THÁNH GIUSE, CON NGƯỜI THẦM LẶNG

 

Lm Phêrô Trần Đình, Dalat

 

 

Dẫn nhập

“Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều” (Hàn mặc Tử).

Mùa Chay mời gọi kitô hữu sống đời sống nội tâm. Là bởi vì làm sao hiểu được mầu nhiệm khổ nạn và cứu độ của Đức Giêsu nếu nó không được đưa vào trong cõi lòng mình ?.

 

Khởi đầu Mùa Chay, Chúa dạy chúng ta khi bố thí đừng để tay phải biết việc tay trái làm, khi ăn chay hãy xức dầu thơm và khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại. Ba công tác chính yếu này của Mùa Chay cần phải được thực hiện với tinh thần nội tâm, âm thầm mà chỉ có Cha trên trời biết mà thôi.

 

Nếu Giáo Hội đặt tháng kính Thánh Giuse vào Mùa Chay, thì mục đích đã rõ, bởi vì ngài là khuôn mẫu của con người nội tâm, thầm lặng.

Chúng ta muốn nhìn ngắm để học “đức thầm lặng” của ngài và với ngài.

 

Bài này trình bày hai điểm :

        1. Thánh Giuse, con người thầm lặng;

        2. Đức thầm lặng của Thánh Giuse nói gì với chúng ta hôm nay ?

 

I. Thánh Giuse, con người thầm lặng

“Một cây đổ xuống thì cả khu rừng âm vang, còn những hạt giống âm thầm mọc thì chẳng ai biết đến” (ngạn ngữ Trung hoa). Có thể dùng những lời này để nói về Thánh Cả Giuse. Chúng ta muốn theo sát Tin mừng để hiểu “đức thầm lặng” của ngài.

 

1. Đối thoại với Chúa trong thầm lặng

Nhiều người khao khát được nghe vài lời của Thánh Cả, ít nữa là vài lời. Âu đó cũng là sự khao khát đáng trân trọng. Thế nhưng, khi ấy ngài sẽ không còn là khuôn mẫu về “đức thầm lặng” cho ta học đòi bắt chước nữa. Chính sự im lặng của ngài dẫn chúng ta đến ý nghĩ này : ngài muốn mình trở thành lu mờ đi truớc Chúa, như trăng sao phải biến mất khi mặt trời mọc. Cõi lòng ngài được dành riêng cho Chúa và để nói với Chúa, đối thoại với Chúa trong cô đơn.

 

2. Im lặng để bảo vệ thanh danh cho Đức Maria

Chính trong sự thầm lặng, ngài đã phải chịu đựng nỗi khổ, vì biết Đức Maria có thai. Thế nhưng, ngài không thuộc số những kẻ vội vàng tìm cách trút bỏ nỗi niềm bằng cách kể lể với người khác để vơi đi nỗi sầu.

Rồi trong lúcï bối rối lúc đòi phải quyết định, ngài cũng chỉ suy đi tính lại trong lòng, bởi chưa biết hết mọi góc cạnh của sự việc. Chính sự thầm lặng của ngài đã bảo toàn thanh danh cho Đức Maria. Đây là nét cao cả của “đức thầm lặng”.

 

3. Im lặng để đón nhận mặc khải

Chính trong sự thầm lặng đầy niềm tin, Thánh Giuse đã đón nhận mặc khải về việc đầu thai nhiệm lạ của Chúa Giêsu và lời thiên thần mời gọi ngài cư xử như là cha của con trẻ. Ở đây, ta thấy câu trả lời của ngài là thực thi mọi lời Thiên Chúa phán qua miệng thiên thần.

 

4. Một bản thánh ca không lời

Cũng trong thầm lặng, ngài đã chứng kiến biến cố lớn lao tại Bêlem : Đức Giêsu sinh ra. Thánh Giuse đã đã đón tiếp Con Trẻ trong sự thầm lặng của một cuộc chiêm niệm ngây ngất, khác hẳn với sự “xôn xao” khi người ta đón tiếp Gioan Tiền Hô (Lc 1, 58). Và rồi, vui mừng trước hồng ân quá lớn lao Chúa đã làm cho mình, ông Dacaria đã nói lên “bài thánh ca   chúc tụng” (Lc 1, 67-79). Người ta có thể gán cho Giuse thái độ lạnh lùng vô cảm, nhưng thật ra đối với ngài, sự thầm lặng ấy đã là một “bài thánh ca không lời”.

 

5. Một sự im lặng thờ phượng và hiến tế

Rồi, im lặng cùng với Đức Maria, ngài dâng Con trẻ Giêsu trong đền thờ. Đây không chỉ là một sự im lặng thờ phượng, nhưng còn là một sự im lặng hiến tế nữa, bởi phải mang lấy sức nặng nỗi đớn đau do lời ông Simêon tiên báo. Cùng một lúc với việc  dâng Con Trẻ, Ngài muốn dâng lên Chúa lời đáng sợ mà tai ngài vừa nghe.

 

6. Một sự thinh lặng khiêm tốn

Khi gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ, Thánh Giuse cũng giữ im lặng đang lúc tâm hồn ngài đi từ nỗi lo đến niềm vui. Ngài để cho Đức Maria chia sẻ sự xúc cảm chung của hai người. Dĩ nhiên, với tư cách là cha, ngài có quyền lên tiếng và đòi con giải thích về cách cư xử như thế, nhưng ngài lại thích lu mờ đi và để cho Đức Maria lên tiếng.

 

7. Im lặng và “tự huỷ”

Cuối cùng, nếu muốn hình dung Thánh Giuse trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, ta cũng chỉ có thể hình dung ngài trong chính thái độ thầm lặng mà thôi. Tin mừng tuyệt đối không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét. Điều duy nhất ta biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ nhặt này nữa, ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc” mà thôi.

 

Rồi ngài đã chết khi nào và được chôn táng ở đâu nào có ai hay ! Cái chết của một con người bình thường có khi lại rộn rã khác thường, thì đây chẳng phải là trường hợp của Thánh Cả Giuse.

Thầm lăng và “tự huỷ” xem ra là những nét lớn được nối kết với nhau nơi cuộc đời của ngài.

 

II. Đức thầm lặng của Thánh Giuse nói gì với chúng ta hôm nay ?

1. Trước tiên, đó là một giáo huấn sống động cho con người thời đại này. Đã hẳn sự thầm lặng luôn là một giá trị cho bất cứ thời đại nào, nhưng thời đại chúng ta là thời đại của âm thanh và của những tiếng động đạt, bắt nguồn từ việc phát sinh các kỹ thuật truyền thông đủ loại. Không thể phủ nhận rằng chúng đem lại nhiều lợi ích cho con người, nhưng đồng thời lại có nguy cơ giết chết đời sống nội tâm.

 

Thánh Giuse nhắc nhở rằng người ta chỉ có thể đón nhận Đức Kitô và huyền nhiệm của Người nhờ sự thinh lặng. Chính sự thinh lặng đã giúp ngài cũng như Đức Maria “giữ trong lòng” và “suy niệm” mầu nhiệm mà các ngài là những nhân chứng (Lc 2, 19.51).

 

2. Có những người sợ sự thinh lặng bởi không dám trực diện với chính mình. Còn Thánh Giuse đã ưa thích thinh lặng bởi ngài muốn đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Ngài không sợ cảnh buồn tẻ cô đơn, vì đối với ngài những lúc cô đơn đều là lúc Thiên Chúa có mặt một cách hiện tại hơn. Thiên Chúa không thích hiện diện trong tiếng sấm động hay lửa cháy, nhưng qua làn gió thoảng nhẹ nhàng.

 

3. Thánh Giuse cũng cho thấy là để sống trong thinh lặng, không nhất thiết phải nhốt mình trong một tu viện. Thánh Giuse mang trong cõi thâm sâu của mình một “tu viện” riêng của ngài. Ngài mời gọi mọi kitô hữu hôm nay cũng hãy làm như thế, hãy cố gắng giữ lấy trong lòng mình một “cõi thinh lặng”. Khi cuộc sống càng xáo động hay bề bộn, người ta càng cần đến chỗ thinh lặng đó, nơi tâm hồn gặp lại chính mình trong thân phận đích thực của nó, trước mặt Thiên Chúa.

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao” (Nguyễn Khuyến). Cuộc sống nào cũng đòi hỏi một chọn lựa.

 

4. Là kẻ đã sống kề cận Đức Giêsu, ngài cũng muốn đưa ta đến hưởng nếm nhiều hơn – nhờ sự thinh lặng – chính cuộc sống chung bên cạnh Thầy chí ái, Đấng cũng đã muốn “lưu lại” trong chúng ta. Vì nói quá nhiều, đôi khi chúng ta liều mình dập vùi tiếng nói của Chúa hoặc chẳng còn ở trong tư thế lắng nghe Người nữa.

 

5. Nhìn vào Thánh Giuse, chúng ta càng xác tín rằng một cuộc sống quá chộn rộn đã làm cho chúng ta “nghèo đi” rất nhiều. Chính sự thinh lặng mới làm cho cuộc sống được nhẹ nhõm và góp phần tạo ra sự phong phú nội tâm.

 

6. Cuối cùng, đây là điều mà con người hôm nay cần học với Thánh Cả : sự thinh lặng là dấu chỉ của một sức sống cao đẹp hơn, thuộc về một cấp độ khác cao hơn.

 

Kết luận

Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo Hội và của Giáo Hội Việt Nam nói riêng. Mừng lễ ngài là cơ hội tốt đẹp để học với ngài về “đức thầm lặng”, bởi đây là nhân đức cần có khi đối diện với Đấng ba lần thánh.


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà