FATIMA

NHỮNG ẤN TƯỢNG CHẲNG PHAI MỜ

 

Có xô đẩy nhau mới vui, mới hiểu rõ chuyện . Ở Fatima, trong cuộc rước kiệu về đêm, tôi vui và hiểu rõ được chuyện này : người ta thật nhiệt thành đến với Mẹ biết bao. Khi chiếc kiệu của Mẹ vừa đi qua, đoàn người ồ ạt chen lấn đi theo, những tiếng càu nhàu, rồi ngay sau đó là ''Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời …" chắc Mẹ cũng mỉm cười tha thứ cho đoàn con cái "tội" càu nhàu, chen lấn? Và tôi cũng mỉm cười khi nghĩ tới đàn con ùa chạy ra đón mẹ đi chợ về: cùng với tiếng la ó, lấn chen nhau là nụ cười và câu nói mừng mẹ . Fatima, tấm lòng hiếu kính đơn giản và bình dân của đoàn con dành cho Mẹ trong tâm tình trẻ thơ. Điều này ít thấy ở Lộ Đức khi phái đoàn này nối tiếp phái đoàn kia, tất cả dường như trong trật tự, sắp sẵn ; nơi mà đoàn dân Chúa đi theo Mẹ tiến lên "oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận ". Ở Fatima, tôi có cảm tưởng như trẻ lại, vì đã lâu lắm rồi mới nhận lại được niềm vui trẻ thơ, niềm vui chen lấn của đoàn con thảo luôn nô nức bám lấy Mẹ hiền… Tinh thần của Têrêsa Hài Đồng, của Saviô, và có lẽ của cả Chúa Giêsu trong quãng đời thơ ấu : luôn cậy đến Mẹ, vui khi có Mẹ, và phó thác cho Mẹ ; Một tinh thần cần thiết trong một thế giới mà ai cũng muốn làm "người lớn ", muốn tỏ ra mình độc lập, tự lập, chẳng cần ai ngoài bản thân. Đến bao giờ người ta mới cảm nhận được điều mà văn sĩ Bernanos đã viết trong "Nhật ký một cha sở miền quê ": "Tout est grâce ", tất cả đều là ân sủng .Và đến bao giờ người ta mới biết đến với Mẹ như trẻ thơ,để "nhờ Mẹ đến với Chúa".

 

Ấn tượng thứ hai là truyền thống "dâng lễ vật ở Fatima. Trong Thánh Lễ, khi tới phần dâng lễ, thật cảm động xiết bao khi thấy hàng trăm người hăm hơ : kẻ tay xách, người nách mang, những bao bị đầy lúa mì, lúa miến lên bàn thờ dâng Mẹ. Có những trẻ thơ xách những bị nhỏ, có những ông già vác những bao bố nặng đến độ phải có hai người đỡ hai bên. Và đẹp hơn nữa là hình ảnh một cụ bà khập khiễng, tay chống gậy, tay kia giữ bao lúa đội trên đầu ; nhìn cụ hăm hở bước đi, tôi tin rằng : tuy đã già, nhưng chắc chắn cụ còn một "người mẹ ",và hẳn là cụ yêu mẹ lắm nên mới bước đi hăng hái đến như vậy. Những thanh niên và thiếu nữ, những người giầu và kẻ nghèo, họ mang đến đây những của lễ tuy không quý nhưng tấm lòng thật quý. Có những người đi bộ đến từ những làng mạc xa xôi, mang theo những đau khổ và nhọc nhằn, những nỗi buồn và niềm vui, những gánh nặng cuộc đời và những khát vọng thầm kín. Họ trao cho Mẹ vì tin nơi Mẹ, nhờ Mẹ xoa dịu, ủi an, nâng đỡ và chúc phúc cho họ trong cuộc đời. Nhìn hình ảnh đoàn dân mang lương thực đến dâng Mẹ, tôi nghĩ tới Giáo Hội như đoàn dân lữ hành mang lương thực đi đường, biết đường về Trời còn xa nên đã đến với mẹ như "bóng mát che đầu" (1) ,  để xin Mẹ thêm sức cho cuộc hành trình đi về "Quê" thật .

 

Có những giây phút trong cuộc đời, chúng ta cảm thấy sốt sáng hơn nhờ sự đạo đức của anh em mình. Tiếng chuông của sự thánh thiện khi gióng lên trong lòng người này, đã tạo âm vang nơi lòng bao kẻ khác. Ở Fatima, tôi có nghe tiếng chuông đó, và tôi tin rằng biết bao người trong đoàn hành hương cũng đã lắng nghe. Tiếng chuông gọi mời chúng ta đến với Mẹ, cùng thực thi ba mệnh lệnh Fatima :"An năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm, và siêng năng lần hạt " để cứu vãn thế giới ; một thế giới còn nhiều đau khổ và tội lỗi, nhưng cũng là một thế giới « với muôn ngàn vẻ đẹp, muôn ngàn chiều cao và muôn ngàn chiều sâu "(2)  này » .

 

Ân Linh

 

(1) Lời của l bài hát về Đức Mẹ .

(2) Lời trong di chúc của Đức Phaolô VI .

 


Cảm Nghiệm Sống Lời Chúa