Linh Mục Bác Sĩ Olivier Ở Congo: Cứu Mạng Sống Là Thánh Lễ Vĩ Đại Nhất

Cha Olivier Tundu Watuta đang thi hành nhiệm vụ bác sĩ đa khoa tại một bệnh viện ở hồ Kivu của Cộng hoà Congo. Hình ảnh linh mục bác sĩ không nhiều trong Giáo hội, nhưng đối với cha Olivier cứu mạng sống là Thánh lễ vĩ đại nhất.

Ngọc Yến – Vatican News 25 tháng tư 2023

Cha Olivier ở khu vực hồ Kivu,  gần bệnh viện Fomulac. Bệnh viện được người Bỉ xây dựng vào năm 1928. Khi người Bỉ rút khỏi Congo năm 2004, bệnh viện được giao cho Tổng Giáo Phận Bukavu quản lý. Năm 2010 bệnh viện bị hư hại nhiều sau trận động đất.

Vào thứ Ba Tuần Thánh năm 2023 vừa qua, linh mục đoàn của Tổng Giáo Phận Bukavu quy tụ quanh Đức cha François-Xavier Maroy cử hành Thánh lễ Truyền Dầu. Trong số đó có cha Claude Baguma, điều phối viên của nhiều dự án tại Fomulac. Cha làm chứng: “Trong Thánh lễ Truyền Dầu, tôi đã nghĩ rất nhiều về cha Olivier. Chúng tôi đã lặp lại lời hứa linh mục và sự hiệp thông của chúng tôi với giám mục. Cha Olivier đã làm điều đó trong bệnh viện khi đang phẫu thuật. Như thế, cha cũng hiệp thông với chúng tôi, vì ngài đang trong một việc phục vụ đòi hỏi ngài phải ở đó để cứu người. Thực tế, buổi sáng hôm đó, linh mục bác sĩ Olivier đã phải tiến hành một ca mổ lấy thai để bà mẹ có thể hạ sinh bé gái.

Ngay cả khi được phụ cấp, việc chăm sóc vẫn rất tốn kém đối với người nghèo ở khu vực này. Người mẹ không đủ khả năng chi trả 80 USD cho ca sinh mổ. Nhưng vì sức khỏe của bà đang bị đe dọa nên ca phẫu thuật đã được thực hiện. Để so sánh, lương tháng của y tá là khoảng 150 USD và của bác sĩ là khoảng 300. Trong khi các giáo viên tiểu học thường không được trả lương, thì mỗi giáo viên cấp tỉnh nhận được khoản thanh toán hàng tháng là 13.000 USD. Sự chênh lệch rất lớn.

Nếu khi còn trẻ, bác sĩ Olivier từng mong ước trở thành một nhà truyền giáo để loan báo Tin Mừng cho quê hương, ở những vùng xa xôi, nơi số người biết Chúa còn ít, thì ngày nay bác sĩ đã được toại nguyện không những theo khía cạnh tinh thần mà cả thế lý: bác sĩ linh hồn và chăm sóc sức khoẻ cho mọi người trong tư cách là bác sĩ. Hành trình ơn gọi linh mục của cha Olivier cũng như bao linh mục khác: bốn năm triết học và năm năm thần học tại đại chủng viện Bukavu.

Được phong chức linh mục năm 2004, linh mục trẻ chia sẻ sự ngạc nhiên của cha khi vào năm 2008, Đức cha François-Xavier Maroy yêu cầu cha theo học chuyên ngành y. Cha nói: “Tôi không đợi điều này, vì đó không phải là lựa chọn của tôi. Tôi không nghĩ mình có khả năng này. Ở tuổi 35, dành 10 năm cho việc học là quá dài. Nhưng tôi vâng lời và phó thác nơi Chúa, xin Người cho tôi sức mạnh và khả năng học. Tôi cũng nhận được sự khích lệ từ mẹ tôi và bạn bè linh mục”.

Trong Giáo hội, một linh mục thực hành ngành y phải được phép của Toà Thánh. Vì thế Đức Tổng Giám Mục của cha đã phải thực hiện các bước thích hợp này.

Cha bày tỏ về tình trạng bệnh viện thiếu phương tiện: “Tôi cảm thấy bất lực khi đứng trước các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính hoặc những bệnh nhân ở giai đoạn nặng. Tôi cảm thấy không thể giúp họ và cung cấp cho họ sự hỗ trợ cần thiết. Và tôi tự hỏi khi nào thì điều này chấm dứt. Nếu tôi có nhiều năng lượng, sức mạnh và thông minh hơn, tôi có thể làm tốt hơn, và điều đó ảnh hưởng đến tôi. Đôi khi tôi cảm thấy đau khổ, cô đơn, bị bỏ rơi, trong một nỗi buồn vì không thể làm tốt hơn”.

Đối với vị linh mục bác sĩ, hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Dầu là động lực cầu nguyện cho cha trong những lúc cảm thấy không thể vượt qua. Cha nói: “Cuộc đời tôi là một lời cầu nguyện vì tôi đang sống những giây phút vui buồn với những người nghèo khổ nhất. Và đối với tôi, đó là lời cầu nguyện”.

Khi trở thành thầy thuốc, cha Olibier ý thức hơn về Bí tích Thánh Thể, mà cha cử hành và cố gắng sống Thánh lễ trong đời sống hàng ngày. Cha nói: “Trước khi trở thành bác sĩ, tôi không có chiều kích Thánh Thể sống động. Khi hy sinh chính mình, với những đêm không ngủ, chăm sóc những người đau khổ, đối với tôi, đó là Thánh Thể lớn nhất: một hành động tạ ơn, theo đúng nghĩa của từ này, vì sự sống, sức khoẻ và hạnh phúc con người. Những hồng ân Chúa này thường không được chú ý. Nhưng khi chúng ta nhìn dân chúng đau khổ đến mức chỉ biết cậy trông nơi Chúa, nơi Người là điểm tựa duy nhất, lúc đó chúng ta mới biết Chúa đã không được quan tâm nhiều”. 

 


Nhân Chứng Đức Tin