THUẬT TRUYỆN

          Theo chiến dịch Xuân Tình Nguyện 2007, năm nay chúng tôi lên đường đến Đắc Nông thi hành sứ vụ. Đoàn chúng tôi có cả thảy 20 thành viên. Nhiệm vụ chiến lược là quét sạch thành phố, mọi đường kênh, khe lạch… và giúp buôn làng, con số lên phải hơn 1000 lỗ châu mai “chôn cất” hốc càphê. Gay đấy, bởi tỷ lệ thành viên nam trong tổng số dân quân chỉ có 3/20 hà. Thôi, ba chú cũng tạm đủ che chở 17 nữ nhi hỉ. Chúng tôi là khoa văn mà lỵ, tìm thấy ba chú cũng là tốt phước lắm rồi. Con trai khoa văn hiếm còn hơn…. bia đấy!

          Chuyến xe 3 giờ sáng đưa chúng tôi đi. Đời tôi kỳ lắm, bất cứ một đổi thay nào, dù chỉ là những đổi thay bí ẩn, nho nhỏ, sâu thẳm nhất…. lần nào cũng vậy, đều được khởi đầu bằng những chuyến đi. Chuyến đi đầu năm này, hy vọng sẽ mang lại cho tôi nhiều niềm vui mới. Niềm vui của xuân Đinh Hợi, một mùa xuân đánh dấu mốc cho sự trưởng thành của tôi. Mỗi mùa xuân sang là một tuổi đời cho tôi thêm lớn, cho mắt tôi thêm mở, cho tâm hồn tôi thêm rộng, cho lý trí tôi thêm vững vàng. Ừ, tôi lớn thật đấy, đã đến lúc tôi phải lớn thực sự rồi….

          Nhiều khi, đôi lúc, chúng ta phải dành để nhiều thì giờ mà gẫm lại. Cứ thường xuyên nhìn lại đời mình ta mới hiểu rõ về mình, về Chúa và về đời nhiều hơn. Đã bảo Thiên Chúa là nhà mô phạm vĩ đại, nổi tiếng nhất thế giới mà. Ròm xem lịch sử cứu chuộc nhân loại thì biết, con đường dài từ bao lâu đến bao lâu… cả hàng ngàn thế kỉ chứ bộ! Nhưng đối với Thiên Chúa thì “một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8) mới qua thôi mờ! Ngài đúng thực là vị Thiên Chúa “lãng quên” ý niệm về thời gian. Thật phải nói, những câu nói rất thật lòng, mỗi ngày tôi càng cảm nghiệm sâu xa hơn về Thiên Chúa của tôi. Giả tỷ Ngài khắt khe về thời gian, thì có lẽ tôi đã chả còn tồn tại nổi nữa rồi. Có nhiều biến cố, bản thân tôi thấy, để có được như hiện tại, với con người, với phong cách, với tâm hồn, với trái tim, với cái hiểu biết hạn hẹp này, thì Ngài đã phải chuẩn bị từ hồi nảo hồi nao kìa. À, nhớ rồi, từ tận muôn đời muôn thuở luôn cơ đấy! (x. Ep 1,4).

          Xe bắt đầu lên dốc, đoạn đường khó khăn nhất phải vượt qua đây. Bác tài đột nhiên, chắc tại muốn chống say xe hay cho đỡ buồn ngủ, mở lớn băng nhạc. Tiếng ca sĩ nam ấm áp với âm vực trầm lắng cất giọng thổn thức: “Để một lần anh nói, anh sẽ yêu em, yêu trọn đời. Để một lần anh nói, anh sẽ yêu em không thay đổi. Dù bão giông không phai cuộc tình. Dù gió mưa vẫn em bên đời. Phút giây, có nhau tình yêu đắm say….. Chỉ mình em biết nơi cuối con phố có anh, lẻ loi với riêng một niềm đau…. Chỉ mình em biết anh quá yêu, mới nín câm…..”

Ngẫm từng lời nhạc, tôi mới thấy cuộc đời thật phức tạp. Ngày xưa khi chưa lớn, tôi quan niệm về tình yêu khác lắm. Còn bi giờ, hẳn không như thế là tất nhiên rồi. Cuộc sống nhiêu khê, đa dạng, khám phá được cái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống là một cái thú, rất thú đấy, chả mấy dễ đâu à nghe! Tôi nhớ như in ngày tôi linh thao tại Đan viện Châu Sơn, Linh Dương, Đà Lạt, cha giảng phòng có nói: “Đừng vội vàng nhận xét người khác, nhiều khi mình nhìn thấy cái tăm trong ly nước trắng bằng thủy tinh, gãy khúc thật, rõ ràng, chính xác, ai cũng thấy thế. Nhưng khi đổ nước đi, thì tăm vẫn nguyên vẹn, chả hề gãy khúc chút nào”. Thế đấy, theo nhãn quan của tôi, 1 phân chưa phải là dài, nhưng theo cái nhìn của người khác, 1/10 phân lại quá dài thì sao? Do vậy, tôi không thể và chả ai trên thế trần này có thể là chuẩn mực cả, ngoại trừ Thiên Chúa (x. Rm 3,10). Tôi là ai mà dám nhìn nhận người khác chắc nịch, họ đứng hay ngã cũng là việc của Thiên Chúa mà, chỉ mình Chúa mới có khả năng làm cho họ đứng thôi (x. Rm 14,4). Bởi vậy mà tôi rất thường hay nói: ý thức về điều xấu là đã thành công phân nửa rồi, phần còn lại là cố gắng, Chúa cũng chỉ cần có vậy, không mong ước gì hơn thế đâu!

Bạn tôi có lần biểu tôi chỉ cho bạn ấy đôi chiêu để sáng tác ra những mẩu truyện ma quái rùng rợn, kích động mãnh liệt lòng độc giả. Bạn ấy nói tiêu chuẩn của người cầm bút là có đôi mắt sáng, có tâm hồn rộng, có chí khí bình thản, có ngòi viết thâm thúy. Ba cái có đầu bạn ấy đã đắc thủ, cái có thứ tư bạn ấy nhờ tôi. Tôi thì bó tay thôi bởi cho rằng: ngòi bút thâm thúy là kết quả của ba cái kia cộng lại với vốn liếng tri thức chứ. Lòng không có, trí không suy thì làm sao mà chảy trên trang viết được?! Nhưng nói vậy, không đồng nghĩa, bất cứ “nhân vật” nào ra đời cũng đều là “hiện thân” của tác gia đâu nhé. Như vậy có mà chết chứ còn gì! Hiểu được điều này, do cuộc sống, do Thiên Chúa dạy tôi, mà tôi bước vào đời với đôi mắt “lạ người”, với tâm hồn “dị biệt”, với chí khí “ngổ ngáo”, với ngòi bút “dân dã”…. Có đúng phải thế không, đọc giả hỉ?!

Những ngày công tác mệt mỏi thấu xương, nhưng tràn ập niềm vui. Bao giờ mà chả vậy, làm việc lành thì tâm hồn thấy chắc dạ, ngẫm Chúa cũng nể thương mà cho “vé” vào trời. Tôi thì chả dám, vì tôi yếu như sên, có làm được gì nhiều nhặn đâu. Bạn tôi lúc nào cũng bảo: “Chân cẳng gì mà như lúa vậy”. Mới nghe, tôi chưa hiểu thấu, sau mới ngộ ra, vì lúa nó cứ đong đưa nghiêng ngả không đứng vững ấy mà. Được vài gốc là tôi đã mệt bỏ xừ rồi còn gì, nhiều khi muốn nhấc cuốc lên nhưng nó lại nằm ì thấy sợ, chẳng mảy may động tĩnh! Thôi đành vậy chứ biết làm sao hơn được. Quần chúng tất nhiên không bằng lòng với tôi. Có hôm trong bữa ăn trưa, bạn tôi xới đưa tôi chén cơm bính xì be. Thoạt tiên, tôi ngỡ bạn ấy nhờ tôi chuyển hộ cho nhỏ My tận hóc bàn chớ, không dè bạn ấy bắt tôi ăn, giọng cứng hơn bắp, nghe mà ớn xương sống luôn:

-         Ăn đi, ăn nhiều vào mới cuốc lỗ được chứ

Tôi bần thần chưa kịp đáp lễ, đã bị nhồi thêm:

-         Nom kìa, giống tay ấy chỉ cho đi hái càphê suốt mới cứng cáp ra được

Tôi nhăn nhó, phụng phịu chả biết phải giả nhời sao cho phải nhẽ, thôi thì đành nín thít mà và cơm vào miệng cho nhanh thôi. Nhưng thật ra, tôi mà chén được ngần ấy thì chỉ có chết thôi, chắc chắn luôn đó, sống sao được nữa. Tôi đau bao tử hạng nặng mà, ăn vào nhỡ bể bụng, chết rồi, thì làm sao mà gặp được người bạn, ngày nào cũng mong mỏi chờ dợi tôi nữa đây?!

Tôi nhớ rất rõ, có lần Cha Bác tôi bảo: “Người Pháp nói, nói về mình là điều không tốt”. Theo quan điểm của tôi, câu này chỉ đúng trong phạm vi của nó. Nói về mình, khoe mình ắt nhiên không tốt là chí phải, nhưng nói về mình để nhận biết mình yếu đuối, dễ sa ngã, dễ phạm tội là điều cần nên chứ. Bởi khi ấy sẽ cho người khác cơ hội nhìn vào yếu đuối của mình để mà tạ ơn Thiên Chúa đã gìn giữ họ khỏi sự dữ tương tự, và cũng là để cho họ biết cảm thông, tha thứ, đắc thủ kinh nghiệm và để…. thêm lời cầu nguyện cho mình. Thánh Phaolô đã chả từng khẳng định: “Mọi sự đều sinh ích với những ai yêu mến Người” đó sao? (Rm 8,28).

Có người sao khó ở lắm kìa, nói lên ước mơ họ cũng không thích, bảo: “Biết có làm được không mà nói, cứ để trong lòng là được rồi, không thôi người ta lại cười cho”. Tôi thầm nghĩ: ước mơ mà sợ người khác cười thì không còn là ước mơ nữa, như vậy mình chả là mình, mình phụ thuộc mất tiêu rồi, hỏng bét…. ấu trĩ quá! Ai mà dám tự hào mình làm được điều này điều nọ trong cuộc sống chứ? Nói ra đâu giản đơn chỉ hàm ý là để khoe mình tốt, mình thánh thiện hơn người. Bởi tự thân ước mơ có gì xấu, họa chăng ước mơ không đúng “ý Chúa” thôi, huống hồ chi là nói lên ước mơ thánh thiện, ước mơ nên tốt?! Hỏi thử, hôm nay bạn không đeo đẳng ước mơ lành thánh thì lấy gì bảo đảm cho ngày mai bạn sẽ có những ước mơ tốt đẹp?!

Thiên Chúa chẳng phải là típ người khắt khe, khó ở. Tôi tìm thấy vậy trong Gióp 10,8: “Chính tay Ngài tác tạo nên con, chẳng lẽ Ngài đổi ý mà huỷ diệt?” Tôi thích Chúa điểm này và cố gắng tập giống Chúa, để năm mới tôi bớt quặu hơn, theo như yêu cầu của bạn tôi, mặc dầu chỉ là quặu với người tôi chân thành yêu mến hay với người nghĩ hại cho tôi. Tuy nhiên, tôi cũng cứ rất muốn luôn lặp đi lặp lại lời than hãi… biểu chứng cho lòng tôi không tự mãn, kẻo lại kêu tôi khoe mẽ, tội tôi lắm nhe!

“Ví như Chúa chẳng xây nhà

Thợ nề vất vả cũng là uổng công

Thành kia mà Chúa không phòng giữ

Uổng công người trấn thủ canh đêm.”

                                      (TV 146,1)

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang, ICM.

 

 


Mục Lục Sống Lời Chúa