NĂNG THĂM VIẾNG THA NHÂN

THEO GƯƠNG ĐỨC MARIA

 

Nguyễn Chính Kết

 

Việc Đức Maria đến thăm bà Êlisabét đã được thánh sử Luca ghi lại như sau:

Hồi ấy, Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông Dacaria và chào hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng: «Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em». (…) Maria ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà (Lc 1,39-45.56).

 

1. Tình thương được biểu lộ thành hành động của Đức Maria

Khi truyền tin cho Đức Maria, sứ thần cho biết bà Êlisabét đã mang thai được 6 tháng. Sự việc này chắc chắn chỉ có hai vợ chồng Dacaria và Êlisabét biết với nhau. Hai ông bà không thể ngờ được nay lại có thêm Maria cũng biết khi thấy Maria đến thăm.

 

Điều đáng ta suy nghĩ là thái độ của Maria: Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Êlisabét có thai được sáu tháng, Maria liền «vội vã lên đường» đến thăm bà, đang khi chính mình cũng bắt đầu mang thai. Người trong thời kỳ đầu mang thai như Đức Maria lúc ấy thường có triệu chứng mỏi mệt, buồn nôn, khó chịu, dễ buồn bực, v.v…

 

Đoạn Tin Mừng Lc 1,39-45 cho biết nhà bà Êlisabét ở «một thành thuộc chi tộc Giuđa», tức vùng Giuđê ở miền nam Do Thái, đang khi Maria ở làng Nadarét thuộc vùng Galilê ở miền bắc. Như vậy, hành trình của Maria phải dài trên 100km, qua nhiều vùng đồi núi. Hành trình ấy chắc chắn phải vất vả đối với một phụ nữ có thai như nàng. Điều đó cho thấy Maria yêu quí chị họ mình biết chừng nào. Sự yêu quí ấy không phải chỉ do cảm tình tự nhiên, mà còn do tình yêu thương mà nàng đối xử với tất cả mọi người.

 

Nếu Maria không đến thăm thì bà Êlisabét chẳng trách nàng được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Maria biết bà mang thai. Vả lại nàng có lý do chính đáng để không đến thăm bà, vì chính nàng cũng đang mang thai mà đường xá lại xa xôi. Nhưng chính tình thương tràn ngập tâm hồn Maria đã thúc đẩy nàng ra đi. Và cũng chính vì Maria giàu tình thương nên nàng mới xứng đáng làm Mẹ của Đức Giêsu, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.

 

2. Thăm viếng là đem niềm vui và chính Đức Kitô đến cho người khác

Đến thăm Êlisabét, Maria không chỉ đến với tình yêu chân thật của mình, mà còn đem Đức Giêsu đến với mẹ con bà. Vì thế, không chỉ bà Êlisabét vui mừng, mà hài nhi Gioan trong bụng bà cũng vui theo, vui đến nỗi phải «nhảy lên» trong bụng mẹ. Chắc chắn vì Maria mang Chúa đến, nên niềm vui của bà Êlisabét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Maria cùng với bào thai Giêsu còn biến đổi hai mẹ con bà Êlisabét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần.

 

Đến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu và sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình yêu thương. Khi ta đến thăm ai do tình thương thúc đẩy, lúc ấy ta có Chúa trong lòng. Lúc ấy đến thăm họ chính là đem Chúa đến cho họ. Tình thương của ta sẽ giúp họ cảm nhận được Chúa ở trong ta, và nhờ đó họ được biến đổi, được lãnh nhận niềm vui, sức mạnh, hạnh phúc, và nhiều ơn lành khác từ Thiên Chúa. Nhờ Chúa cùng đến với ta, niềm vui của họ thăm tăng lên gấp bội, và họ sẽ nhận lãnh được Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện, chứ không phải ta.

 

Đem Chúa đến cho họ, đó là điều tốt nhất mà ta có thể làm cho họ, nhất là khi họ đang gặp đau khổ, nghịch cảnh, đang chán nản, thất vọng. Rất có thể nhờ đó, ta kéo họ ra khỏi tình trạng ấy, nhờ sức mạnh của Chúa ban cho họ qua sự thăm viếng của ta.

 

Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình phải nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Có những người nói về Chúa rất nhiều rất hay nhưng lại không có Chúa ở trong mình. Chúa là tình thương, mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính mình thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Êlisabét đâu, thế mà cả hai mẹ con vui khôn tả! Ta chỉ mang Chúa đến cho người khác khi ta muốn làm hiện thân của Chúa đến với họ.

 

3.Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng

Thiên Chúa yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người và từng người. Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Nhưng tình yêu vô biên và phổ quát của Ngài khiến Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân ta để làm những công việc ấy, và ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.

Ngài muốn dùng chính bản thân ta để thăm viếng những người ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.

 

Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta.

 

4. Hãy yêu thương bằng hành động cụ thể

Maria rất yêu thương người chị họ mình. Ta chỉ biết được điều ấy khi thấy Maria vừa biết tin chị mình mang thai là vội vã lên đường đi thăm chị, bất chấp đường xá xa xôi và tình trạng sức khỏe bất bình thường của mình. Tình yêu ấy không chỉ dấu kín trong lòng, mà được biểu lộ thành hành động. Đúng là «yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua».

 

Tình yêu tuy ẩn sâu kín đáo trong lòng mỗi người không ai thấy được. Nhưng nếu là tình yêu đích thực thì nó luôn luôn được biểu lộ ra ngoài thành những ánh mắt trìu mến, cử chỉ yêu thương, lời nói dịu dàng, và nhất là thành sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh thật sự cho người mình yêu. Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Tình yêu dấu kín trong lòng là tình yêu đáng nghi ngờ. Nếu «đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26), thì một cách tương tự, tình yêu không được biểu lộ cụ thể là tình yêu giả hiệu. Chính «Thiên Chúa, Đấng cứu độ ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại» (Tt 3,4), và «Tình yêu của Thiên Chúa đối với ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà ta được sống» (1Ga 4,9). Vì thế, ta hãy biểu lộ tình yêu của mình đối với mọi người bằng những cử chỉ, lời nói và hành động cụ thể.

 

Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức Phật nói: «Yêu mà không được ở gần nhau thì sẽ đau khổ». Tục ngữ có câu: «Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!». Vì thế, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, ta hãy năng thăm viếng những người ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần ta tới thăm viếng hơn cả. Trong gia đình tự nhiên cũng như trong cộng đoàn Kitô hữu, đến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tình yêu thương, bác ái của Kitô giáo.

 

28-5-04