Lời Sống

Tháng Năm 2024

 

“Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” - (1Ga 4, 8)

 

Lá thư thứ nhất của thánh Gioan gửi cho các Ki-tô hữu tại một cộng đoàn miền Tiểu Á để khuyến khích họ khôi phục lại sự hiệp thông với nhau, vì họ bị chia rẽ bởi những học thuyết khác nhau. Tác giả khuyên họ nhớ đến điều đã được công bố cho họ “từ ban đầu” cuộc rao giảng Ki-tô và nhắc lại điều các môn đệ đầu tiên đã thấy, đã nghe và đã sờ tận tay trong cuộc chung sống với Chúa, để cả cộng đoàn này cũng có thể được sống trong tình hiệp thông với họ, và, như thế, với cả Chúa Giê-su và Chúa Cha (1Ga 1, 1-3).

“Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì ThiênChúa là tình yêu”

Để nhắc nhớ bản chất của cuộc mạc khải đã nhận được, tác giả nhấn mạnh rằng, nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, bằng cách nhận lấy trọn vẹn cuộc sống con người với tất cả những giới hạn và yếu đuối của nó.

Trên thập giá, Chúa Giê-su đã chia sẻ và trải nghiệm nơi mình tình trạng xa rời của chúng ta với Chúa Cha. Khi hiến ban mọi sự của mình, Người đã chữa lành con người với một tình yêu vô hạn cùng vô điều kiện. Người đã cho chúng ta thấy tình yêu là gì và đã dạy chúng ta bằng lời nói và cuộc sống.

Từ mẫu gương của Chúa Giê-su chúng ta hiểu rằng yêu thương thực sự bao hàm lòng can đảm, sự mệt nhọc và liều mình phải đương đầu với nghịch cảnh và đau khổ. Nhưng người yêu thương như vậy tham dự và cuộc sống của Thiên Chúa và nghiệm được sự tự do của Người và niềm vui của người hiến mình.

Khi yêu thương như Chúa Giê-su thương yêu chúng ta thì chúng ta giải thoát mình khỏi sự ích kỷ là điều đóng cửa lại trước sự hiệp thông với những người anh chị em và với Thiên Chúa, và ta có thể cảm nghiệm điều đó.

“Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì ThiênChúa là tình yêu”

Biết Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên ta và biết mình và sự thật sâu xa nhất của tất cả mọi sự, từ muôn thuở là niềm khát khao, có thể là vô thức, của tâm hồn con người.

Nếu Người là tình yêu, thì khi thương yêu như Người, chúng ta có thể thấy được đôi chút về sự thật này. Chúng ta có thể tăng thêm sự hiểu biết Thiên Chúa, vì chúng ta sống chính sự sống của Người và bước đi trong ánh sáng của Người.

Điều đó được thực hiện hoàn toàn khi tình yêu trở thành hỗ tương. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì “Thiên Chúa ở lại nơi ta” (1Ga 4, 12). Điều đó xảy ra giống như khi hai cực điện chạm nhau và ánh sáng bật lên.

“Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì ThiênChúa là tình yêu”

Chị Chiara Lubich khẳng định rằng làm chứng Thiên Chúa là tình yêu là “cuộc cách mạng lớn mà chúng ta được mời gọi hiến cho thế giới tân tiến ngày nay, đang trong căng thẳng tột độ, giống như các Ki-tô hữu đầu tiên trình bày cho thế giới ngoại giáo thời đó” (C. Lubich, Conversazioni in Opere di C. Lubich 8/1, Citta Nuova, Roma 2019, p. 142).

Làm thế nào thực hiện điều đó? Làm sao sống tình thương yêu này đến từ Thiên Chúa? Bằng cách học nơi Con Thiên Chúa để thực hành, đặc biệt “[…] trong việc phục vụ người anh em, nhất là những người bên cạnh, bằng cách khởi sự từ những điều nhỏ mọn, từ những việc phục vụ khiêm tốn nhất. Bắt chước Chúa Giê-su, chúng ta cố gắng thương yêu trước, từ bỏ chính mình và nhận lấy tất cả mọi thập giá lớn nhỏ mà những điều đó có thể đòi hỏi.

Như thế không mấy chốc cả chúng ta cũng sẽ đạt đến kinh nghiệm đó về Thiên Chúa, đến sự hiệp thông với Người, đến ánh sáng chan hòa, đến niềm an bình và niềm vui nội tâm, mà Chúa Giê-su muốn mang lại cho ta.” (C. Lubich, Lời sống tháng năm 1991).

“Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì ThiênChúa là tình yêu”

Cô Santa thường đến thăm một nơi dành cho người cao niên, một môi trường công giáo. “Một hôm cùng với Roberta, cô gặp ông Aldo, một người cao lớn, rất học thức, giầu có. Ông ta nhìn hai cô gái với cái nhìn buồn rầu: “Sao các cô đến đây? Các cô muốn gì nơi chúng tôi? Cứ để chúng tôi chết yên hàn!” Santa không mất tinh thần đáp lại: “Chúng cháu đến đây gặp cụ, sống với cụ mấy giờ đồng hồ, để biết cụ, làm bạn với cụ”. […] Hai cô gái trở lại nhiều lần. Roberta kể lại: “Ông cụ đó rất đóng kín, rất buồn nản. Ông không tin Chúa. Santa là người duy nhất được lòng ông, một cách rất tế nhị, cô nghe ông kể lể hàng giờ”. Santa cầu nguyện cho ông, và có lần tặng ông cỗ tràng hạt, ông nhận. “Sau đó Santa được biết là ông Aldo khi qua đời có gọi tên cô. Nỗi đau đớn vì cái chết của ông được thuyên giảm bởi sự kiện ông qua đời bình an, trên tay cầm cỗ tràng hạt mà cô đã tặng ông” (P. Lubrano, La vita di Santa Scorese, Citta Nuova, Roma 2003).

 

Do Silvano Malini thực hiện cùng với nhóm Lời Sống

 

 

 

 


LỜI SỐNG 2024