Ở RẤT CAO, NGOÀI KIA…

 

          Trước khi ra Hà Nội, đoàn du khách chúng tôi quyết định ghé lại thăm các trẻ em cô nhi khuyết tật tại “Trung tâm phục hồi chức năng Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh”. Thành thật để nói, chúng tôi nhận thấy quí cô thầy ở đây chăm sóc các bé tận tình hơn bao giờ có thể. Còn các bé, bé nào trông cũng dễ thương thấy thích. Điều kiện cơ sở vật chất, nhìn chung gọi là tạm. Bởi chưng, trung tâm là một trong vô số các trụ sở bác ái xã hội khác, đã và đang còn cần đến biết bao tấm lòng hảo tâm của những vị đại nghĩa gần xa. Như vừa nhận báo, trung tâm cũng thường xuyên được đón tiếp các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội đến viếng thăm, động viên, an ủi, khích lệ, tặng quà, trợ cấp… Cái mà dân tộc Việt Nam hay gọi: “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, “văn minh tình thương”, “nét đẹp nhân văn”…

Tôi mâm mê từng búp tay nhỏ xíu của các em mà trong lòng dấy lên niềm thương cảm. Nhóm người du lịch đồng hành với tôi, ai nấy cũng mỗi tay mỗi bé, hết rôm ran trò chuyện, đến nô đùa vui nghịch, lẫn nen nén, ngùi ngùi, xót xa... Gương mặt ai ai như dường cũng đương khắc đậm mối thương tâm vô vàn trước bao nghịch cảnh éo le, bất hạnh.

Nhìn các bé hồn nhiên, đơn sơ, thánh thiện trong ánh mắt xúc động pha trộn ái ngại của những con người “có hơn số vận may mắn”. Tôi bất giác dùng mình khiếp đảm khi đường đột khám phá. Không! các bé đã không hề bất hạnh, cứ thử mà xem. Kìa, các bé, trông chúng lúc nào như cũng phấn khích, như cũng vui tươi, như luôn điểm trên môi nụ cười rạng rỡ, như không hề oán trách Đấng Tạo Hoá đã ăn ở “bất công” với mình. Các bé đã không cho khiếm khuyết bản thân mình đang cưu mang là điều bất hạnh, hoặc theo cách nói của một số ít não trạng cố hủ: số mệnh bạc!

Không! tôi không cảm nhận các em vô phúc. Trái lại, nếu không muốn nói là rất hạnh phúc nữa kìa. Và ắt nhiên, cái hạnh phúc của các em mà tôi đề cập đến, không chỉ dừng lại ở “lý do”. Bởi khi đã nói với nhau về  khiếm khuyết bẩm sinh của ai đó, thì thử hỏi đương sự có còn biết được gì nữa mà vui với chẳng buồn, mà đau với chẳng khóc?!

Không! còn chứ, tôi nghĩ… ở mức độ giới hạn, trong một khoảnh khắc, sẽ có lúc các em vẫn tự ý thức mình kém may mắn hơn… ai kia chẳng hạn. Mặc cho cái ý thức ấy có mức độ thấp, rất thấp chăng. Thì dẫu thấp, vẫn hơn là không thể. Tựu trung, Thiên Chúa chẳng nkhép chặt cánh cửa chánh với một ai bao giờ. Giả bởi khi nào Ngài có đóng, thì đồng một trật Ngài cũng mở ra cho họ thêm một cánh phụ nhỏ. Cửa chỉ khép hờ đấy thôi!

Tới đây, tôi đột nhiên nhớ lại câu truyện trong Tin mừng theo thánh Gioan (9, 1- 12), khi các môn đệ gạn hỏi Thầy Giêsu về trường hợp của người mù từ thuở sơ sinh:

-          Ai phạm tội khiến người này mới sinh ra đã mù? Anh? Cha mẹ anh?

-          Anh chẳng phải mà cha mẹ anh cũng chẳng, nhưng chuyện đó đã xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh!

Các bé khuyết tật đây mới sinh ra đã khiếm khuyết. Và chúng ta sẽ lại tìm được câu trả lời qua trang Tin mừng vừa nói đến. Không phải tội của bé hay cha mẹ bé, mà tất cả chỉ là để cho danh Thiên Chúa được thể hiện, thế thôi.

Vỹ Huyên phá tan bầu khí bằng trò vui nhộn, anh khẽ lắc tay bé Khẩn Huy nài nỉ:

-          Nói chào cô đi, nói chào cô đi con.

Khẩn Huy khó khăn mấp máy …

Vỹ Huyên giục giã hơn:

-          Nào nói đi, ngoan nào, ch…à…o….c…ô…

-          Ch….à…o …c…ô….

Một tràng pháo tay vang dậy biểu lộ trên từng khuôn mặt niềm vui sướng môn một. Như cố chận chĩnh lại sự xúc động cao độ. Vỹ Huyên gấp gáp:

-          Giỏi quá, Khẩn Huy giỏi quá. Vỗ tay hoan hô bé nào…

          Thế đấy, nghĩ cách thâm sâu mà chân thật: tôi đây mới đích thực mang tên người bất hạnh, khi tôi không biết sống đón nhận mình, không bằng lòng với những gì mình đang có, không xa mấy, không ngăn trở gì, ngay trong tầm tay tôi đây thôi mà. Bởi chưng, vô phúc đâu dừng lại trên những giá trị vật chất thế trần hạn hẹp, nhưng nó còn được đong đo bởi những trị giá tinh thần. Giả dụ, đúng ra tôi phải khóc nhưng tôi đã không nên khóc, mà tôi hãy biết rộng nhìn lên, vươn ra khỏi chính mình, vượt qua những não trạng ích kỷ, xô bồ của cuộc sống để tìm cho được chân trị cuộc đời. Hạnh phúc không hệ tại bạc tiền, sang hèn, tri thức… mà đúng phải đạt tới đỉnh điểm của sự khám phá nội tại bản thân, chân nhận, bằng lòng với chính mình vậy. Hãy hạnh phúc trong cái hạnh phúc bạn đang có, thời gian, sức khoẻ, sự sống… đừng tìm hạnh phúc ngoài vòng tay để rồi đến ngày bạn sẽ phải khám phá nó vươn ngoài tầm tay… thì bạn đã thực sự bất hạnh biết mấy!

          Tôi hãy cứ là tôi, hãy cứ là mình, dù hay dù dở… không quan trọng! Mà quan trọng hơn, tôi đã sống hết mình với chính tôi chăng? Đừng nhìn vào người khác để tự tôn, cũng đừng vì họ mà tự ty. Hãy nhìn vào Thiên Chúa, “Lăng kính” của mọi lăng kính cuộc đời. Hãy rọi lòng bạn mỗi ngày trên bức lăng xạ ấy, bạn sẽ khám rằng cuộc đời này bạn hạnh phúc biết bao đồng loại khác. Vậy tại sao bạn không sống tốt, sống vui để góp nhựa sống với đời. Chìm đắm trong tục lụy mãi làm gì để ánh hào quang của nó làm hoen mờ đôi mắt. Hãy nhìn lên cao, ở ngoài kia, trong đám mờ mịt của những tầng khói tỏa từ chiếc toa tàu cao tốc xình xịch mỗi ngày trên ray lề sắt, một ánh lửa lòng nhen nhóm cháy rực thiêu rụi bóng tối nhân gian.

 

                            

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa