những người trách nhiệm và hoạt động trong cuộc sống xã hội, văn hóa, dấn thân chính trị.

“Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình”

“Nhìn vào các cộng đoàn ở thế kỷ thứ nhất, chúng ta thấy rẳng lòng yêu thương Ki-tô trải rộng đến tất cả mọi người không phân biệt ai, nó được gọi là tình huynh đệ. Trong văn chương thời đó, từ này được dùng để chỉ lòng thương yêu giữa anh em cùng máu mủ. Từ này không bao giờ được dùng để chỉ những người trong cùng một xã hội. Chỉ có sách Tân Ước là ngoại lệ” (C. Lubich, Đối thoại với người trẻ, Citta Nuova, Roma 1999, p.58). Nhiều người trẻ đòi hỏi có được “một mối quan hệ sâu xa hơn, xác tín hơn, đích thực hơn. Và lòng thương yêu nhau giữa các tín hữu Ki-tô đầu tiên có những đặc tính của tình huynh đệ, chẳng hạn sức mạnh và tình cảm” (ibid).

“Anh em hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình”

Một cách đối sử phân biệt những người thuộc về các cộng đoàn sống lòng thương yêu nhau là họ không đóng kín nơi mình, mà sẵn sàng đối phó với những thách đố thực sự nẩy sinh trong bối cảnh nơi họ sinh hoạt.

Anh J.K. người Hung-ga-ri, có ba người con, cuối cùng anh có khả năng mua một căn nhà, nhưng vì bị tai nạn, nên anh không đủ khả năng tài chính và sức lực để một mình sửa lại căn nhà. Vì thế cộng đoàn Focolare bắt tay vào việc, thực hiện dự án có tên là #dám lo (daretocare) do những Người trẻ cho một Thế giới hiệp nhất đưa ra.

Anh hăng say kể lại cuộc chạy đua liên đới đã bùng lên để nâng đỡ anh cách cụ thể: “Rất nhiều người đến để phụ giúp tôi, trong ba ngày chúng tôi đã có thể làm lại mái nhà và thay trần nhà”. Một số người thuộc Cộng hòa Chéc cũng đã đóng góp tài chính vào việc sửa lại căn nhà này. Đó là một cử chỉ cho thấy tỏ tường một cộng đoàn mở rộng, vượt ngoài những khoảng cách.” (www.unitedworldproject.org).

Patrizia Mazzola và ban biên tập phụ trách


LỜI SỐNG 2023