Được Sai Đi Làm Chứng

SUY NIỆM KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

(Is 1, 1-5; 1 Tm 2, 4 - 6; Lc 24,44-53)

Tháng 10, tháng truyền giáo

Bước vào tháng Mười, tháng 10 tháng Mân Côi, cầu cho chủng viện và chủng sinh; Chúa nhật thứ ba trong tháng, ngày Truyền giáo.

Ngày Truyền giáo Thế giới, còn được gọi là Khánh nhật Truyền giáo, được Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập năm 1926. Ngày này thường được tổ chức vào Chúa nhật thứ ba trong tháng 10. Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những sáng kiến như : phát động Tuần Truyền Giáo từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 10, và cao điềm là Ngày Truyền giáo Thế giới sẽ được cử hành vào ngày 23.

Khi nhấn mạnh rằng mọi thành phần Dân Chúa đều có trách nhiệm làm chứng cho Chúa Kitô. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi nhiều nỗ lực mới trong công cuộc truyền rao Tin Mừng, và bày tỏ rằng ngài tiếp tục mơ về một Giáo hội truyền giáo hoàn toàn, một kỷ nguyên mới của hoạt động truyền giáo giữa các cộng đồng Kitô giáo.

Truyền giáo là làm chứng

Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8) là chủ đề của Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu loan báo sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô trong mọi chiều kích của đời sống hàng ngày, nhất là bằng đời sống chứng tá.

Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8) ; đây là lời kêu gọi mọi Kitô hữu làm chứng cho Chúa Kitô. Đức Thánh Cha nói rằng “yếu tố này là trung tâm lời giảng dạy của Chúa Giêsu cho các môn đệ”. Ngài nói : “Mọi Kitô hữu được mời gọi trở thành một nhà truyền giáo và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Và Hội Thánh, cộng đồng các môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, không có sứ mạng nào khác ngoài sứ mạng đem Tin Mừng đến cho toàn thế giới bằng cách làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô. Truyền giáo là bản chất của Giáo hội” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Truyền Giáo, 2022).

Nói rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo ; mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo. Nếu như Thánh Phaolô kêu lên : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16). Thì Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói :  “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng mọi thành phần Dân Chúa đều có trách nhiệm truyền giáo và làm chứng cho Chúa Kitô, vì họ được Giáo hội sai đi nhân danh Chúa Kitô, như Chúa sai các môn đệ ra đi, từng hai người một. Đồng thời, “các môn đệ được yêu cầu sống cuộc sống cá nhân theo tinh thần truyền giáo: họ được Chúa Giêsu sai đến với thế giới không chỉ để thực hiện, nhưng còn và trên hết, sống sứ vụ được uỷ thác cho họ; không chỉ làm chứng, nhưng còn và trên hết trở thành chứng nhân của Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha nói thêm: “Trong việc loan báo Tin Mừng, gương mẫu đời sống của Kitô hữu và lời loan báo về Chúa Kitô không thể tách rời. Điều này phục vụ cho điều kia” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Truyền Giáo, 2022).

Như thế, ai đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo, dù nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể hàng ngày.

Truyền giáo là ra đi

Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo Hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha nhắc rằng, các môn đệ đầu tiên mở rộng sứ vụ truyền giáo của họ theo sự hướng dẫn quan phòng của Chúa chứ không với mong muốn chiêu dụ tín đồ. Khi bị bắt bớ, họ mang Tin Mừng đến những miền đất mới. Loan báo Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất”, theo Đức Thánh Cha, đây cũng là thách đố đối với các Kitô hữu ngày nay trong việc loan báo Chúa Kitô cho những người chưa gặp Chúa.

Chúa Thánh Thần hướng dẫn truyền giáo

Thời đại của người kitô hữu quả là thời đại của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn con người và lịch sử tới sự viên mãn, và thành toàn. Chúa Thánh Thần chính là sự sung mãn và phì nhiêu trong đời sống nội tại của Thiên Chúa. Ngài là Đấng kiến tạo sự mới mẻ và sức sống mới. Là ‘Thuyền Trưởng’ lèo lái con thuyền lịch sử và là linh hồn của đời sống kitô hữu (x. Kh 19,1-7). Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể làm chi được. Vì thế, Đức Thánh Cha khuyến khích các môn đệ truyền giáo nhận ra tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần trong hoạt động truyền giáo, gắn bó với sự hiện diện của Người và đón nhận sức mạnh cũng như sự hướng dẫn không ngừng của Chúa Thánh ThầnĐức Thánh Cha khuyên : “Thật vậy, chính khi cảm thấy mệt mỏi, không có động lực hoặc bối rối, chúng ta nên nhớ cầu nguyện với Chúa Thánh Thần”, bởi vì cầu nguyện đóng vai trò quan trọng trong đời sống truyền giáo vì nó “cho phép chúng ta được canh tân và củng cố bởi Chúa Thánh Thần” (x. PHANXICÔ, Sứ Điệp Truyền Giáo, 2022).

Khi trình bày trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2022 , Đức Thánh Cha viết : “Anh em sẽ nhận được sức mạnh từ Chúa Thánh Thần”. Ngài muốn nói rằng các Kitô hữu chỉ có thể “làm chứng đầy đủ và chân thực cho Chúa Kitô là Chúa với sự soi dẫn và trợ giúp của Chúa Thánh Thần”. Chúng ta không thể quên Đức Maria, ngôi sao truyền giáo và khẩn xin Mẹ trợ giúp chúng ta.

Nữ Vương truyền giáo. Cầu cho chúng con. Amen.

 

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


Trang Suy Niệm Các Chủ Đề Chung