Câu Chuyện Của Nữ Tu Ruth Pfau: Ánh Sáng Giữa Những Người Cùi

Sơ Ruth Pfau được biết đến là một nữ tu dấn thân không mệt mỏi để trợ giúp và đấu tranh cho quyền của người cùi ở Pakistan. Vì thế khi qua đời vào năm 2017, sơ là một trong số ít người ở Pakistan, một quốc gia đa số theo đạo Hồi, được tổ chức tang lễ cấp nhà nước và tổ chức theo nghi lễ Công giáo tại Nhà thờ Thánh Patrick.

Ngọc Yến – Vatican News 09 tháng tám 2023

Cuộc đời của sơ Ruth Pfau là một câu chuyện về sự dấn thân hoàn toàn cho người khác, một mẫu gương bác ái Kitô và tình yêu dành cho người lân cận. Một cuộc đời cũng giống như biết bao nhiêu nữ tu đã và đang dấn thân hàng ngày để đem lại sự nâng đỡ và ủi an cho nhiều người nghèo và đau khổ, nhưng cuộc đời của vị nữ tu này có một điểm đặc biệt: Từ một thiếu nữ Tin lành người Đức, sống trong giai đoạn phải chứng kiến và chịu đựng sự tàn phá của chiến tranh, đến tìm kiếm ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình ở trung tâm Pakistan. Trong suốt thành trình này, Ruth đã cải đạo sang Công giáo, trở thành nữ tu, và dành trọn cuộc đời phục vụ người cùi.

Ruth Katharina Martha Pfau sinh tại thành phố Leipzig của Đức vào ngày 09/9/1929. Là con gái của một cặp vợ chồng Tin lành, Ruth, cha mẹ và năm anh chị em đã chứng kiến ngôi nhà của mình bị bom phá hủy trong Thế chiến thứ hai. Xung đột kết thúc nhưng không mang lại bình yên cho gia đình. Khu vực phía Đông nơi họ sinh sống bất ổn, buộc gia đình phải bỏ lại mọi thứ và chuyển đến Liên bang Đức.

Những năm 1950 là thời gian quan trọng trong cuộc đời của Ruth. Bởi vì người nữ tu tương lai không chỉ chọn nghề nghiệp cho mình nhưng còn chọn hướng đi cho cuộc đời về khía cạnh tâm linh. Thực tế, Ruth bắt đầu nghiên cứu y khoa và bắt đầu xem xét về niềm tin của mình, và vào năm 1953, Ruth quyết định chuyển sang Công giáo. Bốn năm sau khi đến Paris, tại đây thiếu nữ xin gia nhập dòng Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ.

Trở thành một bác sĩ và một nữ tu, Ruth được nhà dòng sai đi truyền giáo ở Ấn Độ. Trên đường đi, một vấn đề về thị thực buộc nữ tu phải ở lại Karachi, Pakistan một thời gian. Tại đó, sơ Ruth đã đến thăm một cộng đồng người phong cùi. Bấy giờ sơ mới biết đây là nơi mà Chúa Kitô chuẩn bị cho sơ. Từ đó cho đến khi qua đời, sơ Ruth đã cống hiến hết mình để cải thiện cuộc sống của nhiều bệnh nhân phong và gia đình họ, những người phải chịu thiệt thòi trong xã hội.

Sơ Ruth đã thúc đẩy việc thành lập một số bệnh viện và phòng khám để chữa bệnh phong cùi và ngăn ngừa bệnh này cũng như các bệnh khác như bệnh lao. Từ bệnh viện phong Maria Adelaide, nhiều trung tâm bệnh viện khác được mở rộng khắp cả nước. Nữ tu đã tổ chức các chiến dịch gây quỹ ở Pakistan và nước Đức quê hương, đến thăm những nơi xa xôi nhất ở quốc gia châu Á này và hợp tác với bất kỳ ai muốn chấm dứt một tai họa đã có từ lâu nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều trong thời nay.

Từng bước một, nữ tu đã nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của chính quyền Pakistan. Vào năm 1979 sơ đã được bổ nhiệm làm Cố vấn Liên bang về Bệnh phong cho Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội của Chính phủ Pakistan.

Những nỗ lực của sơ Ruth Pauf với tư cách là người đứng đầu Chương trình kiểm soát bệnh phong quốc gia đã làm cho Pakistan được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á kiểm soát được căn bệnh này vào năm 1996. Đó là sự công nhận lớn nhất mà nữ tu có thể nhận được, nhưng thực tế sơ còn làm nhiều hơn thế nữa.

Năm 1988, chính phủ Pakistan trao cho sơ quốc tịch Pakistan và sơ được nhiều người gọi là “Mẹ Têrêsa của Pakistan” hay “ánh sáng của những người cùi”. Nữ tu đã nhận được một số giải thưởng, như Giải thưởng Ramon Magsaysay, được coi là giải thưởng Nobel của lục địa châu Á.

Đối với sơ Ruth, mục tiêu chính của sơ trong hơn 5 thập kỷ qua là phục hồi phẩm giá cho những bệnh nhân phong. Vì vậy sơ dành một cuộc đời cống hiến hoàn toàn cho người khác, mặc dù những khó khăn cũng như những nguy hiểm về sức khoẻ có thể gặp phải. Hoạt động dấn thân của sơ đã cứu hàng ngàn người và cải thiện điều kiện sống cho họ.

 Khi qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2017, sơ Ruth Pfau là một trong số ít người ở Pakistan, một quốc gia đa số theo đạo Hồi, được tổ chức tang lễ cấp nhà nước và tổ chức theo nghi lễ Công giáo tại Nhà thờ Thánh Patrick. Hiện tại, nhiều trung tâm giáo dục và y tế khác nhau ở Pakistan mang tên Ruth Pfau.

 


Nhân Chứng Đức Tin