SỐNG LẠI MỘT CUỘC ÐỜI


Ðào Ngọc Ðiệp

I. NHỮNG GÓI QUÀ CỦA NGƯỜI LẠ MẶT

Tôi ngạc nhiên khi vừa đặt chân vào văn phòng làm việc của mình. Ngay trong lobby, những thùng giấy to nhỏ xếp đầy một góc. Tất cả những thùng giấy đều có tên và chức vụ của tôi và người gửi là công ty Dell. Tôi cho mời người chánh văn phòng lên để hỏi về xuất xứ những thùng hàng vừa nhận vì tôi không hề đặt mua những giàn máy computer này. Người chánh văn phòng cho biết cô chỉ ký nhận khi thấy tên tôi và tên công ty như bất cứ kiện hàng nào đã gửi tới chứ không hề tìm hiểu xuất xứ vì đó không phải là công việc của cô.

Tôi gọi điện thoại nói chuyện với nhân viên tiếp thị của hãng Dell để tìm hiểu nguồn gốc những thùng hàng. Chính người nhân viên này cũng lúng túng khi tôi cho anh biết tôi không hề đặt mua bất kỳ máy móc nào của Dell trong 6 tháng qua. Rất có thể đây là sự lầm lẫn vì trong công ty của tôi không ai đặt mua hàng hóa lại không qua sự chấp thuận của tôi. Nghe thế người nhân viên tiếp thị của Dell đã hứa sẽ truy tìm xuất xứ và sẽ cho tôi biết câu trả lời chính xác về những thùng hàng trên.

Buổi chiều cùng ngày, Bob Newman, một giám đốc nghành Tiếp Thị của công ty Dell đã gọi và cho tôi biết món hàng này của một người tên Kaveh Kamyab gửi tặng tôi và tiền bạc đã được thanh toán sòng phẳng. Ðây là một desk top computer system 400 mhz trị giá $1323.99. Họ chỉ chuyển hàng theo yêu cầu người đặt mua. Còn nguyên do họ không biết!

Thật là khó hiểu! Tôi không hề quen biết người nào có tên lạ như thế và moi móc trong từng ngăn trí óc tôi cũng không thể hình dung ra được ai là Kaveh Kamyab. Kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy rất có thể đây là một chuyện. không mấy tốt đẹp! Tôi đem vấn đề chia sẻ với người chủ công ty. Ông khuyên tôi cứ để xem chuyện gì sẽ xảy ra không nên quan tâm lắm về vấn đề, nếu thấy không thoải mái thì gửi trả lại. Thật ra câu khuyên bảo vô thưởng vô phạt của ông không làm tôi an tâm là mấy, nhưng tôi vẫn để nguyên những thùng hàng ở một góc và trong thâm tâm đã định làm theo lời ông là trả lại món quà không rõ nguồn gốc này. Tôi mời người chánh văn phòng lên để giao việc hoàn trả cho cô rồi đi thăm các cửa hàng của công ty như thường lệ.

Sáng sớm hôm sau trở lại làm việc, những kiện hàng vẫn còn nằm nguyên chỗ cũ khiến tôi khó chịu. Tôi định sẽ gọi cô ta lên để hỏi về việc hoàn trả món hàng thế nào nhưng còn quá sớm cô chưa tới văn phòng. Tôi bắt đầu công việc với một xấp thư xếp ngay ngắn ở góc bàn. Trong xấp thư vừa nhận có tấm thiệp cám ơn của Kaveh Kamyab. Mở phong thư tôi giật mình và hơi khựng lại vì tấm hình của một nhóm 9 nhân viên xa lạ đang toét miệng cười với bộ đồng phục là chiếc áo blouson trắng. Tôi vẫn chưa nhận ra một người nào quen biết. Tôi lướt qua mấy hàng chữ nguệch ngoạc sai văn phạm của Kamyab:

Dear Mr. J.
You may be surprise and may not recognize me, a foolish bum begging your customer money. I learn your idea and change myself. Your $50 is help but your thinking make me change my life. I am now a line leader in Farmer Jones. Around me is my employee. I am happy with my new life. The gift I send you is my thank you to make me change my life. I never forget what you done for me Mr. J.
Kamyab

Thì ra là thế! Tâm tưởng tôi chợt như một cuộn phim chiếu ngược lại một phần cuộc đời trong quá khứ.

II. TỪ QUÁ KHỨ

Một ngày cuối năm 1987, sau giờ học tôi vào Student Union để ăn trưa. Khi tới gần cửa ra vào có một sinh viên tàn tật lớn tuổi trên xe lăn đang cố gắng mở cửa và lăn xe vào với cả một sự chật vật. Anh mở được cửa nhưng khi bắt đầu lăn được bánh xe thì cửa đã đóng. Mồ hôi vã ướt trán mà anh vẫn không qua khỏi cánh cửa rộng. Tôi thầm nghĩ: "Tại sao có cửa ra vào cho người tàn tật mà ông ta lại không đi?" Tôi cũng thấy vô số kẻ qua người lại nhưng chẳng một ai dừng lại để giúp anh ít là giữ cánh cửa rộng mở cho anh lăn xe qua. Thấy thế, tôi vội xà tới mở rộng cánh cửa và tươi cười bảo anh: Let me help you! Thay vì nghe tiếng cám ơn, một tràng những tiếng thô bỉ, tục tĩu kèm theo câu quát tháo: "Tao tàn tật nhưng không phải tàn phế, đồ khốn kiếp, tránh ra! không cần mày giúp." Tôi ngượng chín cả người trước hàng trăm cặp mắt của các sinh viên khác trong phòng ăn đổ dồn vào tôi như thể tôi vừa có một hành vi đê tiện khó dung. Tôi bỏ ăn và lặng lẽ rút lui mà không hiểu mình đã làm điều gì lầm lỗi.

Buổi chiều cùng ngày sau giờ lớp, tôi rời phòng học với ý định về nhà tắm rửa cho quên nỗi muộn phiền và để xả bớt những điều "xúi quẩy"!!? Một bàn tay mềm vỗ nhẹ lên vai tôi. Người phụ giảng gốc Hoa mỉm cười và với vẻ mặt thân tình bảo tôi:
- Tôi đã chứng kiến việc anh làm hồi trưa ở cửa phòng ăn!. Ðể tôi đỡ ngượng cô nói tiếp, mình là người Á Ðông có thói quen giúp đỡ người già cả và tàn tật như vậy, nhưng ở đây. họ không làm thế đâu!
- Tôi đã làm điều gì sai cô biết không?
- Không, anh chẳng làm gì sai cả! Việc làm của anh rất tốt. Gã tàn tật là một tên điên! Chẳng phải một mình anh bị hắn chửi rủa nhưng rất nhiều người đã bị như thế! Chính một người bạn của tôi cũng vậy! Ðó chính là lý do mọi người làm ngơ không mở cửa cho hắn! Anh mới tới đây học à!
- Ðây là năm chót nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông ta!
- . . .
"Ở đây họ không như thế"! Có lẽ như vậy! Con người sống trong thế giới vật chất dư thừa và phương tiện giải trí đầy đủ thì có ai đáng để họ quan tâm nữa! Cái chủ nghĩa duy cá nhân cũng là một điều hay đấy! Tôi đã nghĩ như thế qua bài học cay đắng buổi trưa hôm ấy!

III. TỚI HIỆN TẠI

Tuần lễ đầu tiên trong chức vụ Tổng quản trị công ty, tôi cho đặt một lô các bảng hiệu để treo tại các cửa hàng, trạm xăng của công ty ngay trong tầm nhìn của khách hàng: "For your safety, please don't give panhandlers money! Your money will be used for drugs and alcohol! Save for a charity!". Tôi cũng đồng thời tìm ra kẽ hở của luật pháp để treo bảng ngay gần cửa ra vào "No service for disabled persons". (Chiếu theo một trong các điều khoản của California Assisitive Technology System: Trạm xăng tự bơm (self-serve) được miễn trừ việc phục vụ người tàn tật khi chỉ có một nhân viên điều hành với điều kiện phải treo bảng cho người tàn tật nhìn thấy). Tôi coi đây là hai điều ích lợi cho công ty nhằm bảo vệ nhân viên và khách hàng khỏi bị quấy rầy trong khi mua bán.

Lần đầu tiên tôi thấy Kamyab khi anh ta ra vào cửa tiệm mua bánh kẹo và nước ngọt lúc tôi thăm viếng cửa tiệm vào giờ ăn trưa. Quần áo bảnh bao, râu ria nhẵn nhụi, dáng vẻ sạch sẽ tôi cứ ngỡ anh là một trong những khách hàng của mình. Trước lúc rời tiệm hôm đó, thấy anh đứng bơm xăng, tôi đi ngang còn mỉm cười và chào hỏi anh: "Mỗi ngày anh tới bơm xăng ở đây mấy lần"? Anh chỉ cười không trả lời. Khi xe tôi đã ra tới ngã tư và dừng lại trước đèn đỏ, nhìn vào cây xăng thấy Kamyab cầm xấp báo và cây chùi kính lảng vảng nơi một xe khác tôi mới giật mình thầm nghĩ: "Bố khỉ, hắn ta là một gã cầu bơ"! Tôi gọi điện thoại cho người nhân viên trong tiệm và yêu cầu anh gọi cảnh sát trục xuất tên "cầu bơ" này tức khắc!

Lần thứ hai tôi gặp lại Kamyab là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 1998. Tôi không thể hình dung nổi con người tiều tụy, hốc hác và đáng thương của anh: Râu ria tua tủa, quần áo bẩn thỉu và hôi hám thối tha. "Hắn xuống sắc thật sự!" Tôi thầm nghĩ như thế. Thấy tôi chăm chú nhìn anh, anh như nhận ra tôi là người của công ty nên quay lưng bỏ đi nhưng tôi ngoắc anh lại:
- Hôm nay thứ Sáu Tuần Thánh, tôi không muốn gọi cảnh sát làm lớn chuyện, nhưng anh có bao giờ đứng trước gương để soi mình không? Con người anh hôm nay so với 6 tháng trước tôi gặp là 2 con người hoàn toàn khác lạ. Chẳng lẽ anh tiếp tục sống hết kiếp này như thế sao? Anh còn trẻ hơn tôi ít nhất 10 tuổi! Không lý nào một biến cố, một người đàn bà hay một chuyện buồn nào đó của cá nhân anh lại khiến anh đày đọa mình suốt một cuộc đời như vậy.
- !!!. Anh chỉ im lặng nhìn tôi với cặp mắt đỏ ngầu.
- Anh bạn, hôm nay tôi có số tiền nhỏ này tặng anh. Tôi móc bóp, chỉ còn đúng $50 trong ngăn nhỏ. Ðây là số tiền "phòng xa" tôi chỉ lôi ra sử dụng trong lúc khẩn cấp! Tôi đưa cho anh và nói tiếp. Anh hãy đứng trước tấm kiếng nào đó nhìn lại mình và tự suy nghĩ điều tôi vừa nói. Ðừng lau kính xe cho thiên hạ thế này nữa, chẳng có tương lai đâu anh bạn. Mình là thanh niên mà! hãy nghĩ như vậy mà làm lại cuộc đời!

Bẵng đi hai năm trời tôi không gặp lại anh nơi cây xăng của công ty. Anh đã suy nghĩ và tìm ra chân lý để sống lại một cuộc đời mới, một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời đáng sống!

IV. NHỮNG TÂM TÌNH MÙA PHỤC SINH

Những món quà của người xa lạ, những câu thóa mạ và xỉ vả của người sinh viên tật nguyền và những kẽ hở của luật pháp bị lợi dụng đã là một phần kinh nghiệm trong cuộc sống rất thật và rất người của tôi. Tôi cũng như bao nhiêu người Việt tha hương khác đã và đang bị nắn đúc theo cảm quan và nhân cách thời đại. Ðiều tôi muốn chia sẻ ở đây không phải là những hành động và tâm tình ấy mà là sự hồi tâm và thay đổi lối sống của Kamyab. Chỉ với 50 dollars bố thí vì tội nghiệp hơn là giúp đỡ và vài câu nói mang vẻ thương hại và kích động hơn là ủi an đã khiến anh ta can đảm chỗi dậy làm lại cuộc đời. Một cuộc đời đúng với nhân phẩm con người. Một cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống! Còn chúng ta, những người Kitô hữu vừa cùng nhau cử hành mầu nhiệm Phục Sinh của Ðức Kitô, một biến cố cực thánh, liệu biến cố ấy có đem lại một sự thay đổi nào trong cuộc sống của chúng ta không?

Sự gặp gỡ giữa Ðức Kitô và người tín hữu chúng ta không phải chỉ đôi lần như Kamyab đã gặp tôi, mà là trong suốt cả cuộc đời qua những bí tích chúng ta lãnh nhận, qua những nghi thức Phụng Vụ chúng ta cử hành và qua những người anh chị em chúng ta gặp gỡ... Quà tặng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không phải chỉ là 50 dollars bố thí vì thương hại mà là Ơn Thánh và Tình Yêu dư tràn và khôn ví. Tình Yêu đó được thể hiện trên một thân xác đã bị đánh đập đến bầm dập, bị treo trên thập giá và bị chôn táng trong mồ. nay đã hồi sinh. Tất cả những hồng ân cao cả và biến cố cực thánh ấy liệu có đủ mạnh để đánh động những tâm hồn đã và đang bị chai đá do sức ép của cuộc sống, do cảm quan của xã hội và do nhân cách của thời đại không?

Ðức Kitô khi sống lại đã không ngồi yên trong mồ đá mà là cửa mồ bật tung! Ngài bước ra ngoài và qua các chứng nhân của mình đã miệt mài đi tới trên khắp nẻo đường của thế giới mà chạm đến những cõi lòng, và làm sống dậy nơi những cõi lòng ấy lòng yêu mến, niềm say mê sự thật, sự dấn thân cho Nước Trời và những giá trị cao đẹp cả đời Ngài đã rao giảng và vun trồng. Còn chúng ta, qua bí tích Thánh Tẩy và nhất là qua bí tích Hòa Giải, chúng ta cũng vừa cùng sống lại với Ðức Kitô, liệu chúng ta đã có thái độ dấn thân cho Nước Trời thế nào hay vẫn còn ủ rũ ngồi yên trong mồ đá?

Khuôn mặt các Tông Ðồ xuất hiện ở đây cũng là những bằng chứng hùng hồn và cụ thể. Khi Ðức Kitô bị chôn táng trong mồ thì chính các ngài cũng bị chôn vùi trong nấm mồ thất vọng và sợ hãi. Nhưng hôm nay, khi Ðức Kitô sống lại trong vinh quang thì chính họ cũng được phục sinh. Họ đã bước ra khỏi nấm mồ chán chường, thất vọng và khiếp nhược để bôn ba khắp nơi mà làm chứng và rao giảng. Từ nay, không một ai, một quyền lực nào trên trần gian có thể ngăn cản nổi những bước chân của niềm hi vọng vượt trên mọi hi vọng ấy. Liệu chúng ta đã chỗi dậy và bước ra khỏi nấm mồ xác thịt để sống cho những giá trị tinh thần và rao giảng về Ðức Kitô Phục Sinh chưa? Hay nói cách khác, liệu chúng ta đã chỗi dậy để sống một cuộc đời mới, một cuộc đời vừa được cùng Ðức Kitô Phục Sinh chưa?

Mùa Phục Sinh 2000


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà