“Và Người đã qùy gối xuống...”

 

Không phải là suy tư thần học, càng không là giáo điều. Đó là cảm nghiệm của một kẻ hoang đàng, của kẻ đã ngã gục thê thảm trên đường thiên lý. Xin hãy cho tôi một cơ hội cuối cùng dốc hết tâm tư cùng người đã chấp nhận chung số phận với tôi và kéo tôi ra khỏi những thất vọng não nề trong đời. Người ấy đã tặng lại cho tôi sức sống để hôm nay tôi cũng dám tự tin mà nói rằng : tôi sống đấy nhưng chẳng phải là tôi nữa. Đấng ấy đang sống trong tôi với tất cả nhiệt tình và yêu thương của người bạn.

Những trang sử cuộc đời tôi đã mở ra một thế giới tàn khốc oan nghiệt. Tuổi hoa niên thì ngập tràn trong yêu thương và chăm sóc, nhưng sau cái biến cố hoà bình lại dồn dập đủ mọi cơn sóng đất bằng, vùi dập cả mọi hy vọng lẫn viễn cảnh tương lai.  Tôi rất sợ những khúc phim hãi hùng này quay lại và càng sợ hơn khi tương lai còn lởn vởn nhiều bóng ma chập chờn. Đúng là nhìn về tương lai trào nước mắt, quay về dĩ vãng toát mồ hôi!

Thế rồi một biến cố nặng nề đã đốn quỵ mọi ngông cuồng của tôi. Cũng như ánh sáng cuối đường Đamat đã quật ngã một Saolê hung hăng, cũng như một lời trong sách thánh đã lật ngang con đường danh vọng của Phanxicô Xaviê, cũng như giọt nước mắt kiên trì đã dừng chân một chàng Âu- tinh truỵ lạc, tôi đã ngã quỵ trước một lần thoát chết nhờ chuỗi tràng hạt nhỏ trong túi áo. Mảnh đạn mù đã không biết tim tôi ở chỗ nào nên cứ nhắm cây thánh giá mà phóng vào làm cong vèo cả khúc sắt mà tôi đã nhọc công mài dũa mấy tháng trời trong trại cải tạo.

Tôi đã biết quỳ gối để ‘cám ơn trời phật’ còn độ cho mình sống! Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một sợi tóc. Nhưng trời phật lại có cây thập tự làm biểu tượng cứu sống, tôi quay sang quỳ trước một vị thôi. Vị đã treo mình trên thập giá để cứu sống nhân loại.

1.     Quỳ gối là thái độ tôn thờ. Đó là tác động của một tạo vật trước Đấng Tạo Hoá. Dù chưa biết mặt mũi Đấng ấy ra sao, nhưng qua những trật tự trong vũ trụ, những kỳ diệu trong nhiên nhiên, những tuyệt phẩm ngay trong thân thể tôi…cũng đã quá đủ để tôi phải uốn gối suy phục tôn thờ.

2.     Qùy gối là thái độ suy phục. Người ta có thể quỳ gối để biểu lộ sự kính trọng đối với các vua chúa thời phong kiến, quỳ gối trước một bậc cao cả hơn mình, phủ phục trước vong linh của vị cao niên…

3.     Quỳ gối là chấp nhận một hình phạt. Tội thì phải có trừng phạt. Trừng phạt nhằm nghĩa răn đe hơn trù giập hay trút hết ác tâm căm phẫn. Người chấp nhận hình phạt phải có quyết tâm cải hoá thì hình phạt mới có giá trị.

Quỳ gối là hành động của thụ tạo và diễn tả tư thế của kẻ dưới, thấp hèn.

Vậy mà Đấng tôi tôn thờ cũng đã qùy gối xuống! Chẳng để tôn thờ ai, chẳng để suy phục người nào, chẳng để chịu hình phạt, chỉ để được ở gần tôi.

Khi tôi ngụp lặn trong nhưng đam mê thấp hèn, khi tôi chới với trong vũng tội sình lầy nhớp nhúa…Ngài đã không chỉ đứng xa xa để ném cho tôi cái ‘phao cứu sinh’, mà quỳ xuống cho thấp ngang với tầm tay, giơ tay ra cho tôi nắm lấy. Nhưng tôi chìm sâu quá, tay tôi ngắn quá, tôi bất lực quá, Ngài cũng nhảy luôn vào vũng bùn hôi thối của tôi mà đẩy tôi lên, tắm rửa cho tôi bằng tình yêu thánh thiện của Ngài. Mà chắc không riêng gì tôi, Ngài cũng từng qùy xuống mà nâng dậy một Âu Tinh đã bị hạ đo ván trong trận đấu ngông cuồng. Ngài cũng đã cúi thật sâu để đưa tay ra ‘trục vớt’ biết bao tâm hồn đã quá nặng nề với bản ngã yếu đuối qua mọi thời đại.

Chỉ vài lần trong kinh thánh diễn tả việc Thầy Giêsu đã quỳ gối, nhưng lần nào cũng dính dáng đến tội lỗi nhân loại.  Một lần Ngài ngồi xuống, giống tư thế người quỳ để viết trên cát…khi các ông biệt phái dẫn độ một phụ nữ phạm tội công khai tới. Ngài phải ngẩng đầu lên với những ông đang đứng trên cao để chỉ nhỏ nhẹ : “Ai sạch tội thì ném đá chị ta trước đi!”. Có nhà chú giải nói rằng Ngài cúi xuống viết trên đất tội lỗi của những người tới tố cáo người phụ nữ. Lần thứ hai là khi dạy cho các môn sinh bài học phục vụ anh em, Thầy đã rửa chân cho trò. Còn vị trí nào thấp hơn bàn chân nơi thân thể con người. Công việc rửa chân là hèn hạ mà chỉ người nô lệ của người Do Thái mới phải làm. Để thực hiện việc rửa chân cho một người đang ngồi ở bàn ăn, chỉ có thể quỳ gối mà vừa rửa vừa lau bằng khăn ở thắt lưng. Ông Phêrô phản đối việc làm của Thầy trong nhận thức như tôi hôm nay vậy ‘không thể nào để Chúa quỳ dưới chân tôi’. Nhưng Thầy giải thích một chút “Nếu anh không để Thầy rửa cho anh, anh sẽ không được liên kết với Thầy trong sứ vụ đau khổ  mà đi tới vinh quang”. Tuy anh đã sạch, nhưng không phải sạch hoàn toàn đâu. Ý tưởng này đã được Gioan giải thích là nói tới kẻ phản bội, nhưng cũng ý nói tới chính thân phận mỗi người mà bàn chân còn lấm lê mê với tội luỵ đời mình.

Lần thứ ba tôi đọc thấy Ngài quỳ gối sấp mặt xuống là trong vườn Cây Dầu, trước giờ thụ nạn. Mà không phải chỉ qùy một lần mà tới lần thứ ba! Tường thuật ghi là Ngài buồn sầu xao xuyến, mồ hôi hoà máu tuôn ra. Tôi không thể hiểu được sao Thầy lại ‘dại’ như thế! Những uy quyền làm cho kẻ chết sống lại hôm nào đâu rồi? Những ‘phép thần thông’ biến nước thành rượu ngon đâu rồi? Những vinh quang trên đỉnh Ta-bo đâu rồi? Tôi nói thêm nữa : những nhuệ khí khi giảng giải trong hội đường đâu rồi, những oai phong quát bảo bão tố “yên đi” đâu rồi? Chỉ còn vài lời nghe ra yếm thế “Nếu được, xin cho con khỏi uống chén đắng này”…Chén đắng! Cả một trời ảm đạm của tội lỗi nhân loại đang diễn ra trước mắt Ngài, tình yêu vô bờ bến của Ngài đã bị chính đối tượng Ngài yêu thương bội phản, vùi dập không thương tiếc! Những khuynh hướng xấu đang lộng hành làm hoen ố cả công trình tạo dựng tuyệt vời. Rồi nữa, cái cảm giác rất người nơi Ngài cũng dằn vặt khiến Ngài có cảm tưởng bị bỏ rơi. Đấng vô tội đã biến thành có tội trong cái tội của con người, để phải sấp mình xuống đất giống như một kẻ có tội. Thế thì đắng quá còn gì! Vâng, tôi nghĩ là Ngài đã chết đi lần lần khi bước vào vũng lầy tội lỗi, để nắm tay từng người mà đem lên thập giá, dùng máu mình mà tắm rửa cho từng người, qua muôn thế hệ, và chỉ yên tâm trút hơi thở khi “mọi sự đã hoàn tất”.

Chúa ơi, con lại ngọng miệng rồi. Khi chiêm ngắm tình yêu cứu độ của Chúa, đáng lý ra con không nên nói gì, cứ để cho tâm tư bay vút lên với niềm hạnh phúc và hoà trộn mình vào sự an bình thánh thiện. Nhưng việc hưởng hạnh phúc mà con vẫn không làm được nên Chúa vẫn cứ phải giúp con từng giây từng phút. Thế mới biết con cần có Chúa biết chừng nào. Từng nhịp sống của con, từng hành vi của con đều cần có ân sủng hướng dẫn. Chúa đang sống trong con để chịu đựng và vực dậy khi con yếu đuối, vậy mà con đã nhiều lần nhốt Chúa lại để khỏi nghe những lời răn dạy... Con không đáng được gọi là người con nữa.

…Nhưng tôi lại nghe có tiếng trả lời : Vui quá, con ta đã chết nay sống lại, đã hối cải thì cả thiên đường mừng vui.

 

Bs Trần Minh Trinh

  

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa