Lời Bay Gió Thoảng

 

Chuyện xưa hơn ngày sinh nhật của Adong, nhưng ai dám bảo là nó không mới đấy ?

Con người vốn là mang một đặc sủng của thiên nhiên là có ngôn ngữ để giao tiếp. Thôi mình không lý luận lòng vòng cái sự phát triển của ngôn ngữ, cái hình thành của ý thức hệ xã hội…Xin chỉ phiếm luận cách thời sự về lời nói thôi!

Lưỡi không xương nhiều điều lắt léo. Ấy là lối biện hộ cho cái tật “già mồm” của đại đa số dân tình. Lắt léo vì nó nhằm che dấu một sự thật, cho dù là sự thật mất lòng.

Lời thật mất lòng. Không hẳn thế. Lời thật là vị thuốc đắng, khó hấp thụ, nhưng được bọc trong hương vị của yêu thương, của chân thành, của khôn ngoan thì khó mất lòng và được chấp nhận.

Thường thì lời nói là phương tiện giao tiếp và thông cảm dễ dàng. Lời để trao đổi kinh nghiệm, lời để gieo rắc an bình và lời cũng giết người không cần đổ máu.

Lời nói ra đánh giá được mức độ nhận thức, văn hoá và nhân cách người nói. Lời có lúc là diễn đạt, khi khác là nói chia sẻ, hay cũng có khi là vũ khí sát nhân. Và có lẽ chính cái lời vũ khí giết người này làm cho hạnh phúc con người bị hạ đo ván nhiều nhất.

 Kinh thư đã viết : số người chết vì gươm giáo không nhiều bằng chết vì lưỡi (lời nói) chém. Người ta không thể vừa dùng lời nói để ca tụng Chúa, vừa để chúc dữ được. Lời nói nơi con người như chiếc lái của người hoa tiêu, nó dẫn con thuyền đi đâu là do bánh lái đó. Số phận con thuyền đặt tất cả vào vật dụng chìm dước nước này. Thế mới biết giá trị của lời nói nó lợi hại và có sức mạnh ra sao.

 Có lúc mình cũng đã thầm phục “chiêu bài” thông tin của Chúa Phục Sinh. Đại khái mình nhân loại hoá cái sứ điệp Phục sinh bằng suy nghĩ của mình thôi, rằng Chúa dùng phụ nữ để loan báo một tin tức.

Phụ nữ vốn tận dụng cái vũ khí sắc bén này ngon hơn cánh râu ria. Có chuyện gì mà mình muốn cho mọi người cùng biết á, cứ gặp một phụ nữ, nói nhỏ với họ và dặn “đừng nói cho ai biết nghe”. Thế nào ta cũng thành công trong việc đưa tin đó. Tuy nhiên, nếu ta cũng là người cuối cùng nghe tin này, thì nội dung không còn như ban đầu nữa đâu !

Tâm lý tự nhiên, ai cũng thích được khen, được tâng bốc cho dù biết những lời có cánh đó là giả dối, là bãi bôi. Một cô gái có nhan sắc không mặn mà cũng thích được khen là tiên! Một ông già ngồi trên xe ôm đưa khách kiếm cháo cũng mừng vì có người khen mình phúc…hậu ! Lời khen chê không phản ảnh được sự thật hay còn sai lệch thực tế thì có đáng trân trọng không? Tuy không vơ đũa cả nắm, nhưng những kiểu nói lái, nói chơi kiểu “tán phét”, nói chuyện “bù khú” của mấy dân nhậu khật khưỡng nơi quán cóc, câu chuyện xì xèo của mấy bà nơi đình chợ…không thể là một sự thật hiển nhiên. Nó đã được tam sao thất bản và có khi làm thay đổi cả cái cốt lõi của sự kiện. Sự bình phẩm thường mang sắc thái cá nhân, tuỳ thuộc vào nhận thức và thành kiến mỗi người. Và rồi cũng như một quy luật : yêu thì nâng lên trời xanh, ghét thì dìm xuống bùn đen. Và rồi cũng từ đó hình thành thói quen nói hành, nói xấu…

Nói hành- nói xấu là tự hạ nhục mình.

-          Khi chê bai, nói xấu về ai thì cũng tự thanh minh rằng tôi không xấu như họ, hoặc cố tình che đi cái “lấm lê mê” ở chân mình khi mà đốt đuốc soi chân người. Đó là thái độ kiêu căng.

-          Biết bao người đã phải điêu đứng, thậm chí tìm con đường vong thân vì qúa bức xúc với dư luận. Bé xé ra to. Có thể đương sự mắc một sai lầm nào đó, nhưng chưa hẳn đã đáng bị truy tố trước cộng đoàn. Chính những suy diễn một chiều của người tung tin đã làm tổn hại tới danh dự, có khi cả sinh mạng của “tội nhân”. Lời nói đó là thái độ của kẻ sát nhân.

-           Lời nói không đúng với sự thật nên nếu có sự xác minh thì chối quanh. Thường lúc này cái lắt léo nó hữu dụng lắm. Nếu không còn chống đỡ thìcứ việc đổ tội cho dư luận, cho sự kém hiểu biết của mình. Đó là thái độ của kẻ gian dối.

-          Lời nói làm đổ vỡ tình cảm gia đình, vợ chồng ly tán cũng thường xảy ra. Gần hơn nữa, những lời nói xúc phạm làm buồn lòng người, nạn nhân đau khổ sinh tâm bệnh hoặc tự ti mặc cảm trong cuộc sống xã hội. Cũng đôi khi dư âm của lời nói kia làm ai đó khó tìm được việc làm, gây ấn tượng xấu cho người xử dụng lao động, cho bề trên của dòng tu, cho bạn bè thân tín…Lời nói đã kết án chủ thể lỗi đức bác ái.

Cứ suy nghĩ thêm, mình còn nêu ra được nhiều thiệt thòi nữa cho những lời nói gây ra cho người nói. Thôi thì lại dựa vào Lời Thật  viết hoa mà kết luận rằng : Có thì nói có, không thì bảo không. Thêm điều, bịa đặt là do bởi quỷ ma mà thành.

  Lời nói là phương tiện để xây dựng hạnh phúc, để chia sẻ vỗ về, để an ủi khích lệ, để gắn kết tình thân, để cầu nguyện và cám mến…

Anh em được nên tinh sạch nhờ Lời Thật đã nói với anh em.

Thiên Chúa Nhập Thể đã lấy tên là Ngôi Lời.

 

Bs. Trần Minh Trinh


Mục Lục Sống Lời Chúa