Ý nghĩa cái chết

Ông Freud nói rằng tình yêu và sự chết liên hệ vớí nhau. Nhưng ông hiểu tình yêu là giới tính. Thoả mãn giới tính mang đến sự chết dần dần. Ðiều đó đúng.

Thưa quý vị,

Khi mất an toàn vĩnh hằng, người ta tìm bù lại bằng an toàn thời gian nơi vật chất. Khi linh hồn trở nên nghèo nàn thiêng liêng, sẽ tìm giàu có trong của cải. Nhưng càng giàu có vật chất, càng sao lãng con đường siêu nhiên. Muốn giàu có siêu nhiên người ta phải biết lắng nghe Lời Chúa Giêsu: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” (x Mt 5,3). Ngài còn tuyên bố tiền bạc là đối thủ chính thức cuả Thiên Chúa vì nó có khả năng cung cấp mọi thứ con ngươì cần thiết giống như Thiên Chúa vậy. Cho nên nếu cứ yêu chuộng vật chất, con người không còn ham thích đàng thiêng liêng nữa. Ðó là thảm cảnh của các linh hồn tân thời. Nghèo không phải là nguyên nhân mất hạnh phúc và cãi cọ. Nguyên nhân đích thật của nó là lòng ham muốn những tiện nghi mà tiền bạc có thể mua. Hai vợ chồng nghèo chịu khó làm ăn đâu mất hạnh phúc? Khi họ ham muốn tài sản, lúc ấy đưa nhau ra toà ly dị. Một thày dòng nghèo khó vui vẻ thân thiệt hơn một tỷ phú keo kiệt. Cho nên những ai chủ trương kinh tế giải quyết mọi vấn đề, quên rằng:

1. Hai ông bà trong vườn địa đàng hưởng nền kinh tế hoàn hảo nhất, vậy mà tội lỗi vẫn lẻn vào được lòng trí họ.

2. Nghèo khó là cơ hội tốt để cái tổ nếp sống bê tha. 

3. Cái gây nên bất ổn là dục vọng chiếm hữu chứ không phải thiếu thốn. Lòng tham vô đáy của con ngươì khiến đương sự trở nên bất hạnh. Cho nên họ tìm đủ mọi mánh khoé để chiếm đoạt. Ðộng lực chính của nó là cảm giác an toàn. Một khi an toàn thiêng liêng đã đổ vỡ, bị đuổi ra khỏi điạ đàng, ngươì ta cũng bị đuổi ra khỏi đời sống an toàn tâm linh. Con người trở nên trống rỗng và bấp bênh.

Người ta tìm kiếm an toàn vật chất để bù lại. Nhưng cái chết lấy đi sự an toàn này, do đó ngươì ta sợ hãi thần chết. Tâm lý chung của con ngươì tân thời là như vậy. Ngược lại ngươì tín hữu tin cậy vào Thiên Chúa nên không sợ chết, vì an toàn  của họ là ở nơi Thiên Chúa, không ở nơi vật chất. Các thánh tử đạo vui vẻ ra pháp trường vì tin tưởng Thiên Chúa đang chờ đón. An toàn vĩnh cửu của họ được đảm bảo vững chắc. Như vậy cái sợ của người thế tục là tha nhân chứ không phải Thiên Chúa. Tha nhân có khả năng phá hủy an toàn của mình. Người tin Chúa không sợ tha nhân bẻ gãy an toàn nội tâm. Do đó, họ dễ dàng thi hành bác ái và hoà hợp được với người khác. Ngược lại, người không tin coi người khác là mối đe doạ, là kẻ thù đáng sợ. Họ tiêu diệt nhau bằng lời nói hoặc gươm đao. Chiến tranh giữa các ý thức hệ là một chứng cớ rõ ràng. Người không tin tiêu diệt tính bất tử của linh hồn mình. Cho nên họ dễ dàng phá huỷ điều đó nơi kẻ khác. Ðối với họ tránh thai, nạo thai, chết êm dịu là lẽ đương nhiên, không cần suy nghĩ.

Ông Freud nói rằng tình yêu và sự chết liên hệ vớí nhau. Nhưng ông hiểu tình yêu là giới tính. Thoả mãn giới tính mang đến sự chết dần dần. Ðiều đó đúng. Nó không những đem lại cái chết cá nhân, nhưng còn cho cả nòi giống, nếu như người ta ích kỷ, chỉ muốn hưởng thụ thoả mãn mà không tính đến trách nhiệm. Ngoài có đức tin cũng tin tình yêu và sự chết liên kết. Nhưng ở nghĩa Chúa Giêsu đã nêu gương chết đi cho kẻ khác được sống, hy sinh bản thân để mưu cầu hạnh phúc cho thiên hạ. Thứ tình yêu này chinh phục sự chết bằng một cuộc sống lại vinh hiển.

Cho nên thế gian khiếp sợ giáo lý của Chúa Giêsu. Họ khiếp sợ những điều mà Chúa dạy bảo  đừng sợ. Ngài dạy bảo đừng sợ vua chúa, quan quyền, những kẻ chỉ giết được phần xác. Hoặc đừng sợ bấp bênh kinh tế: Chim trời, cá biển Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, hoặc tương lai bất định vì lo lắng có làm cho đời mình ngắn đi hay dài hơn được phân ly nào đâu? Nhưng chúng ta nên sợ Ðấng có thể ném cả linh hồn lẫn thể xác xuống điạ ngục (x. Mt 6,25). Chúng ta phải tìm kiếm nước trời và lòng kính tôn Thiên Chúa. Ðiều mà thế gian mù tịt. Thế gian cố gắng biến cái chết thành bản kịch hài hước. Họ trang điểm xác chết như đang ngủ và gọi là đi xa, hay khuất núi. Họ nói có sinh thì phải có tử như ngọn nến thắp sáng rồi tắt đi. Họ quên rằng ánh sáng ấy còn lan mãi trong vũ trụ với tốc độ 300.000 cây số một giây? Ánh sáng ấy còn tồn tại ở đâu đó trong không gian bao la. Cuộc sống con người mau qua như trái cây, phát sinh, lớn lên, chín và rụng. Nhưng mầm sống của nó tồn tại mãi mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Người ta còn so sánh đời sống con người như súc vật, chết đi là hết dù có sợ sệt đến mấy. Tuy nhiên, súc vật đâu có ý thức được mình chết. Ðiều mà con người biết rõ ràng. Sự khác biệt giữa con người có trí khôn và súc vật vô tri là ở điểm này. Vậy thì hệ quả là ở chỗ nào? Ở chỗ, tâm trí người ta đứng ở bên ngoài cái chết, xem xét nó, nhìn vào nó, siêu việt hơn nó và thắng được nó nhờ vào một cuộc sống lại. Con người không vĩnh viễn chết. Chỉ ngủ một giấc ngàn thu như Chúa xác nhận. Chúng ta sợ hãi cái chết là bởi vì phần nào cảm nhận được sự bất tử. Súc vật không có cảm giác đó, cho nên nó chết tự nhiên khi cuộc đời chấm dứt. Ngược lại chúng ta nghi ngờ rằng mình đã đánh mất tính vĩnh hằng của bản thân. Chết không nằm trong cuộc sống Chúa ban cho. Ðiều chi đó đã chen vào làm cho người ta phải chết. Khát vọng sống mãi của chúng ta không thể bị dập tắt nếu không có yếu tố ngoại lai này. Theo ngôn ngữ tôn giáo: Thiên Chúa không làm nên sự chết nơi con người. Vậy thì phải tìm nó ở một nơi khác. Kinh Thánh mạc khải yếu tố ngoại lai này là tội lỗi. Khi Thiên Chúa dựng nên con người là cho nó chia sẻ cuộc sống vĩnh cửu của mình. Nhưng tội lỗi đã bẻ gãy chương trình của Thiên Chuá. Cho nên con người hôí tiếc sự mất mát này. Ðáng lý họ có sự sống vĩnh hằng, nhưng thực tế không có. Cuộc đời con người không có tất cả ân huệ Thượng đế ban. Do vậy, họ khắc khoải khôn nguôi. Vì tội lỗi, cuộc đời họ không hoàn toàn am hợp với bản vẽ Thiên Chúa phác hoạ. Họ đã phung phí tài năng, thời gian vào những hoạt động xấu xa, phản lại Ngài. Nhiều khi ý thức về tội lỗi trở nên sắc bén, đè nặng lương tâm con người và dẫn đến tự vẫn. Người môn đệ Chúa nên giúp đỡ những linh hồn này lấy lại tin cậy vào lòng thương xót vô bờ của Thượng Đế.

Thực ra, việc suy gẫm về sự chết dẫn đưa đến những sự thật vĩ đại và hy vọng lớn lao. Thứ nhất, đối với người tín hữu, caí chết là dấu chỉ sự dữ hiện diện trong thế gian. Không thể chối cãi sự kiện, nếu còn lương tâm ngay thật. Chỉ những lương tâm hư hỏng mới khước từ. Bởi vì sự dữ cho nên nhân loại mới phải chết, không có sự dữ loài người sống mãi. Thánh Phaolô nói: “Tiền công của tội lỗi là sự chết.” Nhưng chết không chỉ trong lĩnh vực thân xác, mà còn tâm linh và luân lý nữa. Chết về phần linh hồn gọi là cái chết thứ hai. Sách Khải Huyền viết: “Ta biết việc các ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, nhưng thực ra đã chết” (3,1). Cái chết đầu tiên Kinh Thánh nói tới là cái chết tâm linh. Nó liên quan đến tội lỗi, ông bà chống lại Thiên Chúa. Và nó xuất hiện như hình phạt. Cái chết thứ hai là thân xác: Cain giết Aben em mình, chống lại nhân loại. Vậy có hai hình thức sống thì cũng có hai hình thức chết. Linh hồn là sự sống của thân xác. Linh hồn lìa khỏi xác, thân xác chết. Ơn thánh là sự sống của linh hồn. Mất ơn thánh linh hồn chẳng còn sống. Chúa Giêsu nói đến sự kiện đó khi tuyên bố: Ðừng sợ những kẻ giết được thân xác. Nhưng hãy sợ Ðấng giết cả linh hồn lẫn thân xác. Như vậy, hiện nay trên thế giới vô số thân xác còn sống mà linh hồn đã chết. Khi người ta chết cả thân xác và linh hồn không chi cứu vãn được. Trường hợp là tuyệt vọng.

Tuy nhiên, đức tin Công giáo coi sự chết là thảm kịch, đồng thời là hình phạt, và nhờ đức tin, người ta có thể chiến thắng. Chúa Giêsu đã uống cạn chén đắng của tử thần và đã trỗi dậy khi Phục sinh. Ngài thông cảm với nhân loại và ban ơn cứu rỗi cho những ai có lòng tin. Dù sự chết có mạnh mẽ đến mấy, tàn phá hết mực và độc ác thế nào đi nữa thì vẫn chịu thua trước đức tin của kẻ có đạo. Cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu là vĩnh viễn và là gia sản chung cho cả nhân loại. Những ai tin tưởng vào Ngài sẽ được ban chiến thắng này.

Mặt khác, cái chết còn nhiều ý nghĩa nữa. Nếu không có cái chết, sự dữ ở thế gian sẽ tồn tại vô tận. Nhưng cái chết kịp thời ngăn chặn không để cái ác vượt qua khỏi nấm mồ. Nêron, Tần Thuỷ Hoàng, vua chúa Ai Cập, Thiệu Trị, Tự Ðức không thể tác hại mãi sau khi qua đời. Các ông buộc phải chấm dứt hành vi gian ác lúc suôi tay nhắm mắt. Người ta kể chuyện Alexandre đại đế trối lại cho triều đình khi chôn cất ông, thì để hai tay buông thõng ra ngoài quan tài, chứng minh ông không làm chi được nữa cho các đối thủ. Như vậy, cái chết là một dấu chỉ mạnh mẽ quyền năng Thiên Chúa trên thế giới và trên sự dữ, nó chấm dứt mọi sự dữ ở bất cứ hình thức nào: Ðộc ác, gian tà, thù nghịch, kiêu căng, mánh khoé... Ðó là lý do tại sao Thiên Chúa đặt một thiên thần cầm gươm lửa canh gác địa đàng, sau khi con người phạm tội, kẻo con ngươì vĩnh viễn hoá sự dữ của mình trong đó. Thiên Chúa chỉ cho phép tính bất tử của sự thiện, chứ không phải của tội lỗi. Của sự thật chứ không phải của gian tà. Sách Khải Huyền mô tả 7 tai ương tiêu diệt sự dữ trong ngày tận thế, để nhắc nhớ họ rằng sự dữ không tồn tại mãi mãi, các cơn bách hại tín hữu của ông đang chịu đựng sẽ có ngày chấm dứt. Sẽ có trời mới và đất mới. Vì những cái cũ đã qua đi. Phán xét là điều cần thiết để tỏ bày công chính và hư hỏng, công nghiệp và tội lỗi.

Phán xét cá nhân ở giây phút người ta tắt thở. Phán xét thế giới khi thời gian hết hạn gọi là tận thế. Lúc ấy giá trị của cuộc đời được lượng định và thưởng phạt. Chẳng lẽ thế giới này với tất cả gian ác của nó cứ tồn tại mãi mà không có ngày tội phúc phân minh? Sự vô nghĩa của cuộc đời phải có ngày tỏ lộ. Nếu không, công minh chính trực chẳng có ý nghĩa gì? Lý trí tự nhiên đòi hỏi ngày tận thế và phán xét. Chỉ những ai trí khôn không bình thường mới chối bỏ sự kiện. Chúa Giêsu đã mặc khải điều này vài lần trong Phúc Âm. Vậy mà nhiều linh hồn sống và hành xử như không có tận thế, không có phán xét chung và riêng. Họ tối tăm biết bao! Cần phải nhắc nhở họ luôn. Sách khải huyền nói đến việc phản Kitô xuất hiện. Có nghĩa nhân loại sẽ từ chối những giá trị Ðấng Cứu Thế rao giảng. Không chấp nhận giáo lý siêu nhiên, chỉ quan tâm những điều thoáng qua. Không coi sự chết của tín hữu là chiến thắng tử thần, nhưng chỉ là một ý nghĩa, một biến cố. Hậu qủa là các nền văn minh, các quốc gia và cả thế giới sẽ chịu chung số phận của thành phố Giêrusalem, bị quân đội La Mã phá huỷ bình địa năm 70 CN. Vì không nhận ra ngày giờ Thiên Chuá viếng thăm. Vậy thì khi làm cho sự chết chấm dứt mọi gian ác, Thiên Chúa khẳng định quyền bính của mình vượt lên trên tàn phá của tội lỗi. Ðây là ý nghĩa của câu Chúa Giêsu trả lời ông quan độc ác Philatô. Ông ta hỏi: phạm nhân không biết rằng ta có thẩm quyền kết án ông sao? Chúa nói: “Ông chẳng có quyền nào trên tôi nếu từ trời không ban cho”. Tức quyền tối thượng thuộc về Thiên Chúa, chứ không phải loài người? Vì vậy, một lần Thánh vịnh nói: “Ðấng ngự trên trời cao nhìn xuống, thấy thế bật cười. Ngài chế giễu chúng.” Chế giễu vì nhân loại ngây ngô, tự cho mình quyền phép mà mình không hề có. Tâm lý phì cười nói rõ rằng: Sự ngớ ngẩn khiến người ta phì cười thí dụ: Người phu quyét đường ăn vận y phục vua chúa. Anh hề giả tảng quan chức to, các tên độc tài thế gian bày trò làm thần thánh, hoặc thiên hạ toan tính vĩnh cửu hoá cái dữ của mình. Vậy chết là điều cần thiết để chấm dứt mọi gian ác trong vũ trụ.

Tuy nhiên, nếu không có thuốc chữa thì chết lại là điều vô lý. Vũ trụ sẽ đóng kín chính mình, một hệ thống bế tắc. Ðúng ra, nó phải xoay vần mở cửa cho tương lai. Vậy thì phục sinh là câu trả lời căn bản, cần thiết và hợp lý. Không những nó cống hiến chiến thắng cho loài người, mà còn vĩnh viễn tiêu diệt sự dữ. Kinh Thánh nói: Khi chết, Ngài đã tiêu diệt tử thần (Mortem moriendo destruxit). Từ ngày Chúa sống lại, lên trời và ban Thánh Thần xuống thì nhân loại có hy vọng lớn. Chúng ta được phục hồi điạ vị làm con Thiên Chúa, được tình yêu Ngài bao bọc qua các bí tích. Nghĩa là được cứu chuộc khỏi cửa điạ ngục, hoàn toàn tự do trong ơn thánh. Dĩ nhiên ơn bất tử phần xác phải đợi đến ngày phán xét chung. Nhưng nhờ đức tin chúng ta trực cảm cái chết của mình không hề là mối tuyệt vọng, ngược lại, phục vụ mục tiêu cao cả, là cuộc sống lại vinh hiển. Tại sao người ta ưa chọn cái chết anh hùng hơn tầm thường? Tử đạo, liệt sĩ hơn tai nạn xe hơi, tàu thuỷ, tuy cả hai hình thức chết đều dễ sợ như nhau? Phải chăng cái chết anh hùng cao cả hơn, vinh hiển hơn? Ðúng là tính vĩnh hằng ban cho sự chết một ý nghĩa đáng khát khao.

Chết là tận cùng của mọi sự dữ. Người ta có thể nhìn xem chân lý này trên gương mặt những người vừa mới qua đời. Gương mặt ấy bình an hơn lúc còn sống. Tất cả các cảm giác xấu xa như hận thù, ghen ghét, điên loạn, bất hòa đếu tan biến trên gương mặt. Và cũng chẳng ai để bụng trả thù họ. Trước thi hài người chết, tất cả đều tốt đẹp. Người ta ca tụng, thương nhớ. Mọi phẩm chất tốt đẹp đều được đẩy về phiá trước, cái xấu lui lại phía sau và quên lãng. Sự sống tỏ lộ cặn bã của tính nết; cái chết mạc khải điều cao thượng. Sự chết có sức mạnh bộc lộ cái tốt ra ngoài. Do đó, sự chết liên kết chặt chẽ với điều tốt. Ấy là xin trình bày nhận xét chung. Những trường hợp ngoại lệ xin nhường ý kiến qúi vị. Thí dụ cái chết của những tên độc tài gian ác khét tiếng.

Ngoài ra, cái chết còn bao gồm tình yêu. Ðúng hơn tình yêu luôn đòi hỏi sự chết. Bất cứ những ai chấp nhận yêu đương, đều chấp nhận hy sinh, tức cái chết nho nhỏ. Người thanh niên tặng chiếc nhẫn vàng cho cô gái anh ta yêu, chứ không phải nhẫn sắt, nhẫn chì, nhẫn nhôm, nhẫn giả, vì anh ta yêu cô gái. Giá cái nhẫn vàng là một hy sinh. Vượt lên trên những hy sinh nhỏ như vậy là cái chết cho tổ quốc hoặc nước trời. Những ai bám víu vào vật chất, chạy trốn hy sinh là kẻ hèn nhát, không xứng đáng với tình yêu cao cả. Vì vậy, Chúa dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống mình vì bạn hữu”. Chúa Giêsu là gương mẫu của thứ tình yêu này. Ngài thí mạng sống vì nhân loại. Vậy nếu chúng ta sẵn sàng chấp nhận cái chết, chúng ta tỏ lòng yêu mến Chúa. Từ chối hy sinh là chúng ta từ chối Ngài, hoặc chỉ yêu mến Ngài bằng môi miệng.

Chẳng phải mọi cái chết đều giống nhau: xuôi tay, nhắm mắt. Trái lại, nó có tính chất hoàn toàn khác biệt và cá nhân. Khi linh hồn lìa khỏi thân xác, chết bộc lộ bản ngã đích thực của từng người, lột sạch mọi che đậy và giả hình. Linh hồn đứng trước toà án Thiên Chúa trần trụi như thực chất. Nếu không có nhân đức như tấm áo che thân, người ta cảm thấy xấu hổ cực độ, giống như Ađam và Evà trong vườn địa đàng. Sau khi phạm tội, hai ông bà nhận ra mình trần truồng, phải lấy lá che thân và đi nấp. Như vậy, có mối liên hệ hữu cơ giữa tội lỗi và trần truồng ở giây phút phán xét, dù trong vườn địa đàng hay trong cuộc sống thường nhật. Những linh hồn thiếu ơn thánh thường tìm bù lại bằng y phục diêm dúa sặc sỡ, hoặc ăn vận thiếu đoan trang. Ðó là tâm lý chung. Ngày nay xã hội sa đoạ cho nên người ta ăn mặc lố lăng, hở ngực, hở mông, hở rốn. Nhưng linh hồn nhân đức không làm như vậy, vì tâm hồn họ đầy đủ ơn thánh.

Còn một thay đổi khác nữa khi linh hồn lià khỏi xác. Ðó là sự bình đẳng trước toà thẩm phán Thiên Chúa. Khi sống, người ta có thể thuộc giai cấp xã hội khác nhau: người giàu kẻ nghèo. Người sang kẻ bần cùng. Có những kẻ được hưởng đặc ân xã hội như vua chúa, quan quyền hoặc tôn giáo linh mục, giám mục, tu sĩ, đức ông. Có những người đẹp đẽ, tài ba, kẻ khác xấu xí, méo mó, đen đủi. Nhưng trước toà án, phán xét theo công trạng của mình mà thôi. Ðể dễ hiểu, chúng ta so sánh với các tài xé xe hơi. Họ lái đủ mọi kiểu xe: đẹp xấu, 20 mã lực, 100 mã lực. Nhưng khi vi phạm luật giao thông, thì được xét xử theo luật đó, bất kể kiểu dáng hay loại xe. Cũng vậy, những linh hồn được lượng giá theo trách nhiệm đối với bổn phận, chứ không theo giai cấp, địa vị xã hội, học thức hay ngu tối. Người ta sẽ đứng tách riêng ra một mình chứ không thuộc phe nhóm nào. Cũng không luật sư, trạng sư bào chữa. Không biện minh lý do nào khác. Không bênh vực giảm nhẹ. Chỉ có một tiếng nói duy nhất: đó là lương tâm. Nó sẽ bày tỏ thực chất của linh hồn. Thánh vịnh 139 viết: “Lạy Chuá, Ngài dò xét con, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa. Ði lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét. Mọi đường nẻo con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt lên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.” Vậy cần chi phải biện hộ? Chết sẽ bày tỏ tính độc đáo của mỗi tư cách: khiêm nhường, kiêu căng, giả hình, chân thật, tội lỗi, trong trắng. Triết học kinh điển gọi là Incommunicabile (không chia sẻ được). Nó duy nhất cho mỗi tính cách cá nhân. Pascal nói: “Chẳng có gì quan trọng cho một người bằng tình trạng linh hồn họ. Chẳng có chi đáng khiếp sợ hơn số phận đời đời.” Chết đối chiếu bản thân với chính mình, không ảo tưởng, không lừa dối trong khả năng sáng suốt nhất của trí tuệ. Linh hồn thực sự nhìn rõ bản chất của chính mình, nhận ra quá khứ, hiện tại, tương lai. Trí nhớ sẽ giải bày hết mọi kinh nghiệm linh hồn trải qua, nết tốt, thói xấu, trách nhiệm đã chu toàn, bổn phận thiếu sót, việc lành, điều gian ác, kinh sách đã đọc, bác ái, ích kỷ, tham lam, kiêu căng, đam mê, nhất nhất đều được tỏ bày như các vi trùng dưới ống kính hiển vi. Không thiếu một chi tiết nhỏ nào trong cuộc sống của đương sự. Thật dễ sợ nếu người ta ý thức rõ sự kiện.

Làm thế nào được khả năng đôí diện với cái chết? Một biến cố chắc chắn và không thể chối từ? Nó sẽ xảy ra cho mỗi cuộc đời? Câu trả lời tuỳ vào niềm tin. Người không tin trả lời khác với các tín hữu. Người ngoại đạo mỗi lúc sống tiến gần đến cái chết. Ngược lại, kẻ có đạo từ cái chết lui về cõi sống. Người vô đạo tỏ vẻ quên đi cái chết của mình, nhưng thật ra, càng trở về già càng lo lắng sợ hãi. Các tín hữu chiêm ngắm cái chết để cố gắng sống tốt lành. Do đó, càng về già càng hy vọng vào Thiên Chúa, quê hương đích thực. Kẻ không tin chỉ có 2 kinh nghiệm: sống và chết. Nơi các tín hữu có 3: sống, chết và vĩnh hằng. Ðạo lý Công giáo luôn khuyến khích người ta suy tưởng về cái chết, ngõ hầu sống tốt hơn. Ðiều này mang lại hiệu qủa thiết thực. Bởi vì mặc dầu người ta chẳng thể sống lại quá khứ, nhưng có thể thăng tiến về tương lai. Mỗi lần cố gắng sống tốt lành chúng ta tự nghĩ: như vậy ngõ hầu mai ngày chết công chính. Tư tưởng này không có nơi những kẻ vô đạo.

Bí quyết thắng cái chết của người tín hữu gồm 2 điểm: 1/ Suy tưởng sự chết; 2/ Diễn tập chết bằng hy sinh hãm mình. Mục tiêu của việc suy gẫm cái chết là chinh phục sợ hãi chết, bằng cách trực diện với nó thường xuyên trong tư duy. Qua việc nếm trước cái chết trong trí khôn, chúng ta có cơ hội chiêm ngưỡng cõi đời đời. Chính Chúa Giêsu đã đi con đường đó khi Ngài khởi sự sống từ cây Thánh Giá lùi lại hang Belem. “Con Chiên đã bị giết từ nguyên thuỷ trời đất.” Ta đến để thí mạng sống cho thế gian. Mục tiêu đời Ngài là cây Thánh Giá chuộc tội nhân loại. Ðể thực hiện mục tiêu ấy, Ngài sinh xuống hang BeLem. Như vậy, nhờ năng tưởng nhớ sự chết, chúng ta suy nghĩ cao thượng hơn và loại bỏ được những cái nhìn thấp hèn trần tục, nhất là ảo tưởng rằng thế gian này không có luân lý. Mọi thứ đều là vật chất và hưởng thụ. Chắc hẳn ngày nay, bất luận cá nhân nào cũng được nghe về châm cứu. Phương pháp chữa bệnh này chẳng là gì khác ngoài dùng kim kích thích các huyệt trên thân thể làm cho các cơ năng hoạt động trở lại. Cũng vậy, suy gẫm về sự chết ảnh hưởng tốt trên cảm quan thiêng liêng. Nó phá vỡ tính thiển cận rằng trên đời này chỉ có sung sướng xác thịt mà thôi. Người ta phải tìm kiếm an toàn trong tiền bạc, nhà cửa, quyền lực. Tôn giáo dành cho những kẻ yếu thế, uỷ mị chứ không phải cho các người hùng mạnh.

Ðó là một lầm tưởng tai hại, có khả năng lừa dối vô số người nông cạn. Khi suy tưởng về cái chết của mình, thành trì ích kỷ của con người bị bắn phá tan tành. Chính Chúa Giêsu tuyên bố: được lời lãi cả thế gian, mà thiệt mất mạng sống mình, nào được ích chi? Lúc sinh vào thế gian, chúng ta nắm tay vơ vét và gây hấn. Nhưng khi nhắm mắt, hai tay mở ra buông suôi, mọi sự đều phân tán, chỉ còn: Opera enim illorum sequentur illos (những công việc họ làm đi theo họ). Cho nên suy niệm về cái chết có ích cho mỗi linh hồn. Chúng ta bớt ích kỷ, bớt tham lam thu tích, thi hành yêu thương bác ái nhiều hơn. Do đó, bớt lo lắng về số phận đời đời. Tâm trí được mở ra cho viễn tượng rộng lớn bao la.

Ðiểm thứ hai, diễn tập chết cũng giảm bớt sợ hãi. Các nhà khổ tu mỗi sáng thường ngồi bên miệng huyệt để suy gẫm, nhờ đó, suốt ngày họ sống thánh thiện hơn. Ngày nay, ít linh hồn thực hiện như vậy. Nhưng Hội Thánh khuyên thực hành khổ chế: ăn chay, hãm mình, hy sinh tập tành trước những cái chết nho nhỏ (morti - ficatio). Ðúng ra mỗi cái chết đều là một kiệt tác của đời sống. Kiệt tác không thể hoàn thành trong một ngày. Nó đòi hỏi năm tháng dài lâu. Người nghệ sĩ dùng tràng đục, đẽo gọt dần dần và khoé léo. Cuối cùng với tài ba ông hoàn thành tác phẩm và trình bày cho quần chúng. Kiệt tác của cuộc đời cũng không thể đạt tới trong giây lát. Nó đòi hỏi 10, 20, 30, 50, 100 năm hy sinh lao động cực nhọc. Giờ phán xét, hình ảnh giống Thiên Chúa của linh hồn được vén màn cho thế giới chiêm ngưỡng. Tu sĩ Don Scotus, Dòng Phanxicô, nổi tiếng suốt đời ăn chay phạt xác thực hành khổ chế. Lúc chết người ta ghi trên bia mộ ông: “Bis Mortuus, Semel Sepultus” (Chết hai lần, chôn cất một lần). Ước chi người ta cũng có thể ghi như vậy trên bia mộ chúng ta. Thực ra, khi chúng ta can đảm chết cho điều hạ cấp, thì điều thượng cấp lớn hơn lên trong linh hồn, thí dụ chết cho tính ích kỷ, thì rộng lượng lớn lên, chết cho ti tiện thì bác ái lớn lên, chết cho kiêu căng thì khiêm tốn nẩy nở, chết cho đam mê nhục dục thì thanh sạch trong trắng phát triển, chết cho hận thù thì yêu thương lan toả.

Cho nên muốn sống thánh thiện, thì xin ghi nhớ: chinh phục cái chết trong từng ý nghĩ, lời nói, việc làm bằng tư duy khẳng định cõi vĩnh cửu. Các tác giả đạo đức thường khuyên nhủ: làm mọi sự như thể là giây phút cuối cùng. Hơn nữa, nếu chúng ta đối xử với người còn sống như thể họ đã chết, lúc ấy tính tốt của họ sẽ lộ rõ. Còn đối với những kẻ đã qua đời như các người còn sống thì lời cầu nguyện của chúng ta sốt sắng hơn. Ðức tin vào luyện ngục giúp hăng hái làm việc đền tội thay cho các linh hồn. Bởi khi họ còn sống chúng ta đã không chu toàn bổn phẩn yêu mến. Lòng hối hận thúc đẩy đền bù bằng hy sinh, hãm mình và cầu khẩn. Tháng này là tháng các linh hồn hẳn các tín hữu chẳng thể lơ là trách nhiệm. Thắp nhang trên mộ họ không đủ, còn đòi hỏi khổ chế cho họ nữa, phép công thẳng của Ðức Chúa Trời chẳng thiên tư, tây vị ai. Thương yêu họ là cứu linh hồn họ thoát khỏi chốn luyện hình đau đớn.

Ðức tin Công giáo còn dạy: chết là sinh vào cõi vĩnh hằng. Một ngày sinh nhật mới, hạnh phúc và chân thật hơn. Khác với thói tục thế gian, Giáo Hội luôn chúc phúc cho con cái mình khi họ bước vào cuộc sống đời đời. Phụng vụ gọi là sinh nhật trên trời (Natalitia in coelo) chỉ trừ 3 lễ: Giáng Sinh Chúa Cứu Thế (25-12), sinh nhật Ðức Mẹ (8-9), sinh nhật Thánh Gioan Tiền Hô (24-6), vì 3 lễ này thể hiện ý nghĩa ơn thánh đổ vào trần gian. Thánh Gioan khỏi tội khi còn nằm trong bụng mẹ. Ðức Maria thụ thai tinh tuyền và dĩ nhiên Chúa Giêsu mang đời sống thần linh xuống cho nhân loại - 3 ngoại lệ không mâu thuẫn với quy luật chung: sự sống qua cái chết, thiêng liêng qua hy sinh hãm mình. Nhưng làm sáng tỏ quy luật ấy: ơn thánh Chúa Cứu rỗi linh hồn nhân loại. Mất mạng sống trần tục để được sống muôn đời. Linh hồn chỉ bằng lòng lên thiên đàng khi đã đền bù mọi lỗi lầm. Lúc ấy linh hồn nhận ra mình không còn dính bén thế gian. Nhưng yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực mình” (Mc 12,30). Cõi phúc đời đời là như vậy. Amen.

(Theo The Fear of death của ÐHY Fulton J.Sheen)

Fr. Thomas Tuý, OP, dịch

(emty.org Cập nhật: 02/11/2012 - 02:46:09)

 


Mục Lục