HỌC ĂN - HỌC NÓI

 

Vị diễn giảng lên tiếng hỏi cử toạ : “Ai trong các vị chưa từng đi học?” (một vài cánh tay giơ lên). “Ai trong các vị chưa từng là cha mẹ?” (cũng có vài cánh tay giơ lên). “Ai trong các vị chưa từng là con cái?” (không có ai giơ tay). “Ai trong các vị chưa nghe tới từ giáo dục?” (cũng không có cánh tay nào). “ai trong các vị không phải là người?”(câu hỏi vô duyên quá nên cũng chẳng có cánh tay nào). Vị diễn giảng kết luận “vì chúng ta là con người, nên cần được giáo dục, được hướng dẫn, được học hỏi, được thăng tiến…vì giáo dục là phương tiện tất yếu để thăng hoa nhân phẩm con người. Người ta không chỉ học ăn (vật chất) mà còn học nói (tinh thần) với cả chiều kích nhân linh”.

Học điều gì? Cần một câu trả lời thật lớn, thật dài, thật chi tiết, thật năng động, thật bền bỉ. Nó là chương trình của cả hệ thống giáo dục quốc gia, quốc tế. Giáo dục bản thân, giáo dục xã hội, giáo dục trường học, giáo dục tôn giáo, giáo dục nhân bản, giáo dục tâm sinh lý…Ở mỗi môi trường, giáo dục đều phải nhắm tới chiều sâu nhân bản, chiều rộng ý thức hệ, chiều cao thăng hoá. Sự giáo huấn không chỉ được đánh giá qua mảnh bằng, thành tích học tập cao, khen thưởng rộn ràng, mà còn là tác động nhân cách, lương tâm ngay chính, kiến thức phong phú. Nhờ thế việc học và hành mới tạo ra ‘hiệu ứng’.

1.     HỌC ĂN :

Tôi có kỳ cục khi đề cập tới vấn đề ‘nhạy cảm’ này không nhỉ? Ăn thì cần gì phải học. Từ đứa bé sơ sinh cũng đã biết ăn. Lớn lên cũng tự biết ăn, lại còn ‘khôn ăn’ là đàng khác.

Nếu hiểu theo nghĩa ăn là đưa thực phẩm vào cơ thể để tạo dinh dưỡng cũng được. Nhưng ăn cũng là một nghệ thuật, một khoa học mà không phải tự nhiên ai cũng biết. Cái gì ăn được, chế biến thế nào cho vừa ngon vừa bổ, món nào dùng với rau nào…Ăn theo kiểu Tú Xương “thức ăn ngon, chỗ ngồi ngon, người ăn ngon : ăn ngon!”. Nhìn cách ăn, người ta đánh giá được tâm tính, học thức, nhân cách của ta đấy.

Nhưng tôi lại muốn nói cái ăn là sự hấp thụ, cả theo nghĩa vật chất lẫn tinh thần. Thực phẩm được đưa vào cơ thể phải được các cơ năng chuyển hoá mới biến thành chất dinh dưỡng. Nào là những tác động hấp thụ của bao tử với những hoạt động của men tiêu hoá, sự co bóp để nghiền nát thức ăn, rồi đến phần chuyển hoá những tinh chất ‘chiết xuất’ từ thực phẩm đó qua nhà máy chế biến là lá gan, tuyến tuỵ, đường ruột…để các tạng phủ khác mới nhận được năng lượng mà làm sống động cơ thể. Mỗi cơ năng nhận một nhiệm vụ khác nhau và góp công vào việc nuôi sống một thân thể khoẻ mạnh. Những gì không còn được hấp thụ thì sẽ thải ra khỏi cơ thể qua hệ thống bài tiết. Hệ thống này mà ‘có vấn đề’ thì toàn cơ thể cũng rắc rối theo. Những chất thải này thì người ta cho là dơ bẩn, là ô uế, nhưng tôi nhớ có lần Chúa nói rằng những gì từ bên ngoài vào không làm cho người ta ra ô uế, mà chính những cái từ bên trong tư tưởng mới làm cho người ta ra dơ bẩn!

Trong đời sống tinh thần cũng thế. Chắc chắn không phải mọi kiến thức, mọi thông tin đều tốt cho sự hấp thụ của hành vi nhân linh. Trước hết nó phải được sàng lọc qua giáo dục, chuyển hoá qua ý thức, sinh hoá với lương tâm ngay chính, để chỉ những tinh tuý của thông tin hấp thụ làm phát triển nhân cách, mở mang nhận thức và làm tăng triển những tế bào công bình, quảng đại, trung thực, cần kiệm, hiếu đễ…Những chất thải cũng phải được giáo dục định hướng để đưa ra khỏi chủ thể nhân linh.

Đây không phải là công việc chỉ thực hiện trong khoảng thời gian nào đó của đời người, mà là một chương trình thông suốt cả một thế hệ, một xã hội loài người. Thế nên câu nói thường được nhắc đến trong lãnh vực giáo dục là “y học làm sai thì giết một người, giáo dục làm sai giết cả thế hệ”.

2.     HỌC NÓI

Học nói là hành động sau học ăn. Trẻ lên hai lên ba mới bập bẹ vài tiếng mà chẳng ra câu cú gì. Nhưng rồi thứ ngôn ngữ mà em sẽ dùng để tiếp xúc với thế giới rộng lớn là ‘tiếng mẹ đẻ’, là giọng nói của quê hương, là chất giọng của dân tộc. Mai đây em có đi tới phương trời nào, người ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra em là người ‘gốc ở đâu’ qua ngôn ngữ em dùng. Tuy nhiên giọng nói không là đặc thù của nhân cách.

Có những người bẩm sinh đã có được sự hoạt ngôn nên cách nói chuyện của họ dễ gây cảm tình lôi cuốn thính giả. Có người phải khó khăn lắm mới tìm được ý tưởng để điễn đạt tâm hồn, nhưng rồi người nghe vẫn cảm thấy lờ mờ với điều đã nghe. Cách chung, lời nói vẫn là một ưu điểm tuyệt vời mà chỉ con người mới có, để thực hiện những mối tương giao, chia sẻ, hiểu biết và cởi mở tâm hồn.

Nói là đặc điểm của con người nên trở thành hành vi nhân linh. Đã là hành vi nhân linh thì cần được tinh luyện trong lò giáo dục.

Ở đây tôi không bàn đến những ngôi trường đào tạo các nhà hùng biện, mà là ngôi trường phổ thông hơn là trường học, gia đình cho đến xã hội. Lời nói biểu lộ tâm tư con người, phơi bày nhân cách và tố cáo lương tâm của chủ thể. Trong cuộc sống, ngôn ngữ không luôn đóng khung trong những khuôn khổ. Có người hay ‘nói chơi’ cho vui, khi thì ‘nói đùa’ để thi vị hoá cuộc sống căng thẳng, lúc thì ‘nói vòng vo’ để chuyển hướng mục đích, khi khác lại ‘nói tầm phào’ để châm biếm cái chướng tai gai mắt. Còn có những kiểu nói lối, nói xạo, nói ngoa, nói thách, nói bậy, …và kinh thánh cũng phải lên tiếng : mọi lời nói vô ích người ta nói ra, sẽ bị thẩm vấn trước mặt Chúa trong ngày phán xét!

Lời nói không mất tiền mua, nhưng phải trả giá đắt để có được những ngôn từ hợp với nhân phẩm con người. Vì thế phải học nói. Những lời nói lễ độ, những cung điệu dịu dàng hấp dẫn, những ý tưởng bộc bạch qua ngôn ngữ, những kiến thức được tỏ bày…hẳn là phải có sự luyện tập, có sự giáo dục lâu dài và gắng công của người thụ huấn.

Trong xã hội xem ra quá thực dụng hôm nay, nền giáo dục cũng có chiều ‘xuống cấp’ và những giá trị đạo đức bị coi thường. Đó là một thực trạng báo động đỏ cho sự phát triển cho tương lai một đất nước. Sự giả dối của hệ thống giáo dục, những tiêu cực chạy điểm chạy trường, những gian lận trong thi cử, những bằng cấp học vị giả, rồi những thông tin không hợp với sự thật, những méo mó khiên che thiên lệch cho đảng phái, những tham nhũng hối lộ …đã tố cáo sự suy đồi của giáo dục. Học và hành bất nhất khiến cho những giá trị kiến thức cũng lung lay khập khiễng. Những lời hô hào học tập, sống theo luật pháp…chỉ như tiếng kêu của thùng rỗng, còn chính những người hô hào lại không hiểu mình nói gì!

Thử rảo qua một vòng các nước láng giềng hoặc một số nước có tiếng là văn minh, so sánh cách thức và chất lượng giáo dục của họ thì ta còn khiêm tốn quá! Chẳng chừng còn đi sau họ… cả thế hệ luôn! Nét phi văn hoá được nhìn nhận ngay ở những người được coi là có văn hoá, những nơi bảo vệ và phát triển văn hoá !

Ở một số quốc gia, những học sinh tiểu học đã ý thức không xả rác ngoài đường và những nơi công cộng, luật giao thông thì họ tuân thủ cách tự nguyện và nghiêm chỉnh, chẳng cần có sự theo dõi xử phạt của cảnh sát giao thông (dĩ nhiên chưa phải là tất cả). Nói thế, tôi chỉ nhắm tới một điều là giáo dục phải hướng vào ý thức hệ, để tất cả mọi người đều cùng biết tôn trọng những giá trị đạo đức xã hội, những kỷ cương và công ích. Thái độ tôn trọng kỷ cương đó phải xuất phát từ chính con người, nó thể hiện cách tự phát như bản năng, chứ không cần có sự theo dõi như nhà tù. Những thói quen ngăn nắp với đồ dùng thường ngày, những tập quán không xả rác nơi công cộng, những cách nói nhã nhặn với người khác, nhưng tác phong tự trọng khi đi ngoài đường phố, trong công viên…hết thảy đều mang nét tinh hoa của nền giáo dục.

Con người không phải là thiên thần, cũng không là súc vật. Ví von là ‘cậy sậy biết tư tưởng’ cũng hợp lý thôi. Là người, ta cần tự giáo luyện cho mình sống sao cho ra người. Người, không chỉ có nghĩa là học hành thông thái, có quả đấm ngàn cân, có gia tài đồ sộ, nhưng còn là ‘con vật hợp lý’, được rèn đúc đầy đủ về các phương diện tâm đức, thể chất, tinh thần, lương tâm ngay chính, nhân cách sinh động…Thiếu hết những phương diện ấy, người ta chỉ ‘mang lốt người’ chứ không phải người thật!

Tôi không quá chủ quan khi nói : Ngũ Kinh của Nho giáo hay Kinh thư của Kitô giáo đã để lại cho con người những quy tắc giáo dục làm người đắc dụng và sâu sắc. Chắc rằng các nhà giáo dục thông thái, công bình và vô tư, lành mạnh trí óc cũng đồng ý với tôi. Tuy vậy, chúng ta cũng cần gạn lọc, tách biệt những lãnh vực ta quan tâm trong  những huấn điều ấy , bàn luận tỉ mỉ, dẫn chứng bằng lý luận, kinh nghiệm, dùng những điển tích con người xưa và nay để sắp đặt thành hệ thống mà học tập, thực hành cho có hiệu quả. Bởi lẽ, những giáo thuyết trong các kho tàng giáo huấn đó không chỉ hoàn hoàn nhắm tới việc giáo dục, mà còn hướng tới các quy tắc hàm súc việc thăng hoá con người trong mọi lãnh vực.

Giáo hội Việt Nam đưa ra chủ đề giáo dục trong gia đình, chắc không ngoài ước nguyện nâng cao dân trí và phục hưng nền giáo dục nhân bản trong xã hội, cách riêng là trong các gia đình Công giáo.

BS Trần Minh Trinh

 


Mục Lục Sống Lời Chúa