CHỨNG NHÂN GIỮA ĐỜI

GIỜ THÁNH KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 19/10

 

1. KHAI MẠC

·         Đặt Mình Thánh

·         Hát : Phút Linh Thiêng

·         Lời dẫn của chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ, chúc tụng và tôn vinh Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Chúng con sung sướng được ở bên Chúa . Xin Chúa cho chúng con ý thức rằng Thánh Thể Chúa chính là nguồn mạch tình yêu, là sức mạnh không thể thiếu cho đời sống tâm linh của chúng con.

Nhân ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng con hiệp ý cầu nguyện cho Giáo Hội toàn cầu, cho Giáo Hội địa phương, cho từng người Kitô hữu chúng con. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Giáo Hội nhiệt thành làm việc truyền giáo, biết sống chứng nhân giữa đời, ngõ hầu Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Tin Mừng của Chúa thấm vào lòng nhân loại.

2. LỜI CHÚA VÀ SUY NIỆM

·         Tin Mừng Mt 28,16-20

·         Suy Niệm 1 : Truyền giáo là giới thiệu Đức Kitô cho mọi người

Chúng ta trở về nguồn mạch, bản chất của Giáo Hội đã được Công Đồng Vatican II khẳng định : “tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo”. Thực vậy, Giáo Hội có sứ vụ rao giảng Chúa Kitô cho mọi người . Đó vừa là vinh dự vừa là bổn phận của Giáo Hội. Trong bối cảnh xã hội đa tôn giáo và văn hóa như hiện nay, chúng ta cần học hỏi và ý thức thức sâu xa hơn Sắc Lệnh “Đến với muôn dân” và Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Thế”. Chúng ta phải trở về với nguồn mạch đức tin tông truyền, với lệnh truyền của Đức Kitô : “Anh em hãy đi giảng dậy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

Vâng lệnh Đức Kitô, Giáo Hội có sứ mạng truyền bá đức tin và diễn tả khuôn mặt Đức Kitô, Đấng đã đến cứu độ trần gian, giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Như vậy, sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội bắt nguồn từ ý định, kế hoạch của Thiên Chúa, qua Đấng trung gian là Đức Giêsu Kitô. Nhờ lời rao giảng của Hội Thánh mà mọi người nhận biết Đức Kitô, trở lại với Ngài, chịu phép rửa, tháp nhập vào Ngài và vào Hội Thánh là thân thể của Ngài. Nhờ họat động truyền giáo, Thiên Chúa được tôn vinh, Đức Kitô được nhận biết và lòai người được cứu độ.

Do đó, hoạt động truyền giáo của người Kitô hữu phải đặt nền tảng trong Đức Giêsu Kitô. Họ phải thực sự tin vào Đức Giêsu Kitô để rồi họ mới có thể làm cho người khác tin nhận Ngài.

Công việc truyền giáo của Hội Thánh, truớc hết, không nhắm tới phải rửa tội cho nhiều, nhưng là làm cho Tin Mừng của Đức Kitô thấm vào mọi thực tại của nhân sinh.

·         Hát : Gặp gỡ Đức Kitô…

·         Suy niệm 2 : Truyền giáo là quyết tâm không sống theo tinh thần thế gian.

Con người trong thế giới hôm nay đang sống lẫn lộn trong ánh sáng và bóng tối. Thực vậy, con nguời đã có những tiến bộ nhiều mặt so với trước đây, nhưng không ít người đã tự đánh mất chính mình, sống vong thân và tha hóa. Họ sống theo chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, chủ tâm thủ lợi, chà đạp nhân phẩm, xem thường công bằng, lương tâm gian dối. Đạo đức suy giảm, luân lý suy đồi ! Những tệ nạn đủ loại càng ngày càng nảy sinh ra nhiều, đêm cũng như ngày, ở khắp nơi trên thế giới.

Trong bối cảnh như thế, người Kitô hữu có dám sống ngược lại tinh thần thế gian ấy hay không ?

Người Kitô hữu đích thực sẽ sống đúng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, thực thi lời Chúa, làm lành lánh dữ, không đồng lõa với tội lỗi và sự dữ. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ : “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17,15-16). Do đó người kitô hữu sống kiếp người như bao con người khác nhưng lại phải sống khác với những người khác vì mình là con Chúa. Người kitô hữu tốt là người thuộc về Chúa, tìm kiếm Chân – Thiện – Mỹ, không a dua theo thói thế gian.

Thánh Phaolô đã khuyên bảo cộng đoàn Philipphê như sau : “Giữa một thế hệ gian tà, sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15). Chính Ngài cũng đã dậy bảo các tín hữu trong thư Rôma : “Anh em đừng rập theo lối thế gian, những hãy cải thiện con người anh em, bằng cách đổi mới tâm thần hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hòan hảo”(Rm 12,3).

Người Kitô hữu càng không được lây nhiễm thế gian khi sống trong những môi trường tục hóa, nghịch lại Tin Mừng. Họ được mời gọi vững vàng trong đức tin như lời Thánh Phêrô : “Anh em hãy ăn ở ngay lành với dân ngọai, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa” (1Pr 2,12). Chúa Giêsu đã dậy các môn đệ : “anh em hãy nên hòan thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Như thế chẳng phải là đi ngược tinh thần thế gian sao ?

Truyền giáo còn có nghĩa là RA KHƠI với nhiều thử thách khó khăn, như kinh nghiệm của Thánh Phêrô trong một đêm vất vả thả lưới mà chẳng được con cá nào trừ khi nhờ vâng lời Chúa mà có được một mẻ cá lạ lùng ( Lc 5,1-11). Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã dạy : “Hãy ra khơi”. Bước vào Thiên niên kỷ thứ ba Kitô Giáo, đừng đánh bắt quanh quẩn nơi bờ vì sợ hãi, vì thiếu lòng tin tưởng hay nản chí sờn lòng. Ra khơi, nơi có sóng to, bão lớn, có thể nguy hiểm, nhưng “anh em đừng sợ, can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

·         Hát : Trông cậy Chúa

·         Suy niệm 3 : Truyền giáo là sống chứng tá giữa đời

Người Kitô hữu truyền giáo bằng cách sống chứng tá giữa đời, trong môi trường mình đang sống, âm thầm, khiêm tốn như hạt giống âm thầm chôn vùi trong đất, mục nát, thối đi để sinh hoa kết trái tốt cho đời.

Sống chứng tá loan báo Tin Mừng là làm chứng bằng chính đời sống, hành vi, cung cách hành xử và thái độ sống bao dung của mình, làm sao điều mình sống phù hợp với điều mình tin. Chỉ cần một lời nói yêu thương, một sự tha thứ trọn vẹn, một sự giúp đỡ chân thành cho tha nhân cũng đủ nói lên chất Tin Mừng nơi người Kitô hữu, chứng nhân của Chúa Kitô giữa dòng đời ngược xuôi bể dâu này. Và như thế, người Kitô hữu đã đang gieo hạt giống Tin Mừng, để rồi đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái đức tin. Những chứng tá xem ra rất bình dị nhỏ bé lại trở nên sống động và vĩ đại như Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ luôn quan tâm, chăm sóc những người đau khổ, những người bị bỏ rơi, những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho Mẹ trái tim như thế, mà cũng chỉ vì Mẹ yêu mến Chúa nên Mẹ mới làm được những việc khác người như vậy.

Cách thức rao giảng bằng chính đời sống, bằng việc làm tốt lành của mình là chứng từ cần thiết cho con người thời nay. Con người thời nay thích những chứng nhân hơn là những thầy dạy. Nếu người Kitô hữu tin nhận Thiên Chúa và Đức Kitô, cũng như tin nhận đạo Công Giáo mà lại sống ngược với Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, thì ai sẽ còn tin vào chúng ta nữa !

·         Hát : Đường con đi

·         Thinh lặng ít phút.

·         Kinh cầu cho công việc truyền giáo

3. PHÉP LÀNH THÁNH THỂ

·         Hát : cầu cho Đức Giáo Hoàng

·         Hát : Đây Nhiệm Tích

·         Phép Lành Mình Thánh Chúa

·         Hát kết thúc

 

Giáo Phận Đàlạt

Ban Giáo Lý & Phụng Vụ

ngày 12-10-2008

 


Trở về trang Mục Lục