Mẹ Maria – Mẫu gương đời dâng hiến

(dongten.net) 05/01/2015

 Người tu sĩ nào cũng ý thức rất rõ rằng đi tu là từ bỏ mọi sự để bước theo Đức Kitô một cách thật gần gũi. Nhưng thế nào là “bước theo Đức Kitô”? Không phải cứ tuyên ba lời khấn là người tu sĩ ngay lập tức trở thành thánh. Không phải cứ khoác lên người chiếc áo dòng là người tu sĩ bỗng được biến đổi trọn vẹn cả xác thân. “Mang danh là người tu sĩ” thì khác với “tư cách một tu sĩ thực thụ”. Người tu sĩ cần phải nỗ lực hàng ngày, bỏ mình liên lỉ, sống kết hiệp với Chúa không ngừng để được Ngài sửa dạy và biến đổi. Đây là điều, nghe thì rất lý tưởng, nhưng thực hành thì chẳng dễ chút nào. Các môn đệ ngày xưa, tay chạm tay, mặt giáp mặt với Đức Giêsu hằng ngày, vậy mà đã không biết bao nhiêu lần, thậm chí cho đến khi Thầy bước vào cuộc khổ nạn, các ông vẫn mang một tư tưởng trần tục và hành xử như những người xa lạ của Chúa. Trên hành trình dâng hiến, liệu có một mẫu gương nào cho các tu sĩ noi theo không? Đã từng có người nào đó trên trái đất này, sống một đời sống tuyệt vời đến độ trở thành một khuôn mẫu cho những ai sống đời dâng hiến không? Con người ấy, không ai khác, chính là Mẹ Maria – là mẹ và cũng là người môn đệ đích thực của Chúa.

Chúa muốn người môn đệ của mình phải luôn sẵn sàng và mau mắn khi cộng tác với sứ mạng của Chúa. Một con người chần chừ, ngần ngại thì không thích hợp với một Nước Thiên Chúa “đã đến gần”. Một thái độ ứng trực ra đi để thực thi thánh ý Chúa là điều rất cần thiết trong đời tu. Muốn vậy, các tu sĩ phải thật thanh thoát với mọi thứ trên đời, để không gì có thể làm cản vướng đôi chân họ. Họ hệt như những người tôi tớ háo hức đợi Chúa sai vào vườn nho của mình, để khi được gọi tên, họ hăng hái đứng dậy, nhanh chân lên đường với tất cả lòng nhiệt huyết, hăng say và yêu mến. Đó chính là thái độ của Mẹ. Khi vừa được sứ thần loan tin, báo cho Mẹ biết về ý định của Thiên Chúa và lời mời gọi của Người dành cho Mẹ, Mẹ đã chẳng ngần ngại gì, nhưng ngay lập tức đáp lời “xin vâng”. Mẹ không xin Chúa thêm thời gian để suy nghĩ. Mẹ không lưỡng lự suy tính xem mình được gì mất gì. Mẹ không chần chừ nuối tiếc cho một tương lai tươi đẹp mà mình đã hoài công vạch sẵn. Mẹ không lập luận, chất vấn để hiểu cho ngọn nguồn mọi ý định của Chúa. Tất cả những gì Mẹ làm là cúi mình vâng phục trước những gì Chúa muốn. Mẹ biết, Mẹ không ngang hàng với Chúa để thỏa thuận lợi ích, nhưng Mẹ chỉ là một tớ nữ của Chúa mà thôi. Đối với Mẹ, đây không phải là một cuộc đổi chát, nhưng là một lời mời gọi; đây không phải là niềm kiêu hãnh nhưng là một vinh dự thẳm sâu.

Người môn đệ của Chúa phải là một người có chiều sâu, có khả năng đọc được những dấu chỉ Chúa gửi đến trong cuộc sống thường ngày. Họ không để cho mọi thứ trôi qua, biến mất mà không đọng lại điều gì. Từng biến cố, từng sự kiện xảy đến đều được họ ghi khắc lại trong tim và gẫm suy điều Chúa muốn nói. Đây không phải là một thái độ xét nét, nhưng là một hành vi đi tìm Chúa trong mọi sự, để chiêm ngắm những điều tuyệt vời Chúa làm mà không ngừng ngợi ca và tìm vinh danh Chúa. Mẹ Maria đã thực hành điều này không biết bao nhiêu lần trong cuộc đời của Mẹ. Việc các mục đồng đêm khuya đến viếng Chúa mới sinh, câu chuyện các đạo sĩ từ phương xa đến để tìm Hài Nhi, lời tiên tri của cụ Simeon, câu nói của Giêsu lúc 12 tuổi tại Đền Thờ… tất cả đều khiến trái tim đầy nhạy cảm của Mẹ ghi khắc. Nhờ năng suy đi nghĩ lại những điều này, Mẹ đã chất chứa trong cõi lòng mình một kho tàng rộng lớn những kinh nghiệm thiêng liêng, giúp Mẹ ngày càng thêm yêu Chúa và có đủ sức mạnh để đối đầu với tất cả những trái ngang của kiếp người. Càng chiêm ngắm những hành vi lạ kỳ của Chúa, Mẹ càng cảm thấy bừng dậy trong mình một nỗi mừng vui vì “Chúa đã làm biết bao điều cao cả”. Người môn đệ nào không biết ngạc nhiên trước những gì Chúa làm thì không thể yêu mến Chúa sâu xa được. Người tu sĩ nào không nhìn thấy Chúa nơi tất cả những gì xảy đến với mình thì cũng sẽ không có đủ nội lực thiêng liêng để gắn kết với Chúa. Người sống đời dâng hiến nào không đưa cuộc sống vào Tin Mừng và không đưa Tin Mừng vào cuộc sống thì sẽ thấy mình lạc lõng và chẳng biết Đức Kitô ở nơi nào để mà theo.

“Bước theo Đức Kitô” chính là đi cùng với Ngài trên mọi hành trình Ngài đi. Hành trình ấy có thể là những khúc khuỷu của các ngả đường rao giảng, nhưng đỉnh cao chính là hành trình đi lên đồi vắng cùng với cây thập tự đầy thương đau. Nhớ lại thời khắc lúc Giêsu bị bắt, bị kết án và bị hành hình, các môn đệ bỏ chạy tán loạn, người thì bán Chúa, người thì chối Chúa, người thì tìm mọi cách để thoát thân. Đứng dưới chân thập giá, chỉ có rất ít người thân cận của Ngài. Thân phận người phụ nữ yếu đuối, lòng đau như cắt, nhưng Mẹ vẫn đứng đó, ngước nhìn lên cây thập giá cách quả cảm, chiêm ngắm từng nhát roi, từng dòng máu chảy ra từ chính thân thể của con trai mình. Đây chính là thân thể mà Mẹ đã sinh ra, đã chăm bẵm cho từng chút một, không dám làm gì để bị trầy xướt. Vậy mà giờ đây, Thánh Thể ấy bị đối xử tàn tạ chẳng còn chi hình hài. Chính ngay nơi đỉnh đồi đau thương này mà tư cách người môn đệ Chúa của Mẹ được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, tiếng “xin vâng” của Mẹ trở nên trong vắt và sâm đậm hơn lúc nào hết. Câu chuyện giáng sinh đã nói cho Mẹ biết là Chúa của Mẹ vốn yêu thích cái nghèo; lời của cụ Simeon năm xưa đã giúp Mẹ chuẩn bị tinh thần cho một vết đâm vào trái tim thanh khiết; câu nói của Giêsu mấy chục năm trước giờ đây Mẹ đã hiểu: thế nào là thực thi ý Cha. Mẹ đã khởi đầu hành trình theo Chúa cùng với Giêsu và Mẹ đã cùng Giêsu đi đến sự hoàn tất.

Thật không thể hiểu nỗi nếu có ai đó tự nhận mình là người của Chúa nhưng lại chẳng biết gì đến hai chữ “hy sinh”. Không vác cây thập giá lên đồi cùng với Chúa thì chỉ có thể là chối Chúa, bán Chúa hoặc bỏ mặc Chúa mà thôi. Sống trong đời tu, người tu sĩ phải hy sinh nhiều lắm. Họ không được có gì sở hữu riêng, họ phải để con tim mình được thanh thoát, họ phải từ bỏ luôn cả phán đoán, ý nguyện của mình. Rồi cả nỗi cô đơn khi tuổi già đến, những trống vắng khi chẳng ai ở kề bên. Những câu kinh biết đâu cũng có khi trở nên nhàm chán. Đời sống cộng đoàn lắm lúc trở nên gánh nặng. Có thể họ được nhiều người yêu mến và kính trọng, nhưng sự đời là thế: cái gì thuộc về nhiều người thì rốt cuộc chẳng thuộc về ai. Họ làm những việc chẳng ai muốn làm. Họ cống hiến nhưng có khi chẳng ai thừa nhận. Họ sống thật thà thì bị gọi là người cõi trên. Họ dấn thân để rồi bị coi là kẻ ngu muội… Khi tất cả mọi sự dường như quay lưng lại với họ, kể cả bạn bè và người thân, họ được mời gọi nhìn lên đồi vắng, nơi có một bóng hình bị treo trên cao và một bóng hình khác bị mũi gươm đâm vào trái tim tan nát. Đó là hy sinh, là thập giá, là cái giá và cũng là phần thưởng của đời tu.

Nhìn lên Mẹ, người tu sĩ thấy được chân dung của một môn đệ thực thụ. Đó là người mau mắn thưa tiếng “xin vâng”, là người dùng nội tâm để nhìn thấy Chúa trong mọi sự và là người đi cùng với Chúa trên mọi nẻo đường – hy sinh hằng ngày và chết đi đến tận cùng. Nhưng bao trùm tất cả những điều này là tình yêu và một niềm vui thiêng liêng khôn tả. Người tu sĩ nào không vui khi gật đầu với Chúa thì không sẵn sàng cho sứ mạng của Chúa. Người sống đời dâng hiến nào hy sinh với vẻ mặt u ám thì chỉ đang làm một chuyện dại dột hại đời mình. Người môn đệ nào tiến đến cái chết mà không chan chứa trong lòng một hy vọng phục sinh thì chỉ như tự đưa mình vào hỏa ngục. Cái mâu thuẫn của đời tu là thế: từ bỏ nhưng vui, hy sinh như hạnh phúc, bị ghét bỏ nhưng lòng vẫn chan chứa tình yêu thương.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ